Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM 30/05/2017 08:12

  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
  • HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ

(QNO) - Hỏi: Tôi là phó chỉ huy trưởng quân sự, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 1.2001, tháng 6.2004 bị cắt đóng BHXH. Từ tháng 7.2004, đóng BHXH theo doanh nghiệp. Tính đến nay tôi đóng BHXH được 20 năm, gồm cả thời gian trong quân đội (4 năm 3 tháng). Theo trả lời của cơ quan BHXH huyện, thời gian tôi đóng BHXH theo chức danh phó chỉ huy trưởng quân sự (tháng 1.2001 đến 6.2004) không được tính. Đề nghị cơ quan chức năng giải đáp rõ về vấn đề này.

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12.9.2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14.6.1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, chức danh Phó Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21.10.2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn thì từ ngày 1.11.2003 chức danh Phó Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, do thời điểm tháng 11.2003 chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP nên chính quyền nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục đóng BHXH đối với các chức danh Phó Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đến tháng 6.2004. Vấn đề này, BHXH Việt Nam đã báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH nhưng đến nay các bộ này chưa có ý kiến giải quyết; khi các bộ có ý kiến, BHXH Việt Nam sẽ hướng dẫn thực hiện chung.

Đối chiếu với quy định trên, trường hợp bạn giữ chức danh Phó Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã từ tháng 1.2001 đến tháng 6.2004 thì thời gian đã đóng BHXH từ tháng 1.2001 đến tháng 10.2003 được cộng nối với thời gian đã đóng BHXH tại doanh nghiệp từ tháng 7.2004 để tính hưởng các chế độ BHXH, thời gian đã đóng BHXH từ tháng 11.2003 đến tháng 6.2004 tạm thời chưa được tính để hưởng chế độ BHXH.

Hỏi: Đến năm 2019 bố tôi tròn 60 tuổi và đóng BHXH được 22 năm. Vậy, bố tôi có được hưởng lương hưu không? Nếu được thì bao nhiêu % mức lương đóng bảo hiểm?

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn năm 2019 tròn 60 tuổi, đóng BHXH được 22 năm. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 54 Luật BHXH năm 2014 thì khi đủ 60 tuổi bố bạn đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ, lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó  cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Năm nghỉ hưu

 Số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%

2018                 

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Đối chiếu với quy định nêu trên, với số năm đóng BHXH là 22 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của bố bạn được tính như sau:

- 17 năm đầu tính bằng 45%;

- 5 năm tiếp theo tính thêm: 5 x 2 = 10%.

- Tổng tỷ lệ là: 45% + 10% = 55%.

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của bố bạn là 55%. Mức lương hưu hàng tháng của bố bạn được tính bằng tỷ lệ 55% nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Hỏi: Bà tôi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người có công, mã CK2, từ ngày 1.1.2017, bà tôi được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, được cấp thẻ BHYT, mã CT4, vậy bà tôi có thể sử dụng thẻ mã CK2 thay CT4 có được không?

BHXH trả lời như sau:

Khoản 2, Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13.6.2014, quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của luật này”.

Như vậy, trường hợp bạn hỏi vừa thuộc đối tượng người có công với cách mạng, vừa thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, thì được cấp thẻ BHYT cho nhóm đối tượng người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (mã ghi trên thẻ CT).

Về mức quyền lợi hưởng, Khoản 2, Điều 22 Luật số 46/2014/QH13 quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Căn cứ Tiết a, Điểm 2 Công văn số 4996/BHXH-CSYT ngày 17.12.2017 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có nêu, người có thẻ BHYT mang mã quyền lợi 3 hoặc 4 được chuyển lên mã quyền lợi số 2 nếu thuộc đối tượng người công với cách mạng.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp bà của bạn là người có công với cách mạng nên được hưởng mức quyền lợi số 2.

Hỏi: Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp ốm đau nằm viện thế nào là đúng tuyến khi tôi không ở nơi tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu? Quyền lợi tôi được hưởng ra sao?

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 22, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT:  “Người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh ở ngoại tỉnh (từ tuyến xã đến tuyến Trung ương) tự đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh (không bao gồm các cơ sở y tế không phải là bệnh viện), có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng của đối tượng”.

Theo quy định và hướng dẫn trên, bạn được tự lựa chọn đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện (không bao gồm các cơ sở y tế không phải là bệnh viện như phòng khám đa khoa, trạm y tế) trên địa bàn toàn tỉnh không cần phải có giấy chuyển tuyến. Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, người bệnh được bệnh viện tuyến huyện chuyển tuyến đến bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh theo mức hưởng quy định (phải có giấy chuyển từ bệnh viện tuyến huyện).

Ngoài ra, tại khoản 6, Điều 11, Chương IV, Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16.11.2015 của Bộ Y tế có quy định: “Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu”.

Theo đó, bà còn được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế của địa phương nơi đang tạm trú tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT của người bệnh và được chuyển tuyến đến cơ sở y tế tuyến trên khi tình trạng, mức độ bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu.   

Hỏi: Tôi là cán bộ tại Quỹ tín dụng nhân dân. Năm 2016, đủ 60 tuổi, đơn vị đã ký quyết định cho nghỉ hưu, nhưng vẫn ký hợp đồng lao động công việc. Vậy, tôi có được hưởng tiền BHXH và BHYT không?

BHXH tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 84; Khoản 9, Điều 123 Luật BHXH năm 2014; Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014; Khoản 2, Điều 43 Luật Việc làm năm 2013; Khoản 2, Điều 167; Khoản 3, Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012 thì khi đã nghỉ hưu, nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi không phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO