(QNO) - Nông dân xã Tam Thạnh (Núi Thành) đang hối hả thu hoạch để bán tháo rừng keo trồng bị hư hại do bão số 4.
Sau 5 ngày cơn bão số 4 tan, nhiều người dân ở xã Tam Thạnh gần như đã khắc phục xong thiệt hại về nhà cửa, lợp lại mái tôn đã bị tốc. Tuy nhiên, các rừng keo dưới 5 năm tuổi bị đổ gãy đang được người dân khẩn trương khai thác bán cho các thương lái, nhằm vớt vác phần nào thiệt hại.
Ông Nguyễn Viết Xí (thôn Trường Thạnh, xã Tam Thạnh) buồn bã nhìn gần 5ha rừng keo của mình nằm ngổn ngang. Ông cho biết, gỗ keo nhỏ hơn 2 năm tuổi không bán được. Chỉ một ít diện tích cây keo trồng 5 năm tuổi được thu hoạch nhưng bị thương lái ép giá.
“Mỗi héc ta đầu tư hết 20 - 30 triệu đồng nhưng thương lái chỉ mua 6 - 7 triệu đồng. Nếu không tranh thủ những ngày khô ráo thu hoạch kịp thời thì số keo này sẽ thành củi, bây giờ chỉ chờ thương lái đến mua để gia đình có chút vốn đầu tư trồng lại rừng” - ông Xí nói.
Một hộ trồng rừng khác, ông Nguyễn Phương (thôn Đức Phú, Tam Thạnh) đang đi thăm vườn keo đang ngã la liệt, cho biết gia đình phải thuê nhân công tại địa phương với giá 300 nghìn đồng/người/ngày để thu gom cây ngã đổ. Nếu không thu hoạch sớm, keo sẽ thấm nước hoặc mục nát sẽ rất khó bán.
Ông Phương cho biết: “Gia đình tôi thiệt hại 6ha rừng keo, trong đó cây keo hơn 2 năm tuổi chiếm một nửa. Số keo vài năm tuổi bán không nhiêu tiền do năng suất thấp, trọng lượng nhẹ; còn loại từ 5 năm tuổi thì bị thương lái ép giá từ 2 triệu đồng/tấn (theo giá thị trường) xuống 1,2 – 1,5 triệu đồng/tấn. Lứa keo này tôi dự định sẽ bán vào đầu năm sau nhưng vỡ mộng”.
Theo thống kê của UBND xã Tam Thạnh, địa phương ước hơn 400ha diện tích keo bị đổ gãy, trốc gốc, hư hại một phần… Ông Nguyễn Thành Lưu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh thông tin, có đến hơn 80% dân số tại xã Tam Thạnh làm nghề trồng rừng, vì vậy bão số 4 đã ảnh hưởng nặng nề đối với đời sống của người dân. Chính quyền xã đã liên hệ với các nhà máy tổ chức thu mua keo với số lượng lớn, giúp đỡ người dân ổn định đầu ra trong thời điểm khó khăn.
“Trong những năm gần đây, keo là lựa chọn của nhiều nông dân bởi dễ trồng, đầu ra ổn định, công chăm sóc chủ yếu tập trung vào 1 năm đầu tiên và chi phí thấp hơn so với các loại cây khác. Chu kỳ trồng keo từ 5 - 7 năm, mỗi héc ta thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng. Chính quyền địa phương đề nghị các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn không được giảm giá mua, giúp người dân phần nào vượt qua khó khăn sau thiên tai” – ông Lưu khẳng định.
Riêng về thiệt hại cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, toàn tỉnh có 309ha diện tích cây trồng lâu năm, 1.020ha rừng, 1.405 cây xanh bị hư hại, ngã đổ.