|
(QNO) - Một số câu hỏi - đáp về chính sách BHXH, BHYT.
Chế độ thai sản của nữ quân nhân
Bạn đọc hỏi: Tôi được biết, những lao động nữ ở khu vực dân sự khi nhờ mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản. Vậy chế độ này có được áp dụng đối với người lao động đang công tác trong lực lượng vũ trang không?
Trả lời: Điều 6 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã quy định về chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.
Theo đó, chế độ thai sản của người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 nghị định này nhờ mang thai hộ theo Khoản 2 Điều 35 Luật BHXH, được quy định như sau:
1. Nữ quân nhân, nữ công an nhân dân, nữ làm công tác cơ yếu nhờ mang thai hộ (sau đây gọi chung là người mẹ nhờ mang thai hộ) đã đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH, được hưởng các chế độ sau:
a) Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH.
Trường hợp cả lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, có đủ điều kiện theo quy định, được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con;
b) Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 1 tháng.
Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định;
c) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b khoản này;
d) Trường hợp người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại Điểm c khoản này đang tham gia BHXH bắt buộc mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b khoản này;
đ) Trường hợp sau khi sinh, nếu con chưa đủ 6 tháng tuổi mà bị chết thì người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật BHXH.
Tính hưởng chế độ hưu trí của người tham gia BHXH tự nguyện
Hỏi: Người tham gia BHXH tự nguyện mà trước đây đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc thì thời gian tính hưởng chế độ hưu trí được xác định thế nào? Khi nào thì được nghỉ hưu? Những trường hợp đã có hơn 20 năm đóng BHXH bắt buộc có được nghỉ hưu sớm không?
Trả lời: Theo Điều 4 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18.2.2016 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện:
1. Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng BHXH một lần.
2. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
3. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định của pháp luật về BHXH bắt buộc.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM