Hướng tới mục tiêu xây dựng “Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch”, lãnh đạo Đảng, chính quyền và Mặt trận TP.Hội An chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo trong các phong trào thi đua, bảo tồn và phát huy giá trị di sản...
Liên hoan văn nghệ các tôn giáo TP.Hội An lần thứ 2 vừa được tổ chức nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.Hội An lần thứ XI (nhiệm kỳ 2019 - 2024) đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con tín đồ tôn giáo và nhân dân thành phố.
Các đội văn nghệ của Giáo xứ Công giáo, Giáo hội Phật giáo, Cao Đài truyền giáo và Hội thánh Tin lành Việt Nam TP.Hội An đã mang đến liên hoan 13 tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, phản ánh đậm nét phương châm “sống tốt đời đẹp đạo” cùng những khát vọng nhân ái và đồng hành xây dựng “Hội An - thành phố văn hóa”.
Linh mục Đoàn Minh (Nhà thờ Công giáo Hội An) chia sẻ, Hội An là thành phố văn hóa, có đông đảo bà con tín đồ các tôn giáo. Văn hóa ở đây không phải là thuộc về quá khứ mà là văn hóa đang sống động thực tế trong đời sống các tín đồ. Tổ chức liên hoan văn nghệ là dịp để nhân dân thành phố nói chung, các tôn giáo nói riêng thấy rằng mình đang được sống trong bầu không khí của xã hội hài hòa vui vẻ. Điều này phản ánh chân thực khối đoàn kết toàn dân vững mạnh trên địa bàn thành phố nhiều năm qua.
Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách tôn giáo dân tộc. Mối quan hệ giữa các tôn giáo và bà con người Hoa trên địa bàn với chính quyền, Mặt trận ngày càng được củng cố bền vững.
Đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành với dân tộc, đoàn kết cùng toàn dân hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Mặt trận như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo” và các chương trình an sinh của thành phố.
Cùng với các hoạt động cứu trợ thường xuyên mỗi khi có thiên tai, bão lụt, hoạn nạn, bà con giáo dân đã tặng hàng trăm xe lăn cho người tàn tật, duy trì trao học bổng thường xuyên cho học sinh nghèo học giỏi, tổ chức “nồi cháo tình thương” vào dịp Rằm và mùng Một hằng tháng, đóng góp hàng chục tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo khó, neo đơn…
“Ngoài việc làm những linh âm phục vụ cho hoạt động của tôn giáo, chúng tôi rất mong những tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ trở thành lời kêu gọi cho cả cộng đồng hướng thiện, làm thế nào đó hạn chế những tệ nạn, trừ những cái ác, hướng con người đến những giá trị “chân - thiện - mỹ”. Chúng tôi cũng mong rằng những tiếng chuông đó sẽ là lời kêu gọi toàn dân tham gia chung tay, góp sức để xây dựng Hội An ngày càng phát triển theo định hướng sinh thái - văn hóa - du lịch, phát triển bền vững, năng động và giàu bản sắc” - ông Trần Ánh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An bày tỏ.