Văn hóa

Hội họa trên gốm

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 31/01/2024 14:32

Men trên gốm có nhiều loại màu nhưng phổ biến là men trắng, men lam xám, men rạn, men trắng ngà, xanh rêu và men vàng nâu. Đồ gốm được gọi là vẽ lam, tức sau khi tạo hình dáng như đĩa, bình, ché… người ta sẽ vẽ màu ôxid cobalt sau đó phủ men trắng xám. Công phu hơn với loại vẽ nhiều màu gọi là tam thái. Vậy nên loại vẽ dưới men thì có độ bền, tốt, còn vẽ trên men thì độ bền kém hơn.

ve-gom5(1).jpg
Vẽ trên gốm. Ảnh tư liệu

Trong góc nhìn từ các sản phẩm từ đĩa, bình là đồ vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm - gốm Việt cuối thế kỷ 15-16 có nguồn gốc từ Hải Dương, chúng tôi phân tích vài khía cạnh của hội họa trên gốm.

Điểm chung là khi vẽ trên gốm hoặc trên giấy thì họa sĩ đều dùng cọ (bút lông đầu nhọn, đầu bằng và loại lông mềm hay cứng), kỹ thuật vẽ thường phóng bút (vẽ nhanh, hoạt tay) hay công bút (tỉ mỉ, chậm rãi và chi tiết). Tờ giấy và mặt gốm (chưa nung) rất dễ hút nước, mực vẽ, men vẽ. Một tờ giấy hay một mặt phẳng của cái đĩa thì tương tự để người họa sĩ hay nghệ nhân phóng bút hay công bút.

tnb-62002-01(1).jpg

Trong tranh phong cảnh chẳng hạn (ảnh 1) đơn cử là bức vẽ lam (dưới men) có đường kính khá lớn (36,2cm) với cảnh đồi núi gần, xa, vẽ theo bố cục ước lệ.

Chúng tôi xem đây như là bức tranh vẽ thủy mặc với mực nho trên giấy. Một ví dụ khác là bức vẽ lam cũng trên đĩa có kích thước đường kính nhỏ 24,1cm: hình cô gái tư thế ngồi với hai chân duỗi thẳng, phía trước mặt có lò hương đốt, sau lưng là khóm cây tre, trúc (ảnh 2).

tnb-62002-02(1).jpg

Với bức này, có lẽ người vẽ muốn minh họa câu chuyện bằng tranh trên mặt gốm. Một bức khác: nét bút vẽ phóng tay với hình con tôm bơi trong đám rêu (đĩa vẽ nhiều màu, đường kính 34,5cm). Hơi tiếc là màu đỏ, vàng bị mất, màu lục thì xỉn (ảnh 3).

tnb-62002-03(1).jpg

Nét khác biệt là nếu khi vẽ trên mặt gốm với hình khối cong như cái bình, âu, lọ… thì đòi hỏi người vẽ phải tập luyện rất nhiều. Nếu sao chép các hình vẽ trên một khối tròn của cái bình trên giấy, rồi trải ra trên mặt phẳng xem như là toàn diện tích bức tranh.

Nhưng khó là ta sẽ vẽ cho vừa đúng bức ấy trên mặt khối tròn. Người giỏi thì khi vẽ có thể ước chừng, người chưa giỏi thì phải vẽ nháp… Nhưng khó nhất là điều khiển cây cọ vẽ trên bề mặt không phẳng và nét vẽ sẽ bị khúc xạ khi nhìn vì độ cong của bình gốm (tôi cũng đã từng vẽ thử ở công ty gốm Hải Dương nên cảm nhận được độ khó).

Thử quan sát một bình gốm kích thước lớn (hiện nay là cổ vật quốc gia) cao 56,8cm vẽ lam với việc mô tả con vịt (các nhà nghiên cứu cho là con thiên nga) hình ảnh rất dân dã, dễ bắt gặp với các tư thế minh họa tích loài nhạn: bay (phi), ăn (thực), ngủ (túc), gọi đàn, kêu (minh) lồng trong khung cảnh đồng quê cây cỏ, đá, hoa… Nghệ nhân vẽ bức này cả công bút và phóng bút. Với vẽ màu thì người vẽ trên gốm phải vẽ nét trước (màu đậm như nâu, đen) rồi các màu nhạt vẽ sau (ảnh 4). Trong khi vẽ trên giấy thì người vẽ có thể vẽ cả hai cách.

tnb-62002-04(1).jpg

Ngày nay với công nghệ tạo men phong phú, các họa sĩ, nghệ nhân vẽ gốm có thể sử dụng nhiều màu để vẽ. Việc vẽ trên gốm không phải ai cũng thực hiện tốt và rất tốn thời gian nếu vẽ lần thứ hai (vẽ trên men). Nhiều công ty gốm buộc phải có những sản phẩm in để giá thành hạ. Vì thế, những sản phẩm gốm vẽ bằng tay rất có giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội họa trên gốm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO