(QNO) - Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hỏi: Hiện nay, những lao động ở loại đơn vị sử dụng lao động nào thuộc diện phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN)?
Trả lời: Theo Điều 21 Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm TNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của BHXH Việt Nam, đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể là:
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc, bao gồm:
1.1. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
1.2. Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1.1.2018). Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình;
1.3. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
1.4. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.
2. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động).
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu
Hỏi: Người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm nếu đóng BHXH tự nguyện một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu thì được hưởng lương hưu từ thời điểm nào?
Trả lời: Điểm e, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định: người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18.2.2016 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện hướng dẫn: Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 thông tư này để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày 1 tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM