Nhiều giải pháp, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường do các doanh nghiệp Thụy Điển sẻ chia, giới thiệu tại hội thảo “Phát triển bền vững với công nghệ sạch Thụy Điển” (vừa tổ chức tại
Các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tìm hiểu giải pháp công nghệ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp Thụy Điển. Ảnh: THỤC ANH |
Sẻ chia kinh nghiệm
Ông Tomas Hertzman - Giám đốc Trung tâm Hợp tác công nghệ môi trường (CENTEC) Việt Nam - Thụy Điển chia sẻ: “Những vấn đề liên quan đến rác thải và ô nhiễm tại Thụy Điển được giải quyết nhờ hành lang pháp lý vững chắc và những chính sách khích lệ doanh nghiệp đầu tư cải thiện môi trường. Từ những kinh nghiệm của Thụy Điển và với mong muốn được sẻ chia kinh nghiệm về quản lý và bảo vệ môi trường với Việt Nam nên chúng tôi quyết định có mặt ở Hội An ngày hôm nay”. Cũng theo ông Tomas Hertzman, thông qua nhóm doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực xử lý nước cấp và nước thải, năng lượng tái tạo và sản xuất khí sinh học (biogas) mà CENTEC mời đến hội thảo để trình bày, giới thiệu các công nghệ có liên quan, chắc chắn sẽ giúp Việt Nam nói chung và TP.Hội An nói riêng có những ý tưởng, giải pháp mới trong công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Mười sáu báo cáo xoay quanh các chủ đề: tiết kiệm nước là tiết kiệm chi phí; năng lượng tái tạo cho sản xuất sạch hơn; cơ chế tài chính cho đối tác về công nghệ sạch… được trình bày bởi các doanh nghiệp tiêu biểu của Thụy Điển trong sản xuất kinh doanh công nghệ thân thiện với môi trường.
Những công nghệ sạch, thân thiện với môi trường được Trung tâm Hợp tác công nghệ môi trường Việt Nam - Thụy Điển và các doanh nghiệp Thụy Điển chọn Hội An để giới thiệu chứng minh rằng, những khát khao phát triển bền vững của thành phố di sản đã được thế giới và nhiều tổ chức ghi nhận. Với hơn 1.360 di tích kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn, là thành phố di sản văn hóa thế giới cộng với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, yêu cầu bảo vệ môi trường ở Hội An càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. “Quá trình phát triển của thành phố những năm qua cho thấy sự lựa chọn đúng khi xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch - nhân văn. Tuy nhiên, những tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh đã và đang đặt ra cho Hội An nhiều thách thức. Nhất là việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái đang tác động sâu rộng từng ngày từng giờ lên thành phố. Do đó, sự sẻ chia kinh nghiệm của các bạn Thụy Điển là cơ hội quý để Hội An xây dựng thành công “Thành phố sinh thái” đầu tiên của cả nước” - ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP. Hội An, nói.
Tiếp cận cơ hội
Ngay sau khi các đề tài được báo cáo, các doanh nghiệp Thụy Điển đã phải làm việc và giải đáp liên tục các thắc mắc của doanh nghiệp ở Hội An liên quan đến công nghệ, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Rất nhiều công nghệ tiên tiến được giới thiệu tại hội thảo bởi các doanh nghiệp như Konseb, WTM, MTR, Gaia, Ecoloo, Neozeo, Tellux, SusBiz, Winova... của Thụy Điển. Trong đó, 2 giải pháp công nghệ nhận được sự quan tâm nhiều nhất là biến túi ny lon thành rác thải có thể phân hủy của Công ty Gaia và các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái của Công ty Ecoloo. Đây là 2 giải pháp công nghệ có thể giải quyết được yếu tố nhu cầu và giá cả phù hợp. Chiếc túi ny lon do Gaia sản xuất được làm bằng tinh bột, trong điều kiện nhiệt độ 32oC và độ ẩm 70% có thể tự phân hủy trong vòng hai năm và sẽ phân hủy chỉ trong 6 tháng nếu xé vụn. Điều đáng nói là giá cả được đưa ra khoảng 4 - 4,5USD/kg, nếu các doanh nghiệp liên kết mua theo container và nhiều thì giá càng giảm. Bà Võ Thị Diệu Thu - chủ khách sạn Nhất Huy Hoàng (số 58 Bà Triệu Hội An) nói: “Tôi dự định sang năm sẽ xây dựng lại khách sạn nên thực sự quan tâm đến chiếc túi ny lon mà Gaia giới thiệu. Việc sử dụng túi còn là cơ hội để du khách nhìn thấy tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.
Giải pháp công nghệ về vệ sinh của Công ty Ecoloo cũng rất được quan tâm. Bởi, nhà vệ sinh được sử dụng phổ biến hiện nay ở Việt Nam là dùng nước để lọc chất thải, sau đó phân hủy và thấm ra đất, về lâu dài ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Với nhà vệ sinh của Ecoloo, không cần dùng nước mà sử dụng hóa chất để tiêu hủy, sau đó có thể sử dụng làm phân bón và giá được đưa ra là 1.000USD/nhà vệ sinh. Ông Lê Duy Nhân - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học trường Cao đẳng Điện lực miền Trung nói: “Tôi đang tham khảo ý kiến của Công ty Ecoloo liệu giải pháp này có thể sử dụng đối với nhà vệ sinh trong ký túc xá của trường hay không”. Nhà vệ sinh này cũng thực sự là giải pháp tốt nhất đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, đặc biệt là gần bãi biển. Bà Zuraina Dato’ Seri Zaharin - Trưởng phòng Marketing Công ty Ecoloo cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp ở Hội An ứng dụng thử nghiệm để đánh giá tính thiết thực và hiệu quả của nó. Ecoloo rất mong muốn được chuyển giao công nghệ cho các bạn”. Được biết, khá nhiều doanh nghiệp ở Hội An đã quyết định viết thư ngỏ đến Công ty Ecoloo để được thử nghiệm giải pháp công nghệ này.
CHIÊU THỤC ANH