Hội An mở rộng hợp tác quốc tế

ĐỖ HUẤN 31/10/2018 02:29

Từ đầu năm đến nay, các cấp chính quyền và ngành hữu quan của TP.Hội An đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực. Đặc biệt, hoạt động giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, bảo tồn di sản, bảo tồn biển được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm đúng mức, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội An sẽ có chia sẻ xe đạp miễn phí/ chi phí thấp.Ảnh: ĐỖ HUẤN
Hội An sẽ có chia sẻ xe đạp miễn phí/ chi phí thấp.Ảnh: ĐỖ HUẤN

Phát huy hiệu quả

Điểm mở đầu đáng chú ý trong năm là thành phố đã hợp tác với thành phố Wernigerode (Đức) hoàn thành dự án lắp đặt, khánh thành, đưa vào sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Quảng trường Sông Hoài với tổng mức đầu tư 170.934 euro, đồng thời xây dựng chương trình hành động chung về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là dự án đầu tiên do Chính phủ Đức tài trợ cho 2 thành phố kết nghĩa, trong đó chính phủ Đức tài trợ 90%, Hội An và thành phố Wernigerode bố trí kinh phí đối ứng mỗi địa phương 5%. Hệ thống điện trên gồm 150 tấm pin năng lượng mặt trời với diện tích khoảng 300m2 được lắp đặt tại Quảng trường Sông Hoài, tạo ra nguồn điện đáp ứng phục vụ các hoạt động trình diễn nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian, lớp dạy hát dân ca, hợp xướng, hệ thống loa phát nhạc, đèn lồng trang trí, đèn chiếu sáng cho Chùa Cầu, các trục đường, lễ hội văn hóa… Năng lượng dư thừa sẽ được tích hợp trong hệ thống ắc-quy tự động, có thể sử dụng vào ban đêm hoặc lúc thời tiết xấu và phục vụ cho các di tích, nhà làm việc trong khu vực với thời lượng khoảng 36 giờ.

Ông Lothar Andert - Hội Văn hóa quốc tế thành phố Wernigerode nói: “Việc TP.Hội An xây dựng hoàn thành hệ thống điện năng lượng mặt trời càng ý nghĩa hơn khi thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Hội An với thành phố Wernigerode và chính phủ Đức với Việt Nam thêm bền chặt. Chính phủ Đức mong muốn giúp địa phương phát huy tối đa nguồn năng lượng phong phú và có thể tái tạo, giúp giữ gìn, làm cho đô thị cổ đẹp hơn. Đồng thời góp phần tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn năng lượng sạch”.

Thời gian qua, TP.Hội An cũng đã tiếp tục phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai các chương trình, dự án hợp tác như Hỗ trợ xây dựng thành phố sinh thái - nâng cao năng lực và trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp; dự án cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu; đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các bản, làng nông ngư nghiệp vùng sâu vùng xa tại Cù Lao Chàm...

Hợp tác toàn diện

Hay như trong sự kiện “Những ngày giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 16” vào tháng 8 vừa qua, Hội An tổ chức nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn bản sắc và giao lưu văn hóa giàu ý nghĩa, qua đó để lại cho những nhà quản lý, người làm chuyên ngành nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, những tư vấn bổ ích trong thực tiễn công tác. Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh hy vọng rằng thông qua các hoạt động, tỉnh Quảng Nam và các đối tác Nhật Bản tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và ngày càng bền chặt.

Mô hình Châu ấn thuyền do tỉnh Nagasaki tặng Hội An.
Mô hình Châu ấn thuyền do tỉnh Nagasaki tặng Hội An.

Bên cạnh những đối tác truyền thống và lâu dài, Hội An cũng tiếp nhận nhiều dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ thực hiện tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, như Quỹ môi trường toàn cầu, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Cũng trong năm 2018, thành phố còn phối hợp với Tổ chức Health Bridge Canada xây dựng và đoạt giải thưởng Giao thông đô thị toàn cầu đối với dự án “Lập kế hoạch tổng thể cho xe đạp và chương trình chia sẻ xe đạp miễn phí/chi phí thấp tại TP.Hội An”… Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT thành phố cho biết, trong thời gian tới đơn vị có kế hoạch phối hợp với Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam nghiên cứu thực tế về dự án này. Dự án đã được trao giải tại Diễn đàn Giao thông quốc tế do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển của Đức tổ chức tại thành phố Leipzig (Đức) cuối tháng 5 vừa qua. Dự án được hình thành từ cam kết xây dựng một thành phố sinh thái nhằm bảo tồn các giá trị lịch sử của thành phố cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, UBND TP.Hội An đã ký kết 3 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài. Trong đó có Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đào tạo nghề trên lĩnh vực nhà hàng và điều dưỡng với thành phố kết nghĩa Wernigerode (Đức); Thỏa thuận Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ VI, năm 2019; Kế hoạch liên tịch về tổ chức dạy bơi cho học sinh năm 2018. Ngoài ra, có 3 cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế được tổ chức trên địa bàn gồm: hội thảo về chương trình đào tạo quốc tế (ITP), hội thảo công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các đối tác nhận viện trợ của Ireland.

Nâng cao uy tín phục vụ khách quốc tế

Thời gian qua, lượng khách du lịch đến với TP.Hội An tiếp tục tăng và khá đa dạng về thị trường. Tổng lượt khách đến Hội An 9 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 4,55 triệu lượt, tăng gần 77% so với cùng kỳ và vượt hơn 20% so với kế hoạch năm. Tổng lượt khách tham quan đạt gần 3,475 triệu lượt, tăng gần 87,5%, trong đó khách quốc tế hơn 2,773 triệu lượt, tăng hơn 98%. Ngoài thị trường khách truyền thống từ các nước châu Âu, Úc và Bắc Mỹ cơ bản được duy trì, lượng khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian gần đây đã tăng đáng kể. Bên cạnh đó, lượng du khách đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan... cũng đang có xu hướng gia tăng. Với du khách Nhật Bản và Hàn Quốc nếu trước đây chỉ đi tham quan là chính thì bây giờ lượng khách lưu trú đã tăng lên đáng kể.

Việc khách đến đông, bên cạnh niềm vui cũng có nỗi lo. Lo vì chất lượng dịch vụ và uy tín chưa thực sự đảm bảo. Sự chênh lệch giữa cung và cầu sẽ không đủ khả năng đáp ứng, khó giữ chân du khách lưu trú hoặc lôi cuốn khách quay lại nhiều lần... Gần đây, việc chạy theo thị hiếu du khách Hàn Quốc, mở nhạc với công suất âm thanh lớn quá cỡ, rồi hát hò, nhảy múa trên thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh đã làm mất đi thiện cảm của khách châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ…, đồng thời tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường và sự đa dạng sinh học nơi vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Một hiện tượng khác mà du khách Nhật Bản không mấy thiện cảm trong hoạt động du lịch, thương mại ở Hội An là việc chèo kéo, chào mời của một bộ phận nhân viên cửa hàng, cửa hiệu và lực lượng “cò mồi” tự phát ngày càng đông. Rồi vấn đề phân biệt giá cả giữa người dân địa phương với khách du lịch nước ngoài cũng là chuyện cần được cải thiện...

Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng nói, một số địa phương có tổ chức những hoạt động dịch vụ, cốt tạo ra những điểm thu hút khách càng ngày càng đông hơn nhưng những mặt trái nảy sinh trong quá trình tổ chức của người dân chưa được kiểm soát, quản lý, điều chỉnh thật tốt, dẫn đến sai phạm về mặt quy định pháp luật. Cạnh đó là uy tín, chất lượng của điểm đến không chỉ của riêng địa phương đó mà cả TP.Hội An đều bị ảnh hưởng.

Du lịch là ngành kinh tế hàng đầu của Hội An. Muốn phát triển du lịch bền vững ở thời hội nhập quốc tế này, phải không ngừng nâng cao chất lượng và uy tín phục vụ trong thế cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều điểm du lịch khác.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội An mở rộng hợp tác quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO