(QNO) - Hỏi: Bố tôi là giáo viên, năm nay 52 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 28 năm. Vì lý do sức khỏe, muốn nghỉ hưu sớm. Vậy, thủ tục để xin nghỉ hưu trước tuổi và chế độ được hưởng sau khi nghỉ của bố tôi như thế nào?
BHXH tỉnh trả lời vấn đề này như sau:
Tại Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên khi suy giảm khả năng lao động được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Từ ngày 1.1.2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành.
Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu hằng tháng như sau: từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1.1.2016) cho đến trước ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH này tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Trường hợp bố của bạn năm nay 52 tuổi (năm 2017) và có 28 năm đóng BHXH, tuy nhiên bạn không nêu rõ bố của bạn sinh vào tháng nào để xác định thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo quy định về thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. Đối với trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh) là ngày 1.1 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Nếu bố của bạn bị suy khả năng lao động từ 61% trở lên và tuổi đời đủ điều kiện theo quy định trên thì mức hưởng lương hưu như sau:
- Tỷ lệ hưởng tương ứng với thời gian đóng BHXH: 15 năm đầu = 45%; các năm tiếp theo: (28 - 15) x 2% = 26%; tổng cộng: 45% + 26% = 71%.
- Nghỉ hưu trước tuổi quy định 8 năm (nam đủ 60 tuổi) nên mức giảm tỷ lệ hưởng là: 8 năm x 2% = 16%.
- Mức lương hưu hằng tháng là: 71% - 16% = 55%.
Nếu bố của bạn đã nghỉ việc và đủ điều kiện để hưởng lương hưu như nêu trên, bố của bạn liên hệ trực tiếp tại BHXH huyện nơi cư trú để nộp hồ sơ hưởng lương hưu. Hồ sơ gồm: sổ BHXH, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động (suy giảm từ 61% trở lên), đơn đề nghị hưởng lương hưu.
Hỏi: Đến khi nghỉ việc vào tháng 5.2016, vợ tôi đóng BHXH được 9 tháng. Dự kiến tháng 4.2017, vợ tôi sẽ sinh con. Vợ tôi có được hưởng chế độ thai sản không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Điều 31 Luật BHXH quy định lao động nữ đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Nếu tháng 4.2017 vợ bạn sinh thì tính ngược lại tháng 4.2016, trong vòng thời gian đó vợ bạn đóng BHXH đủ 6 tháng thì được hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, tháng 5.2016 vợ bạn đã nghỉ việc và từ đó không tham gia BHXH ở đâu nữa, như vậy vợ bạn mới tham gia BHXH được 2 tháng (tháng 4 và 5.2016). Do đó, vợ bạn không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Hỏi: Tôi là giáo viên công tác 10 năm, tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2012, hiện tại tôi có quyết định chuyển công tác về Sở GD-ĐT làm chuyên viên văn phòng. Như vậy tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, cụ thể: người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013 đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013.
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm năm 2013.
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
e) Chết.
Như vậy, nếu bạn có nghỉ việc và đi đăng ký bảo hiềm thất nghiệp đúng luật thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Còn nếu bạn chỉ chuyển tiếp công tác mà không có nghỉ việc thì sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hỏi: Trong sổ BHXH, giấy khai sinh bản gốc tên là Nguyễn Quí A, nhưng CMND, bằng lái xe, các bằng cấp, giấy tờ tùy thân khác đều là Nguyễn Quý A, sai chữ i. Xin hỏi, sai chữ i có ảnh hưởng gì không? Muốn chuyển từ "Quí" thành "Quý" có được không? Thủ tục thay đổi như thế nào?
BHXH tỉnh trả lời vấn đề này như sau:
Sai tên đệm giữa sổ BHXH với CMND ảnh hưởng tới quá trình giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Vì khi người lao động được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đều phải xuất trình CMND hoặc căn cước công dân.
Nếu ông muốn đổi sổ BHXH mang tên “Nguyễn Quí A” thành sổ BHXH mang tên “Nguyễn Quý A” thì: căn cứ vào Điểm 3 Điều 29 QĐ số 959/BHXH ngày 9.9.2015 của BHXH Việt Nam có quy định thành phần hồ sơ gồm:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS).
b) Sổ BHXH.
c) Bảng kê giấy tờ hồ sơ làm căn cứ điều chỉnh (mục I phụ lục 3).
Mục I phụ lục 3 có quy định cấp lại do thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch thì hồ sơ gồm 1 trong các loại giấy tờ sau:
Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cải chính hộ tịch hoặc giấy khai sinh bản chính có nội dung ghi cải chính ở mặt sau theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27.12.2005 của Chính phủ.
Sau khi ông hoàn thiện các thủ tục trên thì nộp hồ sơ theo quy định tại điều 33 Quyết định số 595/BHXH nêu trên như sau:
- Trường hợp ông đang làm việc thì nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc nộp thông qua đơn vị nơi đang làm việc.
- Trường hợp ông đang bảo lưu thời gian đóng BHXH thì nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
Hỏi: Con của tôi sinh ngày 3.1.2011, nay đã hết hạn sử dụng thẻ BHYT nhưng chưa vào học lớp 1, mà lại không được mua tiếp BHYT ở trường. Khi đi khám bệnh tại bệnh viện đa khoa huyện thì được trả lời không được hưởng BHYT cho trẻ trên 6 tuổi chưa đến tuổi đi học lớp 1. Vậy, con tôi có được hưởng BHYT không?
BHXH tỉnh trả lời vấn đề này như sau:
Trường hợp trẻ sinh ngày 3.1.2011 thẻ BHYT sẽ có thời hạn sử dụng từ ngày 3.1.2011 đến hết ngày 3.1.2017 và cháu sẽ nhập học lớp 1 vào tháng 9.2017.
Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 16 Luật BHYT quy định “Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT đến ngày 30 tháng 9 của năm đó...”.
Như vậy, thẻ BHYT của cháu sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.9.2017. Việc bệnh viện đa khoa huyện không cho cháu hưởng quyền lợi là không đúng quy định hiện hành.
Để bảo đảm quyền lợi của cháu, đề nghị gia đình mang thẻ BHYT và Giấy khai sinh, các hóa đơn, chứng từ liên quan khám bệnh, chữa bệnh của cháu đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn đổi thẻ BHYT và hưởng quyền lợi theo đúng quy định của Luật BHYT.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM