|
(QNO) - Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Một số bạn đọc hỏi: Hiện nay, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) được quy định thế nào? Đơn vị sử dụng lao động có thể đóng “một cục” trong nhiều tháng? Từ đầu năm 2018, người lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng phải đóng BHXH bắt buộc thì có phải đóng cả bảo hiểm TNLĐ-BNN không?
Trả lời: Điều 3 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14.4.2017 của Chính phủ quy định mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ BH TNLĐ-BNN như sau:
1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật An toàn vệ sinh lao động với mức:
a) 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
b) 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.
2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại điểm a Khoản 1 điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
3. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN tại Khoản 1 điều này từ ngày 1.1.2020.
Khoản 3 Điều 4 nghị định này cũng quy định: Đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, việc đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 3 của nghị định này được áp dụng từ ngày 1.1.2018.
Chế độ thôi việc đối với người lao động diện tinh giản biên chế
Một số bạn đọc hỏi: Những người lao động thuộc diện tinh giản biên chế nhưng chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi, nếu được giải quyết theo chế độ thôi việc thì được hưởng những chính sách gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 về chính sách tinh giản biên chế (áp dụng đến hết ngày 31.12.2021), chính sách thôi việc đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế được quy định cụ thể như sau:
1. Chính sách thôi việc ngay
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 nghị định này có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 nghị định này hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 nghị định này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:
a) Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;
b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
2. Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 nghị định này có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:
a) Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng BHXH, BHYT trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng;
b) Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;
c) Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;
d) Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH;
đ) Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.
3. Các đối tượng thôi việc quy định tại Khoản 1, 2 điều này được bảo lưu thời gian đóng BHXH và cấp sổ BHXH hoặc nhận trợ cấp BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH; không được hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27.4.2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12.4.2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM