Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM 14/06/2017 15:14

  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(QNO) - Hỏi: Tôi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được 3 năm. Năm 2015, tôi mắc bệnh suy thận mãn tính, đã được cơ quan BHXH thanh toán chế độ ốm đau dài ngày. Xin hỏi, năm 2016, tôi đã nghỉ hết 180 ngày chế độ ốm đau thì theo Luật BHXH mới, chế độ này của tôi được giải quyết thế nào? Do sơ suất, đơn vị tôi đề nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động hưởng từ tháng 2.2015 nhưng tháng 11.2016 đơn vị mới nộp hồ sơ thanh toán chế độ cho cơ quan BHXH. Vậy trường hợp này, đơn vị tôi có phải làm văn bản giải trình gửi cơ quan BHXH không?

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Về thời gian hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật BHXH năm 2014 thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành được nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau như sau:

Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần; hết thời hạn 180 ngày theo quy định mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH (Luật BHXH năm 2006 không giới hạn thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau với mức thấp hơn sau khi hết thời hạn nghỉ 180 ngày theo quy định).

Điểm c, Khoản 2, Điều 28 Luật BHXH năm 2014 quy định, mức hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 15 năm hưởng tiếp chế độ ốm đau dài ngày sau khi hết thời hạn 180 ngày theo quy định bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (Luật BHXH năm 2006 quy định mức hưởng đối với trường hợp này bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc).

Phải có văn bản giải trình khi chậm nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau.

Điểm a, Khoản 1, Điều 93 Luật BHXH năm 2006 quy định, hàng tháng người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức BHXH.

Việc người lao động tại đơn vị của bạn có đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản nhưng đơn vị lại không kịp thời chi trả cho người lao động và quyết toán hằng quý với cơ quan BHXH là vi phạm các quy định về BHXH và phải bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7.10.2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22.8.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đến tháng 11.2016 đơn vị của bạn mới nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH đề nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động thì phải làm văn bản nêu rõ lý do nộp chậm hồ sơ đề nghị cho cơ quan BHXH giải quyết chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động.

Hỏi: Đến khi nghỉ việc vào tháng 5.2016, vợ tôi đóng BHXH được 9 tháng. Dự kiến tháng 4.2017, vợ tôi sẽ sinh con. Vợ tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Điều 31 Luật BHXH quy định lao động nữ đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Nếu tháng 4.2017 vợ bạn sinh thì tính ngược lại tháng 4.2016, trong vòng thời gian đó vợ bạn đóng BHXH đủ 6 tháng thì được hưởng chế độ thai sản.

Tuy nhiên, tháng 5.2016 vợ bạn đã nghỉ việc và từ đó không tham gia BHXH ở đâu nữa, như vậy vợ bạn mới tham gia BHXH được 2 tháng (tháng 4 và 5.2016). Do đó, vợ bạn không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học, tôi có thời gian nghỉ thai sản trùng với 2 tháng nghỉ hè. Vậy theo BHXH thì tôi được nghỉ 6 tháng kể cả 2 tháng hè hay 6 tháng thai sản + 2 tháng hè. Vì theo luật giáo viên đương nhiên phải được nghỉ phép năm là 2 tháng hè. Trường hợp của tôi thì như thế nào? Xin BHXH trả lời giúp và hồ sơ làm như thế nào?

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Điều 35 Luật BHXH 2006 quy định, mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp của bạn sinh con là trong khoảng thời gian bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ hè và thời điểm tính 6 tháng được nghỉ hè là thời điểm bạn xin nghỉ sinh. Vấn đề phát sinh ngoài thời gian làm việc và sẽ không tính vào thời gian tính nghỉ sinh. Lúc này phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm sinh để xem xét thời điểm tính ra khoảng thời gian được phép nghỉ.

Như vậy, trường hợp của bạn trùng vào thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép đó thì bạn nghỉ sinh con và hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả. Pháp luật hiện hành cũng không quy định chi tiết về vấn đề trùng thời gian như tình huống của bạn, để giải quyết được quyền lợi này bạn có thể đề nghị hiệu trưởng nhà trường bố trí cho bạn nghỉ phép trước khi nghỉ thai sản hoặc lùi thời gian nghỉ phép sau khi nghỉ thai sản.

Hỏi: Vợ tôi sinh em bé ngày 1.10.2016, sẽ đi làm trước thời khi hết thời gian nghỉ thai sản vào ngày 1.3.2017, vậy khi đi làm vợ tôi có phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không? Tôi có đọc qua theo quy định tại Điều 12 Thông tư 59 thì chỉ nói phải đóng BHXH, BHYT. Vậy vợ tôi phải đóng BHTN không vì theo quy định thời gian nghỉ thai sản không được tính là thời gian tham gia BHTN. Mong câu trả lời của quý cơ quan để tôi được hiểu rõ thêm. Xin chân thành cảm ơn.

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Mục 2 Công văn số 1139/BHXH-QLT ngày 29.4.2016 về việc hướng dẫn bổ sung nghiệp vụ Công văn số 212/BHXH-QLT đã điều chỉnh bổ sung Tiết c Điểm 6.4 Khoản 6, Mục I Công văn 212/BHXH-QLT ngày 19.1.2016 của BHXH thành phố như sau: Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước thời hạn được tính là thời gian đóng BHXH, thời điểm từ khi đi làm trước đến khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT, BHTN. 

Hỏi: Tôi có hộ khẩu ngoài tỉnh Quảng Nam. Tôi mang thai từ tháng 11.2016, dự sinh trong năm 2017, đóng BHXH tại tỉnh Quảng Nam từ tháng 7.2015 đến tháng 8.2016. Xin hỏi, tôi đã nghỉ việc tại cơ quan đóng BHXH thì có được hưởng chế độ thai sản không?

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản: Người lao động phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì được hưởng chế độ thai sản; trường hợp đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con… Người lao động đủ điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO