(QNO) - Hỏi: Cuối năm 2020, tôi đủ 60 tuổi, đã đóng BHXH 17 năm liên tục, vậy khi nghỉ hưu có được đóng bù 3 năm BHXH để được hưởng lương hưu hằng tháng không?
Trả lời: Căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, trường hợp người lao động đã điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Do vậy, trường hợp của bạn đến cuối năm 2020 đủ 60 tuổi được nghỉ việc và có 17 năm tham gia đóng BHXH thì có thể tham gia BHXH tự nguyện và được đóng 1 lần cho thời gian 3 năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Hỏi: Em tôi tham gia BHXH từ đầu năm 2019, dự kiến sinh con vào đầu tháng 4.2020. Do sức khỏe yếu nên em tôi định hết tháng 3.2020 sẽ nghỉ việc. Vậy em tôi có được hưởng chế độ thai sản không?
Trả lời: Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp động lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp em của bạn, nếu làm việc và đóng BHXH từ đầu năm 2019 đến tháng 3.2020 và sinh con vào tháng 4.2020 thì đã có 15 tháng đóng BHXH. Như vậy, em của bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.