|
(QNO) - Tham gia BHXH tự nguyện: Tỷ lệ hưởng lương hưu tính thế nào?
Một số bạn đọc hỏi: Tòa soạn có thể cho biết quy định cụ thể về việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay có gì khác so với trước đây?
Trả lời: Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
a) Người nghỉ hưu từ ngày 1.1.2016 đến trước ngày 1.1.2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
b) Nữ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
c) Nam nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:
Năm nghỉ hưu 2018: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 16 năm;
Năm nghỉ hưu 2019: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 17 năm;
Năm nghỉ hưu 2020: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 18 năm;
Năm nghỉ hưu 2021: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 19 năm;
Năm nghỉ hưu từ 2022 trở đi: Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 20 năm.
Theo Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18.2.2016 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ từ 1 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng tính là 1 năm.
Ví dụ: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 10.2016, thời gian đóng BHXH là 28 năm 3 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A:
+ Thời gian đóng BHXH của ông A là 28 năm 3 tháng, số tháng lẻ 3 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của ông A là 28,5 năm.
+ 15 năm đầu tính bằng 45%;
+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A là: 45% + 27% = 72%.
- Mức lương hưu hằng tháng của ông A là:
72% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.600.000 đồng/tháng.
Được nghỉ tối đa 14 ngày khi vợ sinh con
Một bạn đọc hỏi: Tôi có tham gia BHXH. Thời gian tới, vợ tôi sinh con. Vậy khi vợ tôi sinh, tôi sẽ được nghỉ trong bao lâu. Trong những ngày nghỉ này, tôi có được hưởng chế độ gì không?
Trả lời: Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH quy định: Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: a) 5 ngày làm việc; b) 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Mức hưởng một ngày đối với trườnghợp quyđịnh tại khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Điều 38 Luật BHXH về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM