Đoàn công tác của Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế vừa có chuyến điền dã tại các làng tái định cư (TĐC) thủy điện Quảng Nam. Là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa miền núi và được mời tham gia đoàn, ông Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh) đã có cuộc trao đổi với chúng tôi xoay quanh vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các làng TĐC thủy điện hiện nay.
Tái định cư thủy điện nếu làm không đúng cách sẽ đánh mất bản sắc văn hóa của các làng bản bị di dời. Ảnh: GIANG ĐOAN |
- Thưa ông, qua chuyến đi thực tế các làng TĐC thủy điện Quảng Nam, đoàn khảo sát đã thu được kết quả như thế nào?
- Ông Nguyễn Tri Hùng: Xin nói ngay, mối quan tâm hàng đầu với đoàn đó là vấn đề văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số khi về các làng TĐC thủy điện. Một thực trạng đáng lo ngại không kém gì câu chuyện thiếu đất sản xuất, sinh kế đang bấp bênh, đó là một bộ phận người dân bỏ thôn, làng TĐC ở các thủy điện để du cư và sẽ du canh ở rừng. Mà rừng ở đây là rừng phòng hộ. Họ không còn sự lựa chọn nào khác. Làng cũ đã chìm trong lòng hồ. Còn chúng ta, khi làm nhà TĐC đã vô tình đẩy đồng bào vào chỗ đánh mất nguồn gốc của mình bởi hai điều căn cốt: phá vỡ không gian sinh tồn của người dân (không gian này chủ yếu là rừng, là nhà, là các hoạt động xã hội của người dân); phá vỡ đời sống gia đình của người dân. Gia đình truyền thống của đồng bào không giống như những gì chúng ta thấy, ta biết, mà nếp văn hóa này đi vào căn cốt trong đời sống gia đình với mỗi tộc người, ví dụ như chỗ đặt bếp trong nhà, nơi an nghỉ của người đã khuất, nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, hướng nhà…, thậm chí đến thói quen đi vệ sinh.
Điều đáng nói, tất cả sự thay đổi với người dân là quá đột ngột làm họ “choáng” ngay, chứ không thể đòi hỏi sự thích nghi.
- Từ vấn đề di dời theo kiểu bắt buộc như TĐC thủy điện, có thể liên hệ đến chuyện di cư tự do của đồng bào các dân tộc thiểu số?
Ông Nguyễn Tri Hùng. Ảnh: V.TRƯỜNG |
- Ông Nguyễn Tri Hùng: Di cư tự do như chúng ta biết đó là thực trạng có thật, đang được giám sát, ngăn chặn bởi tính mặt trái của nó, đó chính là vấn đề quản lý nhà nước, ý chí nhà nước không được thực thi. Di cư tự do còn có mặt trái là ảnh hưởng xấu đến môi trường rừng, tác động đến rừng cùng những vấn đề liên quan khác. Song xét ở một khía cạnh nào đấy, di cư tự do có những mặt tích cực của nó. Cụ thể, người dân tìm đến nơi thuận lợi, phù hợp với mình để sinh sống nên sinh kế đảm bảo. Không gian làng mới, nhà mới do đồng bào tự làm theo ý họ nên vấn đề không gian văn hóa làng mới sẽ dần “tái lập”, sẽ được mang theo từ làng cũ sang làng mới. Và cái được nữa là không tồn tại ý chí cán bộ làm thay dân…
- Vậy hướng giải quyết cụ thể ở đây là nhà ở cho đồng bào TĐC thủy điện cần có sự kết hợp giữa ý chí nhà nước và người dân?
- Ông Nguyễn Tri Hùng: Đúng vậy, nhưng chính quyền chỉ làm những việc cần làm và hãy tạo điều kiện phù hợp nhất để đồng bào làm những việc họ muốn làm. Thực tế năm 1977 khi làm kinh tế mới ta có chủ trương làm nhà TĐC như làng người Kinh ở Phước Năng (huyện Phước Sơn) để đưa dân vùng cao đến ở tập trung. Sau thời gian ngắn, việc làm này thất bại, dân lại chạy về làng cũ, trên núi cao. Rõ ràng chúng ta chưa dự lường những vấn đề tiêu cực phát sinh, đó là đất sản xuất cho dân bị thiếu, rừng thu hẹp, dân không có ngành nghề sản xuất. Họ đang làm rừng nay bảo đi nuôi cá nước ngọt là không thể làm được… Cách nào để họ mưu sinh vẫn chưa có câu trả lời.
Nói như triết học Mác, lao động cùng vấn đề khác trong hoạt động của con người sẽ sinh ra văn hóa, nếu mất đi điều này sẽ kéo theo mất đi điều kia. Điểm yếu của chúng ta, một mặt là đánh mất không gian văn hóa, sinh tồn vốn có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số, mặt khác không tạo điều kiện cho người dân để họ “hồi cố” vốn văn hóa bản địa, vì làng TĐC không có điều kiện. Cạnh đó, cuộc sống mưu sinh hiện tại thúc ép họ chủ yếu lo miếng ăn, chưa nói một số vùng dân phải lo chạy động đất, lo vỡ đập thủy điện…
- Vấn đề đặt ra trong cảnh báo mất văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng TĐC thủy điện đã rõ. Vậy, theo ông đâu là giải pháp để tránh xảy ra thực trạng trên?
“Trong suốt hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở vùng rừng núi phía tây của tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho việc nuôi dưỡng, phát triển lực lượng vũ trang, bảo vệ an toàn căn cứ. Nhiều nơi đồng bào đói chỉ ăn sắn, ăn rau còn lúa gạo làm ra đều để dành cho kháng chiến, như một đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày đất nước thống nhất, bằng chính cuộc đời gắn bó của mình đã nói: “Nơi ấy, đồng bào trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình”. Bởi vậy, chăm lo đời sống đồng bào trong đó có việc gìn giữ vốn văn hóa bản địa các dân tộc thiểu số của tỉnh vừa là trách nhiệm vừa là công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”. (Ông Nguyễn Tri Hùng) |
- Ông Nguyễn Tri Hùng: Để bảo tồn không gian văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu vực chịu ảnh hưởng của dự án thủy điện, cũng như việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cho người dân tại những nơi ở mới, trước hết cần có sự trao đổi, lấy ý kiến người dân khi xây dựng các khu TĐC. Trong đó chú trọng đến ý kiến của họ về việc xây dựng các kiểu nhà như thế nào cho hợp lý và phù hợp với truyền thống. Vấn đề thứ hai, cần phải phân tích hết những tác động tiêu cực tiềm tàng của quá trình TĐC. Trước hết là trong quá trình người dân phải làm quen với quê hương mới, ổn định đời sống và tổ chức xây dựng, phát triển sản xuất. Bởi, sự lo lắng của người dân chủ yếu ở việc phải xa “rừng thiêng” của cha ông bao đời trước đó, xáo trộn mối quan hệ dòng tộc, bị phân ly và chung sống với những cộng đồng người mới. Thứ ba, cần đánh giá một cách tổng thể những tổn thất tâm linh và các tác động làm thay đổi về phong tục, tập quán, truyền thống, trạng thái văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc trong vùng TĐC. Bởi những thay đổi về cơ cấu dân cư, cộng đồng, cũng như mức tăng cơ học vừa đột ngột và quá lớn của dân số trong vùng. Cùng những va chạm, xung đột giữa các cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt tới tinh thần và tâm lý của dân cư; nhất là đối với các hộ dân mới chuyển đến.
- Làng, nhà cụ thể với mỗi dân tộc thiểu số thì sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tri Hùng: Muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên lĩnh vực này, chúng ta cần có một cách nhìn biện chứng, khoa học và năng động. Theo tôi, trong việc xây dựng các làng định cư ở miền núi Quảng Nam, chúng ta phải chú ý đến quy mô làng, nguồn gốc tộc người, điều kiện sản xuất. Đặc biệt, cấp có thẩm quyền, quản lý cần biết, cần hiểu cái người dân cần cho mình và cho cái chung của cộng đồng. Vì vậy cần có những nghiên cứu cụ thể, không thể tùy tiện. Chẳng hạn, chúng ta có thể “đặt hàng” nhà khoa học, nhà văn hóa những đề án khoa học về làng TĐC thủy điện…
- Xin cảm ơn ông!
VÕ VĂN TRƯỜNG (thực hiện)