(Xuân Đinh Dậu) - Hơn 20 năm trước, Mỹ Sơn giống như “lò gạch” đổ; còn tại Hội An, không ít người lần lượt bỏ xứ ra đi khi nhà muốn bán cũng chẳng ai mua. Việc định danh để Quảng Nam khi đó vừa mới tách tỉnh cùng lúc có 2 Di sản văn hóa thế giới không phải tự nhiên mà thành. Ít ai biết, để làm nên danh hiệu, có những người bất kể ngày đêm nhặt tìm những vang bóng.
Bài 1: Lần giở buổi đầu
Chúng tôi gặp lại những người ở buổi đầu tái lập tỉnh, chính họ với sự nhiệt tâm của mình, đã làm một “hành trình ngoạn mục”, ngõ hầu định danh cho tên gọi Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn.
Giữ gìn và đánh thức
Trong quãng đời 37 năm làm văn hóa của mình, ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) nói, giai đoạn 1997 - 1999 là những năm lưu dấu sâu đậm, khi cái nghề “cờ, đèn, kèn, trống” có ý nghĩa rất lớn với ông. Trong cuộc cà phê ký ức chớm đông, mỗi câu chuyện như một làn khói nóng ấm lan tỏa xua tan se sắt. Ông Tuấn nói rằng, bây giờ nhìn Hội An, đi dạo ở các con đường, nghe nhạc trong nhà cổ, ngắm trăng rơi trên phố, thì khó thể nào hình dung thị xã Hội An những năm 1997 - 1999. Dù là một đô thị cổ nhưng đời sống người dân vô cùng khó khăn, cả thị xã lúc bấy giờ nằm trong tiếng thoi đưa của các xưởng dệt.
Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, được tổ chức năm 2005. Ảnh: LÊ VẤN |
Đêm nào khung cửi cũng đánh sầm sập. “Nhưng may thay, Hội An có một chính quyền biết giữ gìn và chăm lo, dù khó khăn nhưng không cho phá vỡ kiến trúc gỗ. Từ thời kỳ ông Võ Yên đến anh Hưng, anh Sự vẫn coi việc giữ gìn phố cổ là trên hết” - ông Tuấn nói. Với Mỹ Sơn, ông kể lúc đó chỉ có đường đi bộ do những người đi củi, chăn dắt trâu bò đi mãi nên thành lối. Và Mỹ Sơn nhìn đâu cũng thấy bom mìn, gạch đá, tháp thì có thể đổ bất cứ lúc nào. Sau chiến tranh, Mỹ Sơn bị tàn phá, chỉ còn như những “lò gạch” vỡ vụn đổ nát… “Tái lập tỉnh Quảng Nam, từ Khe Thẻ, Sở Văn hóa thông tin lúc bấy giờ đã cử người vào nghiên cứu, rồi sau đó chính quyền địa phương cùng ngành văn hóa bảo vệ” - ông Tuấn nhớ.
Bà Hồ Thị Thanh Lâm - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bây giờ tóc đã nhiều màu sương, nhưng khi gợi lại hành trình bôn ba với bao nhiêu thứ không tên, để gọi lên xác đáng một cái tên, danh vị của vùng đất, thì giọng vui như ngày nào ắp đầy hăng say. Những câu chuyện như một cuộc xếp hành lý từ lỉnh kỉnh bừa bộn đến gọn gàng. “Từ đầu những năm 1990, khi chưa tách tỉnh, lãnh đạo Quảng Nam - Đà Nẵng lúc này đã manh nha chuyện phải tìm cách thức phát triển cho hai vùng đất văn hóa Hội An - Mỹ Sơn. Tái lập tỉnh Quảng Nam, câu chuyện đầu tiên mà lãnh đạo tỉnh mới lúc bấy giờ nghĩ tới là việc xây dựng hồ sơ tư liệu và tìm cách vận động để đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới” - bà Hồ Thị Thanh Lâm nói.
Trong muôn trùng điều phải lo nghĩ, phải gầy dựng cho một vùng đất còn lắm khó nghèo, thì tinh thần táo bạo, tự tin và khôn khéo, cùng truyền thống quật cường lại trỗi dậy mạnh mẽ. Bà Lâm bảo: “Tôi nhớ khi mình phụ trách Đoàn công tác của tỉnh đi ngoại giao cho tiến trình công nhận di sản, thì anh Nguyễn Đức Hạt, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy, nhắn gửi chân tình, cố gắng nghe em, không được công nhận cả hai thì mình cố để có được một di sản cũng được”. Vậy là mấy con người, thao thức từng chữ nghĩa, chi li từng cuộc tiếp xúc, để làm sao đó, cái tên Hội An, Mỹ Sơn phải trở nên quen thuộc với quốc tế.
Tiếp thị di sản
Sau những động thái ở địa phương, là cái phần việc khó khăn gấp bội: Phải làm sao để đưa những giá trị từ trong quá khứ lẫn cái đẹp của hiện tại ra mắt công luận. Và chính những người như bà Hồ Thị Thanh Lâm, ông Nguyễn Đức Tuấn… đảm đương nhiệm vụ “tiếp thị di sản” - cụm từ mà hiện nay người ta hay sử dụng, như lời nói vui của ông Tuấn. Lúc đó, ông Hồ Xuân Tịnh (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL hiện nay) làm công tác bảo tồn - bảo tàng nên được giao nhiệm vụ thu thập hình ảnh, tư liệu và trực tiếp viết “lý lịch” các di sản để hoàn thiện hồ sơ. Hồ sơ di sản lập xong thì Quảng Nam đón đoàn Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, dẫn đầu là Cục phó Cục Di sản Thái Lan, vào kiểm tra. “Trước khi đề xuất UNESCO công nhận, ông này không chịu Hội An, vì theo ông bản thân Hội An là đô thị cổ, còn giữ tương đối nguyên vẹn nhưng lại chưa có biện pháp phòng cháy chữa cháy. Nếu sau khi công nhận, phố cổ xảy ra cháy thì biết làm sao?” - ông Tuấn kể. Lúc bấy giờ, ngành văn hóa và chính quyền Quảng Nam bảo đảm với đoàn kiểm tra rằng sẽ lập đội phòng cháy chữa cháy trực tiếp đóng ở Hội An, đồng thời xây dựng hồ điều tiết và hồ trữ nước để có thể dập lửa bất cứ lúc nào. Sau đó hồ sơ được tạm thời ghi nhận bước đầu. Những người chịu trách nhiệm thời đó lên đường ra Hà Nội tiếp tục hành trình “tiếp thị di sản”.
Và thế là đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Thanh Lâm dẫn dầu đi “gõ cửa” 21 đại sứ quán đặt tại Hà Nội của 21 quốc gia là Ủy viên thường trực Ủy ban Di sản thế giới UNESCO để thuyết minh về “đặc sản” quê mình. “Ngoài tổ chức hội thảo, quảng bá, xây dựng hồ sơ, mình còn phải gặp gỡ thêm các đại sứ để họ tác động chính phủ ủng hộ. Vì nếu các nước này không ủng hộ thì hội đồng sẽ không thông qua” - ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ. Tháng 11.1999, lần đầu tiên, tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo tại Hà Nội để giới thiệu về giá trị và tranh thủ dư luận ủng hộ cho Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Bà Lâm nói, cuộc họp báo với sự có mặt của hàng trăm đại biểu đến từ các đại sứ quán, các hãng thông tấn báo chí nước ngoài tại Việt Nam và truyền thông trong nước.
Sau họp báo, nhiều tờ báo nước ngoài và của Việt Nam đã đưa những thông tin có lợi cho việc công nhận Hội An và Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới. “Sau đó, tôi lên đường sang Pháp để thay mặt UBND tỉnh làm việc với ông Nguyễn Mạnh Dũng - Đại sứ Việt Nam và ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tại Paris. Qua đó nhằm chuyển đến UNESCO quyết tâm của Việt Nam về việc thực hiện các kế hoạch bảo tồn di sản đối với Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn sau khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới” - bà Hồ Thị Thanh Lâm kể. Và cũng chính người phụ nữ này cùng với Đoàn đại biểu Việt Nam, đã trọn vẹn giới thiệu những giá trị vàng son của đất Quảng, đứng trước hàng trăm đại biểu quốc tế tại Kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức ở Cộng hòa Marocco, tháng 12.1999. Từ kỳ họp này, vượt qua hồ sơ của 44 di sản các nước trên thế giới, lần đầu tiên, Việt Nam có 2 di sản văn hóa được công nhận cùng một lúc.
Bài 2: Duyên nợ trót mang
Với ông Nguyễn Công Hường - nguyên Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, câu chuyện về Mỹ Sơn như là duyên nợ trót mang. Thời kỳ đó - những năm 1990 - để lên đến Khu đền tháp Mỹ Sơn không dễ. Đường sá khó khăn. Cư dân thưa thớt. Từ xã Duy An (cũ), ông Hường đang là Chủ tịch lâm thời của UBND thị trấn Nam Phước, lên Duy Hòa quản lý lao động trồng rừng. Hướng đi bớt khó nhất là chọn cách băng theo ngả Trà Lý (Duy Sơn) đi về phía núi. Và đây cũng là con đường hành hương của người Chăm Pa từ Kinh thành Trà Kiệu về Mỹ Sơn. “Đi theo con đường hành hương, cảm giác tưởng tượng về những đền tháp cũ đã ngã đổ cứ hiện lên mồn một.
Hội An những năm 1997 - 1999. Ảnh: Lê Vấn |
Nếu không bị chiến tranh tàn phá, hẳn là không gian của khu quần thể tháp Mỹ Sơn còn khá đồ sộ, rải dọc từ Kinh thành Trà Kiệu về khu đền tháp đang có” - ông Hường nói. Duyên là trong khoảng thời gian này, ông thường xuyên gặp kiến trúc sư Kazik - đang dựng lều ở tạm, ngày đêm nghiên cứu phục hồi, gìn giữ các tháp Chăm ở Mỹ Sơn. Chính sự tận tụy của Kazik như truyền lửa để đến năm 1994, khi ông Hường được điều về làm việc tại Mỹ Sơn, từ cơ duyên đã trở thành trách nhiệm. Nhưng khác với một Hội An sống động - thị xã đầy hơi thở con người, cho dù có đang “ngủ quên” vẫn đầy chất sống - thì Mỹ Sơn cô quạnh, lạnh lẽo lọt thỏm giữa những quả đồi sương phủ. Trách nhiệm của một cán bộ mới nhận nhiệm vụ như ông Hường là làm sao để Mỹ Sơn vẫn là Mỹ Sơn, xóa bỏ ý nghĩ về Mỹ Sơn “giống lò gạch cũ” của người dân trong vùng và đem hơi thở con người về đây.
Bài 3: Hình hài di sản
Những cuộc đi khôn cùng và nhọc nhằn rồi cũng đến đích, khi “dung nhan” vùng đất, đã bắt đầu bằng những nét vẽ tươi màu.
Bên lề nghị trường
Trong Kỳ họp lần thứ 23 của UNESCO, trước khi vinh danh 2 di sản của Việt Nam, có khá nhiều câu chuyện vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức bà Hồ Thị Thanh Lâm - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam. Bà Lâm kể, tại kỳ họp trù bị diễn ra trong 2 ngày 26 và 27.11.1999, đại biểu Hungary có một số ý kiến về hồ sơ của Mỹ Sơn, họ đề nghị đổi tên tiếng Anh từ MYSON SANCTUARY thành MYSON HOLLYLAND kèm theo điều kiện: Hai năm sau khi Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Chính phủ Việt Nam phải báo cáo những kết quả nghiên cứu về khu vực thiên nhiên từ núi Ngọc Linh về cửa biển Hội An có liên quan đến khu di sản Mỹ Sơn.
Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Trong khi đó đại biểu Hy Lạp bày tỏ sự băn khoăn về việc có nhiều cây mọc trên các tháp cổ tại Mỹ Sơn… Trước tình hình đó, Đoàn đại biểu Việt Nam, dưới sự chủ trì của ông Trương Quốc Bình - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng Bộ Văn hóa thông tin, khẩn trương hội ý và thống nhất một số nội dung để hội đàm tại các cuộc họp riêng với đại diện Trung tâm Di sản thế giới và Trưởng đoàn Hungary. Trong đó khẳng định, Việt Nam hoàn toàn tôn trọng những nhận xét, đánh giá của ICOMOS (Cơ quan tư vấn về di sản văn hóa của UNESCO) và Ủy ban Di sản thế giới mà không muốn có sự thay đổi về tên gọi và địa văn hóa khu di tích Mỹ Sơn; Việt Nam hoan nghênh mọi sự hợp tác song phương và đa phương để tiếp tục việc nghiên cứu sau khi Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Qua nhiều lần họp riêng và vận động hành lang, sáng 1.12.1999 đại biểu Hungary tuyên bố rút lui những ý kiến đã nêu. Và khi Ủy ban Di sản thế giới xem xét chính thức việc công nhận Mỹ Sơn, Hungary không những hoàn toàn ủng hộ Mỹ Sơn xứng đáng được công nhận theo các tiêu chuẩn 2 và 3 mà còn đề nghị trong tương lai, cần phải thừa nhận thêm 2 tiêu chuẩn 4 và 6 cho khu di sản này.
Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: H.X.H |
Hậu phương tiếp sức
Trong hành trình tìm về câu chuyện 20 năm cũ của Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hiến - nguyên Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (giai đoạn 1993 - 2000) để biết thêm về vai trò của chính quyền khi ấy. Bởi theo lời ông Nguyễn Công Hường - nguyên Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, những năm 1994 - 1996 ở khu vực Mỹ Sơn tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Ông Hiến nói: “Hồi đó báo chí cũng lên tiếng khá nhiều về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự ở khu vực Mỹ Sơn. Mà thật, hồi đó chưa có sự chung tay của cấp quản lý và địa phương”. Lúc đó Mỹ Sơn đã là di tích cấp quốc gia thuộc sự quản lý của Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý di tích có 4 cán bộ là người địa phương nhưng cũng thuộc quản lý của Bảo tàng tỉnh. Chính quyền huyện Duy Xuyên bấy giờ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) chuyển quản lý về cho địa phương và đã được đồng ý. Sau khi tái lập tỉnh Quảng Nam, cùng với sự vào cuộc của chính quyền và người dân, tình trạng mất an ninh trật tự được xóa bỏ để công cuộc hỗ trợ hồ sơ công nhận di sản Mỹ Sơn từ phía địa phương được toàn tâm toàn ý.
Trong hồ sơ về Mỹ Sơn, để có sơ đồ thổ nhưỡng từ đỉnh Ngọc Linh đến Cửa Đại, chính ông Nguyễn Công Hường đã trực tiếp lên Trà My, qua Kon Tum tìm tư liệu. Rồi sau đó là những ngày phải chạy như thoi đưa cùng công cuộc “tiếp thị di sản” của tỉnh. Người của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn không nhiều, ông Hường hầu như một mình kiêm hết các nhiệm vụ, vào TP.Hồ Chí Minh xin bút tích của ông Phạm Văn Chê - Trưởng phái đoàn nghiên cứu văn hóa Chăm Pa của Pháp - tại Bảo tàng Lịch sử văn hóa TP.Hồ Chí Minh; triển lãm tại Hà Nội. Ráo riết chuẩn bị cho Hội thảo 100 năm phát triển văn hóa Chăm Pa ở Mỹ Sơn năm 1998… Chính những công việc tưởng như không tên đó đã tạo nền tảng, tư liệu quý giá kịp thời bổ sung để Mỹ Sơn cùng với Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới vào ngày 4.12.1999.
SONG ANH - ANH TRÂM