Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM 04/12/2018 01:40

Tin liên quan

  • HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

(QNO) - Chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ:

Một bạn đọc hỏi: Tôi nghe nói lao động nữ ở khu vực dân sự khi nhờ mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản. Vậy chế độ này có được áp dụng đối với người lao động (NLĐ) thuộc lực lượng vũ trang không? Nếu được thì chế độ cụ thể thế nào?

Trả lời: Điều 6 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân cũng có quy định về chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.

Theo đó, nữ quân nhân, nữ CAND, nữ làm công tác cơ yếu nhờ mang thai hộ (sau đây gọi chung là người mẹ nhờ mang thai hộ) đã đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH, được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH.

Trường hợp cả lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, có đủ điều kiện theo quy định, được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con;

b) Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 1 tháng.

Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định;

c) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Trường hợp người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại Điểm c Khoản này đang tham gia BHXH bắt buộc mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Trường hợp sau khi sinh, nếu con chưa đủ 6 tháng tuổi mà bị chết thì người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật BHXH. 

Chế độ trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu:

Một bạn đọc hỏi: Sau 33 năm công tác (được tính đóng BHXH), tôi được nghỉ hưu (hưởng chế độ hưu trí từ cuối năm 2015). Vừa qua, con tôi có bảo lãnh để tôi ra nước ngoài định cư. Vậy tôi có thể được giải quyết chế độ BHXH một lần không? Nếu được thì chế độ của tôi được tính như thế nào? Thủ tục hồ sơ để hưởng chế độ gồm những loại giấy tờ gì?

Trả lời: Điều 65 Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định về thực hiện chế độ BHXH đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng ra nước ngoài để định cư như sau:

(1). Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.

(2). Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng BHXH trong đó mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được tính bằng 2 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

(3). Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng bằng 3 tháng trợ cấp đang hưởng.

Theo Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sốđiều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp người đang hưởng lương hưu mà thời gian công tác được tính quy đổi để tính tỷ lệ hưởng lương hưu thì trợ cấp một lần được tính theo thời gian công tác thực tế.

Đối chiếu với quy định trên, trường hợp của ông sẽ được tính hưởng BHXH một lần đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư. Cụ thể, ông được tính mỗi năm 2 tháng lương hưu đang hưởng cho 2 năm đóng BHXH từ năm 2014 đến năm 2015 và mỗi năm bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng cho 31 năm trước năm 2014 còn lại. Sau đó tính trừ mỗi tháng đã hưởng lương hưu với mức trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương hưu.

Để hưởng BHXH một lần theo nguyện vọng, ông cần làm các thủ tục hồ sơ sau:

(1). Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần của người đang hưởng lương hưu.

(2). Bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 5 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.     

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO