Nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Hội An đã tiên phong xây dựng sản phẩm theo xu hướng du lịch xanh.
Doanh nghiệp tiên phong
Gần chục năm qua, cơ sở dịch vụ du lịch An Villa ở Cẩm Thanh đã có hệ thống phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hạn chế túi ny lon, sử dụng vật dụng thân thiện môi trường, tái sử dụng, tái chế rác thải.
“An Villa rất vui vì đóng góp một phần nhỏ bé trong một chiến dịch rất lớn không chỉ ở Hội An hay Việt Nam mà là toàn cầu. Từ khi hình thành không gian này, các chủ đầu tư đều muốn thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên thiên. Và việc nhỏ nhất mình bắt đầu làm từ khi khởi dựng đến bây giờ là phân loại rác” - bà Nguyễn Thanh Tâm (quản lý An Villa) nói.
Cụm từ “Sống Xanh - Zero West” không còn xa lạ trong hệ thống giá trị cốt lõi và nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch Hội An. Đã có hàng chục doanh nghiệp cung cấp sản phẩm vệ sinh cá nhân, hộ gia đình và cơ sở kinh doanh giảm thiểu bao bì nhựa; xây dựng điểm trao nhận miễn phí hay tổ chức chợ phiên địa phương, mua bán trực tiếp, giảm bao bì; thực hiện chương trình tour vớt rác trên sông, trên biển... Một số doanh nghiệp tiên phong như nhà hàng Cánh Đồng, Á Đông Silk, HTX du lịch Tân Thành, tái chế rác thải Reform…
“Thế mạnh của Hội An là du lịch xanh. Nếu muốn làm du lịch thì phải có du lịch xanh, du lịch bền vững mới tồn tại được. Chúng tôi mong chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, hợp tác, giúp cho doanh nghiệp chung tay tạo nên một môi trường du lịch phát triển bền vững từ những việc làm cụ thể như phân loại, tái chế rác thải…” - ông Trần Thái Do (chủ đầu tư Silk Sense Hội An River Resort) nói.
Bắt đầu từ việc học cách nói không với sự lãng phí; cắt giảm đồ đạc, sống đơn giản; nói không với rác thải nhựa dùng một lần; tái sử dụng, tận dụng hết tính năng của các món đồ vật, tiến đến tái chế sau khi đã phân loại, tạo phân bón cho cây trồng từ rác thực phẩm, thức ăn thừa… là những việc làm được nhiều cơ sở dịch vụ du lịch ở Hội An triển khai, được sự hưởng ứng tích cực của du khách.
Chung tay hành động
Từ năm 2019, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã khởi động Dự án quản lý rác thải ở các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn tiên phong tại Hội An với mục tiêu từng bước kiểm soát rác thải, thực hiện phân loại, tái chế; cung cấp giải pháp, kết nối phát triển các sản phẩm, dịch vụ; xây dựng mô hình học tập du lịch trải nghiệm tìm hiểu về rác, cùng chia sẻ giá trị bền vững.
Tháng 9.2021, UBND TP.Hội An, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam với sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh - Greenhub và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN đã ký kết và công bố “Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải, hướng tới xây dựng Hội An - Điểm đến xanh, giai đoạn 2021 - 2023”.
“Vấn đề đặt ra là thị trường du lịch đã dần chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, giai đoạn hậu Covid-19 là xu hướng tất yếu và là vấn đề cần được quan tâm nghiêm túc. Một mô hình kinh tế và xã hội bền vững chỉ có thể thực hiện được khi các bên liên quan cam kết tham gia và tạo điều kiện giảm thiểu rác thải” - ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết.
Theo thạc sĩ Phùng Tấn Đông (nhà nghiên cứu văn hóa Hội An), du lịch xanh giống với du lịch sinh thái nhưng với nghĩa rộng hơn, bao hàm nhiều lĩnh vực hơn vì du lịch xanh hàm nghĩa du lịch văn hóa, sinh thái.
Ở Quảng Nam, nhiều mô hình du lịch xanh từng bước trở thành điển hình trên diễn đàn du lịch cả nước như: Mô hình du lịch nói không với túi ny lon ở Cù Lao Chàm, làng du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, tour vớt rác trên sông Hoài, du lịch xanh làng rau Trà Quế, du lịch Hội An - thượng nguồn Thu Bồn, Hòn Kẽm - Đá Dừng…
“Du lịch xanh Hội An sẽ làm đa dạng loại hình du lịch Quảng Nam cùng với du lịch văn hóa ở hai di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn” - thạc sĩ Phùng Tấn Đông nói.
Kế hoạch phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025 được UBND tỉnh ban hành tháng 8.2021 với mục tiêu đưa du lịch Quảng Nam phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.
Hội An là địa phương đầu tiên được tỉnh chọn xây dựng mô hình du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp khác học tập, nhân rộng.
“Có thể nói, đây là kế hoạch đầu tiên của cả nước và rất may mắn khi chọn Hội An làm thí điểm. Khi đặt vấn đề du lịch xanh thì vô cùng phù hợp với bối cảnh hiện nay, tức là hậu Covid-19. Du khách, người dân đều trông mong những sản phẩm du lịch bền vững, thân thiện, an toàn” - ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ.