Diễn ra từ ngày 7 đến 10.9, Hội chợ du lịch quốc tế TP.Hồ Chí Minh 2016 (ITE HCMC 2016) đã trở thành một “thương hiệu” của ngành du lịch Việt Nam nhằm kết nối người mua, kẻ bán trong và ngoài nước.
Cơ hội quảng bá
Hội chợ năm nay mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng với gần 290 gian hàng thuộc các đơn vị, doanh nghiệp như hãng hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng; các công ty lữ hành và đại diện du lịch từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ là Campuchia, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Hà Lan, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất cùng nhiều doanh nghiệp du lịch của 31 tỉnh, thành cả nước tham dự. Trong 3 ngày diễn ra hội chợ, khoảng 200 người mua quốc tế (gồm các hãng lữ hành outbound nước ngoài từ hơn 30 thị trường quốc tế trọng điểm) và 100 người mua nội vùng (các hãng lữ hành outbound của 5 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan) cùng hàng chục nghìn lượt khách đã đến tham quan, tìm hiểu thông tin điểm đến. Nét nổi bật của hội chợ năm nay là người mua đến từ khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng chiếm số lượng khá đông. Ngoài mục đích tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển du lịch, không ít người mua đến hội chợ chủ yếu mong tìm thấy những chương trình du lịch trong nước và nước ngoài với mức giá khuyến mãi chỉ áp dụng riêng trong hội chợ ITE.
Nhiều du khách quan tâm tìm hiểu tại gian hàng Quảng Nam.Ảnh: V.LỘC |
Với quy mô và sự lan tỏa nên từ năm 2009, Hội chợ du lịch quốc tế TP.Hồ Chí Minh đã được Bộ VH-TT&DL chọn là sự kiện du lịch quốc gia quan trọng. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp du lịch quảng bá, xúc tiến, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của mình đến đối tác, du khách trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư. Thực tế, kể từ năm 2005 đến nay qua 12 lần tổ chức, Hội chợ du lịch quốc tế TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Năm quốc gia - Một điểm đến” đã trở thành một thương hiệu nổi bật chung của các nước tiểu vùng sông Mê Kông là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Riêng trong năm nay, chỉ qua 3 ngày diễn ra hội chợ đã chứng kiến không khí sôi nổi, nhộn nhịp giữa các đơn vị du lịch và người mua, nhất là tại các gian hàng có nhiều ưu đãi tour và có chương trình giao lưu giữa người bán và người mua…, trở thành nơi mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận và hợp tác về thị trường du lịch inbound và outbound tại Việt Nam, khu vực Mê Kông và các quốc gia trên thế giới. “Theo thống kê, số lượng người mua và người bán tại ITE HCMC năm nay tăng hơn 15% nên khách thương mại, khách tham quan đã có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu của mình trong việc tìm ra những điểm đến độc đáo, những hoạt động du lịch thú vị cũng như các gói du lịch hấp dẫn” - một thành viên ban tổ chức cho biết. Đặc biệt, với các địa phương trong nước, ITE luôn có sức hút hấp dẫn trong quảng bá điểm đến, bằng chứng là sự không ngừng gia tăng số lượng địa phương tham gia qua từng năm, từ con số 10 tỉnh thành năm đầu tiên (2005) đến nay đã tăng lên hơn 30 địa phương. Riêng với Quảng Nam, đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp tham dự hội chợ này và sẽ tiếp tục duy trì trong nhiều năm tới.
Gặp gỡ kẻ bán người mua
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, có 2 điều mà ngành du lịch Quảng Nam cần tham dự ITE, thứ nhất đây là hội chợ có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của nhiều đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước, và Quảng Nam tham gia với tư cách là người bán hàng (seller). Thứ hai, Quảng Nam là một trong những điểm du lịch mạnh của Việt Nam nên việc xuất hiện tại hội chợ là cần thiết để các doanh nghiệp ký kết, tìm hiểu cơ hội, phối hợp làm ăn với đối tác. “Dù hiệu quả phải là một quá trình dài nhưng việc tham gia là rất cần thiết cho địa phương và doanh nghiệp du lịch Quảng Nam trong việc quảng bá, xúc tiến, giúp mở ra nhiều cơ hội đầu tư hợp tác sau này” - ông Hài khẳng định. |
Dự hội chợ năm nay, đoàn Quảng Nam phối hợp cùng 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng trưng bày gian hàng chung với sự tham gia của 10 doanh nghiệp du lịch cùng nhiều ấn phẩm, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Riêng đoàn Quảng Nam mang đến hội chợ 2 sản phẩm là lồng đèn Hội An, gốm Thanh Hà và hơn 10 ấn phẩm giới thiệu các điểm đến du lịch của tỉnh như Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, hồ Phú Ninh… Đặc biệt, giới thiệu các chương trình, hoạt động nổi trội của Festival di sản Quảng nam lần thứ 7 - năm 2017 sẽ diễn ra vào tháng 6 năm sau. Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, ITE HCMC là hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam hiện nay với rất nhiều đối tác doanh nghiệp và du khách quan tâm nên hiệu quả quảng bá điểm đến khá cao, qua đó mở rộng thị trường, thu hút du khách đến miền Trung nói chung cũng như Quảng Nam. “Với các cơ quan quản lý du lịch địa phương thì hội chợ là cơ hội tốt nhất để quảng bá điểm đến; còn với doanh nghiệp là nơi kết nối đối tác từ những thị trường nguồn” - ông Tú cho biết.
Thực tế, qua 3 ngày diễn ra hội chợ, tại gian hàng của 3 địa phương là Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế luôn có khá đông người đến tìm hiểu thông tin về điểm đến miền Trung và Quảng Nam. Với họ, những bãi biển Đà Nẵng hay phố cổ Hội An luôn gợi lên sự tò mò hấp dẫn. Bà Hồ Thị Duyên (sống tại TP.Hồ Chí Minh) cùng chồng đã dừng rất lâu tại gian hàng Quảng Nam chỉ để đọc những dòng thông tin giới thiệu trên các tập gấp ấn phẩm du lịch và hỏi rất kỹ về Hội An. “Tôi nghe nói Hội An rất đẹp và cổ kính nhưng chưa có dịp đến được, hy vọng sau hội chợ này vợ chồng tôi phải du lịch ra đó một chuyến cho biết” - bà Duyên chia sẻ. Đặc biệt, với hình thức bấm like (thích) vào trang Fanpage Quang Nam Tourism Promotion and Information Centre, trong 3 ngày diễn ra hội chợ đã có hơn 500 lượt người truy cập và bấm like cho các điểm đến của Quảng Nam.
Ngoài Hội An, một số quầy thông tin của 5 doanh nghiệp du lịch Quảng Nam tham gia hội chợ lần này là khách sạn Hội An, khu du lịch Làng lụa, khách sạn Hội An Little, Palm Garden, sân gôn Montgomerie Links cũng được nhiều đối tác, người dân và du khách quan tâm tìm hiểu. Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Hội An Travel cho rằng, hội chợ chính là nơi “hẹn hò” lý tưởng nhất của các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác trên khắp thế giới. Tại hội chợ lần này Hội An Travel cũng đã có những buổi làm việc và kết nối được nhiều đối tác quan trọng, qua đó thúc đẩy các mối quan hệ làm ăn thời gian tới. “Cái được nhất khi tham dự Hội chợ du lịch quốc tế chính là sự kết nối giữa hai bên bán và mua lại với nhau. Đó là mối quan hệ của người đi bán hàng và bên mua hàng” - ông Tuấn nhìn nhận.
VĨNH LỘC