Người Hội An làm nên đô thị cổ Hội An! Từ hàng chục năm nay, càng đọc và đi lại, giao tiếp, tôi càng nghiệm thấy điều ấy ngày một chính xác hơn. Năm nay tròn 20 năm thực hiện chương trình Đêm phố cổ và 10 năm Hội An lên thành phố, có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với tôi điều ấy!
Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Tổ chức du lịch USTOA, website CNNGo và trang du lịch trực tuyến TripAdvisor về các “điểm đến mới nổi”, “top 50 các điểm ẩm thực” hay “top 50 bãi biển đẹp nhất”… đều ẩn chứa các nhận định vai trò của con người Hội An. Bởi đặc điểm của di sản văn hóa thế giới này có một khác biệt đáng kể so với các di sản khác. Các nhà báo nước ngoài viết về Hội An mà tôi từng đọc suốt 20 năm qua đều ghi nhận: Di sản thế giới Hội An không chỉ là một di tích, mà còn là nơi sinh sống làm ăn của hơn 8 vạn dân sở tại. Elly Swedenmark, người quản lý “học kỳ Việt Nam” tại Hội An của đại học Oslo (Na Uy) nói rằng mỗi lần cô quay lại Hội An là như về lại nhà mình bởi những tình cảm thắm thiết, chân tình của con người ở đây. “Chúng tôi muốn sinh viên tiếp cận với nền văn hóa và con người địa phương, chứ không tới Việt Nam để hòa trộn trong những đoàn khách du lịch... Đó cũng là mục tiêu chính của mỗi khóa học!” - Elly nói.
Một gánh mỳ Quảng ở lề đường Phan Châu Trinh, nghe nói từng được mời đem mỳ ra Hà Nội để đãi khách của Chính phủ cũng là nơi tôi hay lui tới. Vào một buổi sáng hôm kỷ niệm 20 năm Đêm phố cổ, tôi ngồi cùng bàn với một chị trung niên dân bản địa và hai du khách người miền Bắc. Chúng tôi chăm chú nghe chị nói về sự ăn ở của người dân: “Chúng tôi hồi nào tới giờ đối xử với nhau thiệt tình, không đãi bôi, có chi đãi khách thứ ấy chớ không vay mượn hay làm giả…”. Chị còn nói, người Hội An cứ lặng lẽ làm việc mà họ thấy có ích cho họ và cộng đồng, nên ai chê thì có buồn để sau đó sửa đổi, nhưng ai khen mà không đúng hoặc “nói quá” thì họ “dị lắm”! Những câu nói đơn giản đó cứ theo tôi suốt đường về.
2. Đi một vòng Hội An, tôi nhớ lại nhạc sĩ lão thành Trương Đình Quang nói chuyện người Hội An trong quá khứ. Trong văn hóa nghệ thuật từ trước Hội An có nhiều nhạc sĩ tài ba và nổi tiếng như La Hối, Dương Minh Ninh, các nhà văn dòng họ Nguyễn Tường, Lưu Nghi, Hoàng Châu Ký, Huỳnh Lý… Còn trong thể thao, trước Cách mạng Tháng 8, ngoài hai đội bóng Faifo A (có tiền vệ hay nhất Đông Dương Trần Văn Tứ) và Faifo B (có giáo sư Hoàng Châu Ký, nhà văn Lưu Nghi), giới trẻ Hội An còn có 3 đội bóng học sinh và thợ thuyền. Đội Chim Én của trường Viên Minh có các cầu thủ mà sau này trở thành giáo sư Huỳnh Lý, nhà cách mạng Phan Thao; đội Gà con của trường Con trai có các thầy Hồ Quế, Trần Tri, nhà thơ Vương Tân và đội Sư tử con của giới thợ thuyền. Khi các đội A, B thi đấu, các đội nhỏ này thường đá mở màn. Tiền vệ Tứ bị chấn thương vùng bụng trong trận chung kết giải Sifa trước năm 1945, sau đó từ trần, đã được người dân và các quan Pháp tôn vinh, xây mộ dựng bia nay vẫn còn ở phường Tân An.
Bia miệng của người Hội An về tình yêu bóng đá chính là câu vè: “Anh Vàng a-ri-e (trung vệ), Anh Đạt bờ-lông-rê (giữ gôn), giáo Huê tém góc, Ô kho bạc đá móc, anh Mạn bao sân, Cai Cần đá bổng…”. Trong lĩnh vực thể thao người Hội An cùng thời ấy còn có cụ Hồ Cường, từng đoạt giải vô địch marathon ở Thái Lan.
Nhạc sĩ Trương Đình Quang nói, Hội An thời nào cũng có những người con làm rạng danh cho quê hương mình và họ luôn ở trong lòng, trong trí nhớ của nhân dân, bởi chính họ góp phần làm nên bản sắc Hội An, làm cho Hội An trở nên khác biệt…
Nhà nghiên cứu sử học Li Tana trong tác phẩm Xứ Đàng Trong từng viết đại ý rằng tác động qua lại của quá trình tiếp thu, dung hóa về văn hóa của người Đàng Trong, của Guang Nam Gou hay Quinam (tức Hội An) đã “cho ra đời một ý thức về bản sắc Việt Nam, cắm rễ sâu trong môi trường xã hội, văn hóa và thiên nhiên” (Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18) của vùng đất này, mang đậm tính hội nhập và sáng tạo! Trong khi trước đó, cách đây tròn 4 thế kỷ, Cristophoro Borri đã nhận xét rằng: “Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị mà họ (người Kẻ Chiêm, Faifo) rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau thành thật, rất trong sáng như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng chung sống trong một nhà…” (Xứ Đàng Trong năm 1621).
Du khách dạo phố cổ bằng xe xích lô. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
3. Người Hội An làm nên phố cổ Hội An, không chỉ là những cư dân ở phố cổ. Những người thuộc thế hệ tôi, từng là học sinh Trần Quý Cáp như những anh chị Phạm Phú Ngọc Trai, Nguyễn Thành Sang, Phan Phải, Huỳnh Sơn Phước, Võ Như Lanh, Vũ Đức Sao Biển hay các ca sĩ Ánh Tuyết, Ngọc Lễ… dù ở phương trời nào, hoạt động trong lĩnh vực nào họ cũng luôn hướng về Hội An với niềm tự hào và trách nhiệm. Người Hội An còn là những người không sinh ra nơi này nhưng đã gắn cả đời mình, sự nghiệp mình ở đây. Họ là các cha xứ châu Âu đã học tiếng từ những người dân để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Họ là những Thích Đại Sán, Trần Kinh Hòa, Kazik, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Xuân… đã góp sức làm cho Hội An trở nên sống động trên thế giới ngày nay.
Nhà văn Nguyễn Tuân khi viết bút ký Cửa Đại năm xưa có một câu nổi tiếng về những món ăn Hội An mà mỗi lần ghé về phố cổ tôi vẫn nhớ: “Nhớ được cái mùi của một nơi, người ta rất còn nên nhớ tới cái tiếng của một nơi nữa”. Cái tiếng ở Hội An, không chỉ là tiếng rao, tiếng leng keng của hàng rong trong đêm, mà còn là tiếng nói Quảng Nam, tiếng tăm của một vùng đất từng là “khu kinh tế mở” mấy thế kỷ trước. Và có được “cái tiếng” đó, không ai khác hơn là do chính người Hội An làm nên vậy.
4. Tôi không tham dự bữa tiệc nhân kỷ niệm 20 năm Đêm phố cổ mà đi bộ lang thang trên phố. Bây giờ trong phố cổ có quá nhiều cửa hàng mang tên Tây, nhiều người chủ kinh doanh (hay chủ nhà) là người Bắc. Người các nơi đến mua nhà ở đây và tìm thấy cơ hội kinh doanh khi khách du lịch tràn ngập đêm ngày trong các phố và cả vùng ngoại thị. Tôi cảm giác như cái nét “thuần hậu” của cư dân đang bắt đầu chao đảo khi tiếp xúc hoặc nghe họ lời qua tiếng lại với khách hàng.
Một cô bạn sinh ra và lớn lên ở phố cổ, từng làm trong ngành thông tin văn hóa có lần đã tâm sự về sự khắng khít tình cảm của người Hội An:
“Hội An đẹp đúng nghĩa và rất riêng thường bắt gặp ở những buổi tinh mơ. Không vội vàng, không ồn ào chỉ có người Hội An thật sự với nhau, lặng lẽ trầm tư cũng vốn dĩ giống nhau như Phố vậy. Tiếng rao đêm qua vẫn còn dư âm, sự chờ đợi vẫn là thói quen, bồn chồn lo lắng khi Phố vắng đi bóng người hoặc mất đi nụ cười của ai đó. Phố nhỏ lắm, nhỏ đến mức chuyện gì ở Phố vẫn biết… Biết ai còn, ai mất... Để còn tìm về nhau để hàn huyên tâm sự…”.
Và một tâm sự khác của người Hội An:
“10h đêm qua tôi vẫn còn lang thang ở phố, trên bến dưới thuyền vẫn còn xôn xao, tấp nập. Dừng chân ở góc nhỏ hàng ngày mà tôi thường hay lui tới, nhìn phố thấy xa xăm, nhìn đèn cũng chẳng còn thấy ảo. Nước sông Hoài vẫn không chịu phẳng lặng, ngọn đèn đường hắt bóng cũng chẳng còn thấy tròn trịa. Cảm giác ra phố về đêm cũng chẳng còn thú vị, những dàn đồng ca ở vùng miền Bắc Trung Nam gọi nhau ơi ới, đánh tan sự tĩnh lặng, trầm mặc…”. Bao giờ mới trở lại Phố xưa, chắc sẽ không còn, mà mình hãy đừng cố tìm. Một khi cảm giác đã mất đi thì mọi vật chung quanh ta cũng dường như vô nghĩa”.
Một người bạn khác kể với tôi: “Ngay cái cách treo lồng đèn cũng có thể phân biệt chủ nhà có phải là người bản địa hay không? Người Hội An giản dị, không bao giờ treo đủ loại lồng đèn, cả lồng đèn của Trung Quốc và đủ màu đủ kiểu trông rất nhức mắt!”.
…Vẫn biết, thời buổi kinh tế thị trường, và phố Hội vẫn luôn mở cửa, nhưng sao thấy thiêu thiếu một sự dung hòa trong hồn cốt di sản…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG