Đã nhiều năm qua rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in. Buổi sáng hôm ấy, khi tôi hãy còn học lớp 5. Sáng thứ Hai, ngoài tiết Chào cờ, Toán, Tiếng Việt, lớp tôi còn có một tiết Lịch sử. Ôi, cái “anh chàng” Lịch sử này làm tôi lo ngay ngáy đây.
Chuyện là, thứ Bảy, mẹ bảo tôi học bài cũ, nhưng tôi hẹn: “Còn cả ngày Chủ nhật nữa, lo gì hả mẹ?”. Vậy là tôi ung dung thư giãn, rong chơi cùng lũ bạn trong xóm, nào đá bóng, nào bắn bi… Sáng Chủ nhật, đang còn nằm trên giường, tôi đã nghe tiếng mẹ: “Chí Bảo ơi, con có về quê thăm ngoại với mẹ không?”. Tôi vùng dậy ngay. Còn gì vui bằng được về quê ngoại, được vắt vẻo trên cây ổi, cây xoài, được chơi đùa cùng con của cậu tôi. Lẽ ra phải về sớm nhưng ngọn gió nồm mát rượi đã đưa tôi vào giấc ngủ ngon lành nên mãi đến chiều hai mẹ con mới rời nhà ngoại để trở về nhà. Tối, vừa ngồi vào bàn học bài đã nghe tiếng mấy nhỏ bạn, to nhất là tiếng thằng Phong, gọi í ới ngoài sân: “Chí Bảo ơi, bữa ni rạp Hòa Bình có phim Harry Potter hay lắm, đi xem với tụi tao cho vui”. Gì thì gì chứ Harry Potter thì tôi ghiền số một. Tôi đã đọc truyện này rồi nhưng muốn xem phim cho biết thế nào. Truyền hình cáp thỉnh thoảng có chiếu nhưng tôi thích xem phim ở rạp vì có “không khí” hơn, nên dù chưa được mẹ đồng ý, tôi vụt chạy ngay ra ngõ, tót lên xe đạp của thằng Phong và tự nhủ: Sáng mai dậy sớm học cũng được. Nhưng sáng hôm sau, tôi dậy muộn, vừa kịp giờ đến trường.
Đến tiết Lịch sử. Cô giáo bước vào lớp và nhẹ nhàng bảo: “Bây giờ cô kiểm tra bài cũ”. Tôi hồi hộp đến thót tim theo dõi cây bút cô đưa lên đưa xuống trong sổ điểm. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô rà rà ngòi bút từ đầu đến giữa sổ, rồi cuối sổ. Tôi đưa hai tay ôm ngực mừng thầm: Vậy là “thoát nạn” rồi (bởi tôi tên Chí Bảo, vần “B”, tên ở đầu sổ). Rồi, bất chợt cô đưa ngược bút lên, rất nhanh: “Cô mời Chí Bảo lên bảng”. Tôi cất bước không nổi. Cô hỏi: “Em hãy cho cô biết tình cảm của nhân dân đối với anh hùng Trương Định?”. Tôi cúi gằm, mặt đỏ bừng. Thật xấu hổ. Chao ôi, giá như lúc này mặt đất nứt ra để tôi chui xuống. Một lúc sau, trấn tĩnh lại, tôi lí nhí thưa: “Thưa cô, em bận giúp ba mẹ hai ngày cuối tuần nên chưa học bài cũ ạ”. Cô nhìn tôi hiền từ và nói: “Em biết giúp đỡ ba mẹ là điều tốt, nhưng lần sau phải nhớ học bài cũ nhé. Lần này cô cho em nợ”. Tôi về chỗ ngồi mà hai tai vẫn còn nóng bừng. Đầu óc rối bời nên suốt tiết học hôm đó tôi chẳng tiếp thu được lời cô giảng dù mắt vẫn chăm chú lên bảng. Tôi có còn là tôi, một học trò trung thực và chăm ngoan nữa hay không? Tại sao tôi đã không thuộc bài còn nói dối cô giáo nữa? Nào tôi đã giúp ba mẹ được gì đâu? Bao nhiêu câu hỏi xoay tít trong đầu tôi. Đúng lúc đó một mảnh giấy vo tròn bay đến chỗ tôi ngồi. Là của thằng Phong. “Bữa ni Hoàng tử (biệt danh của tôi) hơi bị xui xẻo hỉ?”. Tôi mặc kệ, chẳng thèm trả lời Phong chứ bình thường thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay “bút đàm” với nhau. Mà nếu hắn “lên giọng” như vậy, thế nào tôi cũng “đấu” với hắn một trận!
Cuối giờ học, các bạn ra về hết, còn tôi ngồi lại một mình, gục đầu xuống bàn. Có tiếng chân nhẹ bước đến bên tôi. Tôi ngước lên. Là cô giáo dạy lịch sử và cũng là cô giáo chủ nhiệm của tôi. Tôi nói nhanh như sợ không còn cơ hội để nói: “Thưa cô, em xin lỗi cô, lúc nãy em đã nói dối cô. Em không thuộc bài vì mải chơi chứ không phải vì bận giúp ba mẹ cô ạ”. Cô xoa đầu tôi, bàn tay cô mới dịu dàng làm sao, ánh mắt cô trìu mến nhìn tôi, giọng cô ấm áp, ân cần: “Em đã biết nhận ra lỗi lầm, biết hối hận là rất tốt, cô tin ở em”.
Dĩ nhiên, sau lần đó, tôi học hành thế nào thì các bạn cũng đoán được rồi đấy!
PHAN CHÍ BẢO
(Lớp 8/3 trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Tam Kỳ)