Mang theo nhiều tâm sự, rất đông người dân trên địa bàn tỉnh lại hối hả lên xe trở vào phương Nam mưu sinh, công tác và học tập sau những ngày về quê ăn tết.
Thuận tiện, nhanh chóng
Do đặc thù công việc khác nhau, người dân trở vào Nam đông nhất là từ mùng 6 đến mùng 10 tháng giêng. Xe khách vẫn là phương tiện được nhiều người lựa chọn, nhất là xe chất lượng cao. Khác với những năm trước đây, các điểm bán vé xe bây giờ không còn tập trung trên các tuyến quốc lộ mà đã xuất hiện rải rác ở khắp nơi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Người đi và người nhà đưa tiễn không cần vất vả di chuyển, rồi cố sức ngồi chờ ven tuyến quốc lộ 1 để đón, có khi gặp phải cảnh bị nhà xe nhồi nhét, hét giá vé trên trời.
Hành khách chọn phương tiện chất lượng cao để đi vào TP.Hồ Chí Minh. |
Quyết định trở vào Bà Rịa - Vũng Tàu từ mùng 6 tháng giêng, trước đó một ngày, anh Trương Văn Chín (quê xã Điện Quang, Điện Bàn) tìm đến đại lý bán vé xe chất lượng cao đặt cách nhà mình chỉ hơn 1km mua vé. Đúng ngày giờ theo quy định, người nhà chỉ cần đưa vợ chồng và hai đứa con của anh về địa điểm trên là đã có xe trung chuyển chở ngược xuống quốc lộ 1 rồi lên xe giường nằm lưu thông vào Nam. Đặt vé từ trước đó vài ngày, anh Trương Minh Quyết (xã Đại Quang, Đại Lộc) nhờ đứa em trai chở đến bến xe Đại Lộc, lên xe giường nằm chất lượng cao Trần Hòa trở vào Nam tiếp tục mưu sinh…
Theo ông Nguyễn Ta - Giám đốc Bến xe Nam Phước (Duy Xuyên), đa số các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vận tải khách đường dài đã chú trọng đầu tư chất lượng phương tiện. Sau 3 ngày tết, hành khách tỏa về các đại lý được bến xe đặt tại nhiều nơi để mua vé. Đến lúc đi, người dân những điểm ở xa trung tâm đã di chuyển bằng xe buýt về bến. Tại đây, họ được hướng dẫn lên đúng xe, đúng ghế ngồi để tiếp tục lưu thông. Bến xe Nam Phước vào các ngày mùng 7, mùng 8 tháng giêng đón gần 100 người đi vào phía Nam. Phần lớn bà con chọn xe chất lượng cao nên nhiều phương tiện đời cũ còn không ít ghế trống. Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT), người dân hiện nay đi máy bay và tàu lửa ngày càng phổ biến. Vì vậy, vận tải khách đường bộ phục vụ tết trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo, các bến xe không ứ đọng khách, 50 phương tiện tăng cường cho chiến dịch hoạt động chưa hết công suất.
Xe chạy tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn dừng đón khách lộn xộn tại khu vực ngã ba Vĩnh Điện. Ảnh : CÔNG TÚ |
Vẫn hướng về quê nhà
Về quê ăn tết cùng gia đình được hơn 10 ngày, hai chị em Ngô Văn Vũ lại xa người thân, bạn bè để vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nhiệm vụ học tập. Bữa cơm sum họp trước ngày lên đường chan chứa cảm xúc. Dù cha mẹ luôn nở nụ cười nhưng hai chị em biết trong lòng đấng sinh thành đang cố kìm nén cảm xúc, không để lộ cho con mình biết. Hiểu được sự hy sinh mà bậc làm mẹ, làm cha đã dành cho mình, Vũ khẳng định quyết tâm duy trì việc học đi đôi với làm thêm như học kỳ I, qua đó chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình.
Trong khi hoạt động của các phương tiện ô tô khách đường dài đã cơ bản tuân thủ các quy định hiện hành, thì một số xe chạy tuyến đường gần như Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Quy Nhơn (Bình Định) lại dừng đón khách lộn xộn tại khu vực ngã ba Vĩnh Điện (Điện Bàn), Nam Phước (Duy Xuyên); ngã tư Hà Lam (Thăng Bình), Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân (TP. Tam Kỳ)… Nhiều xe còn lạng lách, đua tốc độ trên tuyến quốc lộ 1 nhằm tranh giành khách. Một nhóm thợ xây quê ở Đại Lộc đứng đón xe tại khu vực ngã ba Vĩnh Điện để đi Phù Mỹ (Bình Định) cho biết, bình thường nhà xe chỉ bán có 110 nghìn đồng/vé, nhưng thời điểm này họ hét giá tới 250 nghìn đồng, lại cố tình không niêm yết giá trên xe. Đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, chú trọng kiểm soát đối với những loại phương tiện xe khách nói trên. |
Tiễn 2 con ruột và 1 người con dâu xuống đón xe tại quốc lộ 1, ông Phan Phước Hải (xã Điện Phong, Điện Bàn) dặn dò rất kỹ bọn trẻ trước khi chia tay. Ông Hải tâm sự, công việc chính ở quê chỉ có làm nông, thu nhập ba cọc ba đồng nên 2 người con ruột đã tìm kế mưu sinh tại TP. Hồ Chí Minh từ 7 năm nay. Đến lúc con trai đầu lập gia đình, sinh con chưa tròn tuổi đã gửi cháu cho hai vợ chồng ông nuôi dưỡng rồi trở vào Nam làm công nhân. Bây giờ, cháu nội ông gần tròn 4 tuổi nhưng sống xa cha mẹ gần 3 năm trời. Ngày tết cổ truyền dân tộc, cả gia đình mới có dịp đoàn tụ đông đủ, hàn huyên tâm sự. “Mấy ngày tết trôi qua nhanh quá! Tội nghiệp cho đứa cháu nhỏ mới có dịp quấn quýt, nũng nịu bên cha mẹ chỉ trong thời gian ngắn thôi, giờ đây lại phải tạm xa nhau rồi. Nhìn vợ chồng trẻ với ánh mắt đỏ hoe gắng sức dỗ dành con mình trước khi lên đường, vợ chồng tôi buồn lắm” - ông Hải xúc động bày tỏ.
Chất chứa nỗi buồn mất mẹ đúng vào ngày 23 tháng chạp năm Nhâm Thìn vào lòng, trưa mùng 9, vợ chồng anh Phạm Xuân Hiền đưa hai con nhỏ cùng xuống Hương An (Quế Sơn) đón xe vào Nam. Tại quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), vợ chồng anh đang duy trì hoạt động một xưởng nhỏ chuyên may gia công quần áo xuất khẩu được mở từ khoảng 3 năm nay với gần 20 công nhân, chủ yếu là người Quảng Nam và một vài địa phương lân cận. Theo anh Hiền, hai vợ chồng phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong 10 năm trời vừa học nghề, vừa làm thuê cho người khác để có một công việc tạm ổn định như hôm nay nơi đất khách. Nhưng cho dù thành công thế nào đi nữa, quê nhà vẫn là nơi mà mỗi khi tết đến gia đình anh đều mong muốn trở về…
Công Tú