Hội An tạo đột phá trong đầu tư

ĐỖ HUẤN 08/01/2014 12:47

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2014 này được chính quyền TP.Hội An xác định là tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xem đây là bước đột phá cho sự phát triển của thành phố.

Hạ tầng giao thông là trọng điểm đầu tư phát triển trong năm 2014 của Hội An.
Hạ tầng giao thông là trọng điểm đầu tư phát triển trong năm 2014 của Hội An.

Quyết sách này đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ và nhân dân thành phố ngay khi vừa được HĐND thành phố (khóa X) thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tổ chức vào cuối năm 2013) với các công trình trọng điểm được ghi vào danh mục đầu tư như: đường ĐT608, đường Trần Nhân Tông, kè chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, kè bảo vệ phố cổ, dự án xử lý nước thải Chùa Cầu. Gắn với các công trình này còn có các dự án điều chỉnh quy hoạch, đầu tư chỉnh trang đô thị, chỉnh trang các khu dân cư như: mở rộng tuyến đường 18/8 (nối dài), đường Điện Biên Phủ (từ Thanh Hà đi Cẩm Phô); triển khai nhanh các khu dân cư đã có như Trảng Kèo, đô thị Thanh Hà, Phước Trạch – Phước Hải... Đây là các công trình mà từ năm 2011 đến nay, chính quyền thành phố đã tiến hành cơ cấu lại đầu tư theo hướng tập trung vốn cho các công trình mang tính động lực phát triển của thành phố và thật sự bức xúc trong điều kiện nguồn vốn hạn chế.

Giải pháp nguồn vốn

Nhu cầu đầu tư năm nay của Hội An là rất lớn. Theo dự toán, thành phố sẽ phân bổ nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 khoảng hơn 374 tỷ đồng, trong đó đầu tư mới 17 công trình với số vốn hơn 66 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn khai thác quỹ đất). Với nguồn kinh phí vừa phải trang trải để thanh toán trả nợ công trình đã hoàn thành vừa phải tiếp tục bố trí cho các công trình chuyển tiếp, phân bổ cho các công trình mới và nguồn ứng trước cho công tác giải tỏa đền bù một số dự án thì liệu nguồn thu nội tại có đảm bảo để cân đối thực hiện? Bởi theo dự kiến, nguồn vốn phân bổ đầu tư phát triển của thành phố chỉ tập trung nhờ vào 3 nguồn thu chủ yếu gồm khai thác quỹ đất khoảng (gần 294 tỷ đồng), bán yến sào (28 tỷ đồng) và phí bán vé tham quan (30 tỷ đồng). Trong khi nguồn thu từ mặt hàng yến sào năm qua đạt kết quả khả quan nhờ lãnh đạo thành phố tích cực chỉ đạo tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ dưới nhiều hình thức linh hoạt thì 2 nguồn thu kia có dấu hiệu thiếu ổn định. Ông Đinh Hùng, Phó Trưởng phòng Tài chính – kế hoạch TP.Hội An cho biết: “Thu từ khai thác quỹ đất có chuyển biến khá tốt nhưng do tình hình chung về thị trường nhà đất, bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi và những khó khăn chung của nền kinh tế, một số dự án khai thác quỹ đất chưa đấu giá được do ít có người mua, ảnh hưởng đến tiến độ huy động nguồn thu. Còn nguồn thu từ phí tham quan đô thị cổ giảm 12% so với dự toán do những tháng cuối năm thời tiết không thuận lợi, lượng khách tham quan giảm. Mặt khác, các ban ngành chưa quyết liệt phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, chống thất thu tiền bán vé”.

Bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế - xã hội, HĐND TP.Hội An đề nghị, nên tập trung nguồn vốn trả nợ các công trình đã hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng, ưu tiên đầu tư những công trình thực sự bức thiết phục vụ dân sinh, mở hướng phát triển của thành phố, đồng thời dự lường nguồn thu để bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên, hạn chế phát sinh dự án dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, kéo dài thời gian đầu tư, chất lượng kém.

Xử lý dự án “treo”

Thực tế hiện nay, trên địa bàn Hội An vẫn còn 6 dự án quy hoạch khu dân cư thiếu vốn bồi thường, tồn đọng 126 trường hợp vướng mắc đền bù giải tỏa tại 15 dự án với tổng giá trị bồi thường lên đến 38,7 tỷ đồng, và 15/27 dự án du lịch kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng. Mặc dù lãnh đạo thành phố đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi một số dự án nhưng việc triển khai các thủ tục còn rất chậm, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khiến cho đời sống người dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn dự án khu dân cư Bắc Sơn Phong được triển khai từ năm 1995, khu công viên du lịch văn hóa triển khai từ năm 2003 và một số dự án khác cũng nằm trong tình trạng bỏ ngỏ thời gian thực hiện. Hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, chen chúc đông người. “Dẫu biết rằng, trong thời gian ngắn việc xóa bỏ các dự án “treo” là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên UBND thành phố cần có quy trình đánh giá lại một cách chuẩn xác từng quy hoạch đang được xem là “treo” và có hướng xử lý cụ thể. Những quy hoạch có khả năng thực hiện sớm thì tập trung nguồn lực để triển khai nhanh. Những quy hoạch xét cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện thì điều chỉnh mốc thời gian thực hiện; quy hoạch không có tính khả thi thì kiên quyết hủy bỏ, thu hồi những dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện để giao lại cho các tổ chức, cá nhân có năng lực tiếp tục đầu tư” - bà Huỳnh Thị Kim Dung nêu ý kiến.

Không thể phủ nhận những biện pháp tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân của chính quyền thành phố trong thời gian qua nhưng tình trạng quy hoạch, dự án “treo” vẫn còn nhiều bức xúc. Dù tồn tại với nguyên nhân nào thì các quy hoạch, dự án “treo” đều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân và sự phát triển của thành phố.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội An tạo đột phá trong đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO