(QNO) - Lễ hội tết Giáp Ngọ năm nay được TP. Hội An tổ chức chu đáo, trang trọng. Trong không gian bề thế của lễ hội có thể nhận ra những điểm nhấn đặc sắc.
Không gian xuân trong đêm giao thừa tại Hội An. |
Hoành tráng
Cuối năm, mùa xuân như đã lấp ló đâu đó quanh phố cổ Hội An khi không khí nhộn nhịp của ngày tết Nguyên đán dần lan tỏa trên các các con phố nhỏ lẫn trong những ngôi nhà trầm mặc rêu phong của phố cổ. Từ sáng 24 tháng chạp, khi hội hoa xuân bắt đầu, muôn nghìn sắc hoa rực rỡ tràn ngập trên các con phố, từ Nguyễn Huệ qua Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh. Chợ Hội An cũng trở nên nhộn nhịp hơn với cảnh tấp nập bán, mua. Cầu Cẩm Nam “đặc quánh” lại bởi không khí giao thương sôi nổi đã thu hút du khách nước ngoài đến lạ thường. Những địa điểm du lịch sôi động tại phố cổ như Chùa Cầu, các hội quán, nhà cổ Tấn Ký khiến cho du khách thích thú hơn bởi sự trang hoàng độc đáo mà giản dị cũng như không gian tín ngưỡng “sáng” hơn trong những ngày cận tết. Anh Toni Taylor, du khách đến từ Anh quốc trầm trồ: “Không gian mùa xuân Á đông đậm đặc hơn ở phương Tây chúng tôi. Đến đây đúng dịp này, chúng tôi càng thấm thía hơn các nét đẹp văn hóa của người bản địa, sinh động chứ không cứng nhắc như trong sách, báo mà chúng tôi từng lướt qua. Các cây cảnh thi nhau khoe sắc dưới nắng vàng cuối năm thật quyến rũ”.
Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm bên đèn lồng độc đáo hình ngựa. |
Sau khi lễ hội hoa xuân được khởi động, ngày hội “Bánh tết vì người nghèo”; ngày hội “Tuổi thơ với lồng đèn” hay “Tái hiện không gian tết nguyên đán cổ truyền làng quê Hội An” cũng được lần lượt diễn ra từ ngày 27 cuối năm. Tại vườn tượng An Hội, nhiều du khách đã có được những giây phút trải nghiệm tuyệt vời với nghề thủ công làm đèn lồng truyền thống dành cho các em thiếu niên, nhi đồng. Ngày hội bánh tết vì người nghèo năm nay được tổ chức vào sáng 28 - 1 tại Bảo tàng Hội An phong phú các nội dung thi làm bánh lăn, làm mứt và tặng quà tết cho người nghèo. Riêng hội thi gói và nấu bánh tét được tổ chức tại từng xã, phường để tạo không khí đầm ấm ngày xuân. Các gia đình, hàng xóm cùng quây quần bên nồi bánh tét đã khiến cho bức tranh xuân thêm rộn ràng, tươi mới. Khu ẩm thực Bồ Lúa (thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh) là địa chỉ tái hiện không gian tết cổ truyền làng quê Hội An. Dù kéo dài đến mồng 7 tết Giáp Ngọ nhưng hội tết cổ truyền làng quê đã sôi động ngay từ khi mở màn, 28 tháng chạp. Trong sôi động các hoạt động của lễ hội tết Giáp Ngọ, thời khắc giao thừa là “sân khấu” rực rỡ của trình diễn lân, sư, rồng chào năm mới. Thời điểm này, các hội quán, đình, chùa cũng đồng loạt gióng chuông, trống hòa chung sự giao thoa của đất trời. Lúc này, thành phố cũng bắn pháo hoa tại 2 địa điểm là vườn tượng An Hội và cảng Cửa Đại.
Độc đáo
Để không gian tết cổ truyền thêm đậm đặc, năm nay, TP. Hội An đã “kết nối” với Nhà hát múa rối nước Cố đô Huế để biểu diễn các tiết mục múa rối nước tại vườn tượng An Hội từ mồng 3 Tết đến rằm Nguyên tiêu. Đội nghệ thuật quần chúng thành phố cũng “góp xuân” bằng chương trình văn nghệ “Mừng xuân mới” tại các xã vùng xa bắt đầu từ mồng 8 tết. Không gian quảng trường sông Hoài là “xương sống” của lễ hội tết với các chương trình đặc sắc: thi tài năng nghệ thuật thiếu nhi; đêm nhạc Đảng và mùa xuân; ngày hội đua ghe ngang trên Sông Hoài... Đặc biệt, nhạc sĩ tài hoa Trần Quế Sơn cũng đến giao lưu và cống hiến cho khán, thính giả phố Hội và du khách các tiết mục văn nghệ sinh động. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TP. Hội An chia sẻ: “Hội An rất đỗi thân quen, ai đến một lần rồi cũng dễ dàng mường tượng và “vẽ” ra trong tâm tưởng của mình từng lối phố, từng nhà cổ, từng hội quán, món ăn, thậm chí là giọng nói, cách phát âm sau mỗi lễ hội. Dung dị vậy nhưng tại sao du khách, dù trong hay ngoài nước lại cứ quyến luyến khi chia xa Hội An và tìm cách quay lại cho thỏa nỗi… nhớ khi lễ hội được tổ chức? Tôi không cắt nghĩa được rạch ròi nhưng có thể khẳng định được: không khí, không gian phố cổ Hội An qua lễ hội giản dị nhưng đặc sắc như chính đời sống nội tâm của mỗi người vậy”.
Anh Toni Taylor chụp ảnh lưu niệm bên cây nêu tại Tụy Tiên Đường. |
Tại lễ hội tết Giáp Ngọ này, đã là lần thứ 6 TP. Hội An tổ chức lễ hội đèn lồng. Cứ đến hẹn lại lên nhưng ngay từ buổi khai mạc, những chiếc đèn lồng xinh xắn của 69 đơn vị dự thi vẫn cứ thu hút đặc biệt những chiêm ngưỡng của mọi người. Dấu ấn chính là những chiếc đèn lồng nghệ thuật hình con ngựa được tạo tác từ những đôi tay tài hoa của các nghệ nhân phố cổ. Chúng được sắp đặt như quyện vào nhau, tạo nên không gian quyến rũ, lung linh và huyền hoặc ánh sáng, sắc màu tại mỗi khu phố cổ cũng như khu vườn tượng An Hội. Đúng như khẳng định của lãnh đạo TP. Hội An, hội thi đèn lồng được tổ chức không ngoài mục đích tôn vinh nghề làm đèn lồng. Bởi vậy, dù năm nào cũng được tổ chức nhưng những chiếc đèn lồng đã không chỉ khơi dậy mà ngày một khuyến khích sự nghiên cứu, sáng tạo, chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống của các nghệ nhân trên địa bàn thành phố. Ở quảng trường sông Hoài còn có các tác phẩm câu đối xuân, sinh vật cảnh như hoa viên, cá, chim cảnh… “tựa” vào những chiếc đèn lồng tạo nên một “sinh thái” làng quê ấn tượng.
NGUYỄN QUANG VIỆT