Những ngày này, các nông hộ trên địa bàn tỉnh tất bật trồng, chăm hoa tết. Ưu tiên hoa cao cấp, chất lượng cao đem lại giá trị kinh tế lớn là khuynh hướng chung của nghề trồng hoa tết Quảng Nam năm nay.
Anh Bùi Quang Trung chăm sóc hoa lan Mokara.Ảnh: Q.VIỆT |
Vào vụ
Trại thực nghiệm nông – lâm nghiệp TP. Tam Kỳ (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng) sôi động hẳn với các công đoạn cắt tỉa nhánh, tưới nước, phun thuốc, bón phân cho hoa cúc đại đóa của hàng chục lao động. Từ 2 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng) đã chọn lựa khu vực có diện tích 3ha này để trồng đại trà hoa cúc đại đóa. Bà Thanh kể: “Năm 2012, tôi đã thỏa thuận với Trung tâm Ứng dụng - chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ thuê lại trại thực nghiệm này để trồng cúc đại đóa. Năm ngoái tôi trồng 800 chậu, tung ra thị trường 600 chậu, bán được tất cả là 57 triệu đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, gia đình thu được hơn 30 triệu đồng. Nghề này vất vả lắm nhưng có gì thu được lãi cao mà lại đầu tư ít? Năm nay gia đình chúng tôi quyết định dốc toàn lực để đầu tư 3.000 chậu cúc đại đóa”. Bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 9 âm lịch, đến thời điểm này, cúc đại đóa của gia đình bà Thanh đã có chiều cao ở ngưỡng 20 – 25cm.
Cúc đại đóa đã được du nhập vào địa bàn TP. Tam Kỳ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do quy trình chăm sóc khắt khe, nguồn vốn đầu tư lớn nên đến thời điểm này có rất ít nông hộ “dám” lựa chọn loài hoa này để đầu tư cho vụ tết với số lượng lớn. Theo bà Thanh, cúc đại đóa được thị trường ưa chuộng vì có độ bền lâu, hoa thanh khiết. Để cúc đại đóa trổ hoa vào đúng dịp tết nhằm bán được giá, thu lợi nhuận cao thì không hề đơn giản bởi loại hoa này đặc biệt phụ thuộc vào thời tiết. “Đến thời điểm này, rất khó để có thể tiên liệu được hiệu quả kinh tế của hoa cúc đại đóa. Năm nay mưa nắng thất thường mà lại bị bão “uy hiếp” nhiều nên gia đình rất sợ chất lượng hoa sẽ không được tốt như năm rồi. Chỉ cần mưa lớn kéo dài là rễ cúc mềm oặt, làm chết cây. Còn mưa lớn kèm theo thời tiết lạnh là dịch bệnh sẽ tàn phá hoa. Gia đình tôi chỉ mong thời tiết “bình ổn” trở lại để hoa phát triển tốt”, bà Thanh nói.
Cũng với cúc đại đóa, mỗi vụ tết đã đem đến cho gia đình anh Bùi Quang Trung (khối Xuân Thuận, phường Cẩm Phô, TP. Hội An) hàng chục triệu đồng từ 5 năm qua. Năm nay, vẫn trồng cúc nhưng để “đổi không khí”, gia đình anh ưu tiên trồng hoa ly ly và lan Mokara. Thời điểm này, sau khi hoàn thiện nhà vườn trồng ly ly với diện tích 1.000m2, gia đình anh Trung bắt tay trồng 4.000 chậu hoa ly ly. Anh Trung tính, với giá 80.000 – 100.000 đồng/chậu đã được ký kết “ngầm” với các mối làm ăn quen thuộc ở TP. Đà Nẵng, năm nay gia đình thu được khoảng 30 triệu đồng sau khi khấu hao sản xuất. “Thị hiếu, óc thẩm mỹ chiêm ngưỡng hoa đã thay đổi trong thời gian qua đã phần nào “quy định” cách “chơi” hoa. Mọi người chuộng hoa chất lượng cao chứ ít khi thích cây cảnh bề thế chiếm không gian rộng. Hoa ly ly rất kén chọn người trồng. Thực tế sản xuất trong thời gian qua đã cho thấy hoa ly ly bị nấm tấn công rất nhiều. Tôi có bí quyết riêng nên tự tin vào thành công khi trồng hoa ly ly” - anh Trung nói. Ngoài trồng hoa ly ly, gia đình anh Trung cũng đã đầu tư trồng 2.000 chậu lan Mokara. Anh Trung cho biết, năm vừa rồi, gia đình anh trồng thử nghiệm hoa lan Mokara. Bước đầu trồng loài hoa lan này đã cho thấy kỹ thuật không quá phức tạp. Chủ yếu nhất là các công đoạn che nắng, tưới nước, bón phân và phòng bệnh cho hoa. Loại hoa này chưa được trồng đại trà ở Quảng Nam và Đà Nẵng nên hứa hẹn sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình trong vụ hoa tết này.
Hỗ trợ sản xuất
Vào thời điểm này, tại khu vực Trường Xuân (TP. Tam Kỳ), một số hộ chuyên trồng hoa, cây cảnh cũng đã thiết kế xong nhà vườn để bước vào vụ trồng hoa ly ly đáp ứng nhu cầu dùng hoa tết trên địa bàn. Điều đáng nói là mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng trong thời gian gần đây, hoa ly ly thường xuyên bị nấm tấn công gây thua lỗ cho các nông hộ. Tại các địa bàn trồng nhiều hoa ly ly nhất là TP. Hội An và TP. Tam Kỳ, nhiều vườn hoa ly ly đã bị chết 50% do nấm. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam, hiện tại, chưa xác định cụ thể được cách thức tấn công hoa ly ly của nấm để có thể chủ động ứng phó khi bệnh xảy ra trên hoa ly ly. “Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với các nông hộ trồng hoa ly ly quy mô nhất trên địa bàn tỉnh để theo dõi sự sinh trưởng của hoa ngõ hầu tìm ra “đường đi” của bệnh xảy ra trên hoa ly ly. Khi xác định được cụ thể nguyên nhân của bệnh trên hoa, chúng tôi sẽ đề xuất cách “chống” cụ thể. Vào thời điểm này, chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo các nông hộ chủ động “phòng”, tránh bệnh đáng tiếc xảy ra trên hoa” - ông Tân nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, vào vụ trồng hoa ly ly, các nông hộ nên chọn giống hoa ly ly có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng. Đất được dùng để trồng hoa phải đủ “sạch”, tránh ủ mầm bệnh gây bệnh cho hoa. Nhà vườn trồng hoa cũng phải thiết kế đảm bảo khi hoa ly ly chỉ thích hợp với độ ẩm 70 – 80%, nhiệt độ 18 – 25oC. Đặc biệt, các nông hộ phải chăm sóc thường xuyên để có thể dùng thuốc kịp thời hạn chế tác hại của bệnh. Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng - chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ thì cho biết: “Thực tế đã cho thấy trồng ly ly trong vụ hoa tết đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các nông hộ. Tuy nhiên, hiện nay, giống hoa ly ly đảm bảo chất lượng cao chỉ được nhập về từ Hà Lan, chủ yếu qua công ty rau - quả Hà Nội nên các nông hộ khó tiếp cận. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nông hộ tiếp cận được nguồn giống này. Ngoài ra, để trồng hoa ly ly hiệu quả, các nông hộ phải biết cách “đọc thời tiết”. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm trồng hoa của các nông hộ chứ thời tiết biến động thất thường, không ai biết chắc chắn điều gì cả”.
NGUYỄN QUANG VIỆT