Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM 15/11/2018 08:46

Tin liên quan

  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

(QNO) - Một số câu hỏi - đáp về chính sách BHXH, BHYT.

Nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế

Một bạn hỏi: Tôi sinh năm 1967, hiện công tác tại một đơn vị sự nghiệp công lập tại Quảng Nam, đã có 28 năm tham gia BHXH bắt buộc. Vì lý do sức khỏe, tôi được cơ quan tạo kiện đưa vào danh sách đề nghị nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế. Vậy tôi có được giải quyết theo chính sách nghỉ hưu trước tuổi không? Tôi sẽ được hưởng những chế độ gì?

Trả lời: Điều 2 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế quy định về đối tượng áp dụng: (1). Cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp xã; (2). Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; (3). Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17.11.2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật...

- Điểm g, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định về trường hợp tinh giản biên chế: Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật BHXH, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành. Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định chính sách về hưu trước tuổi:

(1). Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 nghị định này nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, còn được hưởng các chế độ sau:

a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

b) Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Điểm b Khoản 1 Điều 50 Luật BHXH;

c) Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

(2). Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 điều này và được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật BHXH.

Như vậy, nếu bạn có thời gian nghỉ ốm đau trong 2 năm, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định nêu trên thì bạn đủ điều kiện để đề nghị nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản quy định tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (trường hợp đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên); được hưởng chế độ theo quy định trên.

Chế độ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động đối với người lao động

Một số bạn đọc hỏi: Có phải Nhà nước có quy định về việc người sử dụng lao động phải thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế đối với người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động. Xin hỏi, vấn đề này được quy định cụ thể ra sao?

Trả lời: Điều 3 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2.2.2015 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) đã quy định cụ thể về việc bồi thường TNLĐ, BNN như sau:

1. Đối tượng được bồi thường: a) NLĐ bị TNLĐ làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 của thông tư này;

b) NLĐ bị BNN theo kết luận của hội đồng giám định y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền, thì được bồi thường trong các trường hợp sau:

- Bị chết do BNN khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu;

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do BNN theo kết quả thực hiện khám giám định BNN định kỳ (theo quy định của Bộ Y tế).

2. Nguyên tắc bồi thường:

a) Việc bồi thường đối với NLĐ bị TNLĐ được thực hiện từng lần. TNLĐ xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó;

b) Việc bồi thường đối với NLĐ bị BNN được thực hiện từng lần theo quy định sau:

- Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu;

- Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

3. Mức bồi thường:

Mức bồi thường đối với người bị TNLĐ, BNN quy định tại Điểm a, b Khoản 1 điều này được tính như sau:

a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do TNLĐ, BNN;

b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo thông tư này:

Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}.

Trong đó:

- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

- 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

- a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị TNLĐ, BNN;

- 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO