Di sản của vị bác sĩ Pháp nghiên cứu về y học dân tộc ở An Nam hồi đầu thế kỷ XX, sau hàng chục năm được người cháu ngoại lưu giữ, sắp làm cuộc “hồi hương” thú vị…
Quầy thuốc bắc đang bảo tồn nguyên vẹn tại nhà thuốc Đức An trong khu phố cổ. ảnh: H.X.H |
Tin vui từ Pháp
Jean Cousso, Chủ tịch Hội bạn hữu Huế (BAVH), trở lại Hội An năm 2010 để dò tìm hiệu thuốc bắc từng hiện diện trên tấm ảnh do ông ngoại chụp hồi đầu thế kỷ XX. Nhưng không ai biết đích xác ngôi nhà cổ đó nằm ở đâu, kể cả ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. “Bởi những dạng nhà cổ như thế hồi đầu thế kỷ XX rất nhiều, cứ na ná nhau. Tôi chỉ đoán nó nằm đâu đó trên đường Trần Phú” - ông Trung nói.
Tìm không ra địa chỉ ngôi nhà trong ảnh cũ, nhưng cuộc gặp giữa Jean Cousso với những cán bộ quản lý di sản Hội An đã rẽ sang hướng khác, hấp dẫn hơn. Albert Sallet, ông ngoại của Jean Cousso, là vị bác sĩ đầu tiên được Chính phủ Pháp giao nghiên cứu khoa học về y học dân tộc ở miền Trung Việt Nam (An Nam xưa) trong suốt 3 năm 1927-1930. Sứ mệnh đặc biệt của Albert Sallet ở tòa Công sứ Pháp được thể hiện trong một bản hợp đồng viết bằng 3 ngôn ngữ Pháp - quốc ngữ - chữ Nôm ký với Chính phủ Pháp… Vì thế, Jean Cousso rất vui khi nhận ra từ năm 2009 TP.Hội An đã manh nha khôi phục bảo tàng y học cổ truyền, như một sự tương liên với những gì mà ông ngoại mình từng theo đuổi. “Hiện tôi là người sở hữu các tài liệu này từ ông Albert Sallet với hơn 400 bản thảo liên quan đến đơn thuốc và thư mục của hơn 100 loại thuốc ở miền Trung Việt Nam” - Jean Cousso viết trong một lá thư trao đổi. Tất nhiên, có cả những hiện vật nghề y.
Di tích “4 trong 1” Nhà cổ Đức An trong khu phố cổ Hội An (số 129 Trần Phú) là di tích “4 trong 1” khá đặc biệt. Bởi đây không chỉ là công trình nhà lưu niệm của nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh, được gắn biển công nhận di tích lịch sử cách mạng (địa điểm thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An hồi tháng 10.1927) và từng là cửa hiệu buôn sách báo náo nhiệt từng lưu hành các tác phẩm về dân chủ tư sản thế giới, phong trào Duy tân. Hơn thế nữa, tấm biển “hiệu thuốc bắc Đức An” cùng gian chứa thuốc đặc trưng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, góp thêm tư liệu sống cho hệ thống y học cổ truyền tại Quảng Nam. |
Jean Cousso đầy thiện chí khi hứa sẽ “chịu trách nhiệm mang đến” các tài liệu cổ, hình ảnh… Ông hình dung bảo tàng thuốc đông dược trong phố cổ gồm 2 phần: bảo tàng nhỏ trưng bày các tài liệu cổ, công cụ làm thuốc và một cơ sở thương mại phục vụ người dân mua thuốc. Nhưng đó là chuyện sau này. Bây giờ, các bên giữ liên lạc thường xuyên và đang tìm hiểu thủ tục vận chuyển, hiến tặng. Bức ảnh chụp phòng lưu trữ từ Pháp gửi về Việt Nam cho thấy gia đình Cousso chăm chút kỹ những di sản ở Đông Dương. “Những hiện vật nghề y vẫn còn nhiều tại Hội An, nhưng bộ sưu tập và tư liệu đang lưu giữ bên nước Pháp rất quý giá vì được một bác sĩ để tâm tìm kiếm từ đầu thế kỷ 20” - ông Nguyễn Chí Trung đánh giá.
“Phục dựng” quá khứ
Suốt 300 năm kể từ thế kỷ XVII, nghề y đã là một phần không thể thiếu trong đời sống cư dân ở thương cảng Hội An. Hệ thống cửa hiệu thuốc bắc ở phố Hội An nối tiếp mãi đến những năm đầu thế kỷ XX, nhưng rồi xu hướng hiện đại và nhiều nguyên nhân khác đã dần đẩy nghề truyền thống vào ngõ cụt. Tất cả chỉ còn trong ký ức. Có chăng, là chút bụi thời gian trên tấm ảnh cũ hay thoáng đâu đó trên những trang sách. Như cuốn tiểu thuyết lịch sử Thế kỷ bị mất của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam (NXB Hội Nhà văn 2011), độc giả chỉ có thể mường tượng về một không gian đậm đặc mùi thuốc bắc khi theo chân Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng ghé thăm thầy thuốc người Minh Hương Châu Thượng Văn, hay lúc họ tản bộ đến nhà thuốc Tấn Ký… “Các hiệu thuốc bắc trong khu phố cổ không còn hoạt động”, dòng nhận xét ngắn gọn ghi trong dự án bảo tồn nghề y truyền thống (do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An làm chủ đầu tư) dễ khiến những người hoài cổ chạnh lòng.
Một góc phòng lưu trữ tài liệu, hiện vật của Albert Sallet ở Pháp. (ảnh do Jean Cousso chia sẻ với Trung tâm QLBTDSVH Hội An). |
Anh Lý Hào Tuấn ở hiệu thuốc Hòa Sanh Đường giục chúng tôi nên dạo qua vài tuyến phố Hội An để cảm nhận sự “trống vắng” mà các tiệm thuốc bắc để lại. Hòa Sanh Đường cùng với các hiệu thuốc Bửu An Đường, Triều Phát, Hòa An Đường đã trải qua thời gian dài thịnh vượng. Truyền đến đời thứ 4, Hòa Sanh Đường hiện do anh Tuấn và con trai của thầy thuốc Triệu Minh Hòa giữ nghề, nhưng hiệu thuốc thì… dời ra ngoài phố cổ. Chỗ cũ nằm trên đường Nguyễn Thái Học giờ thay thế bằng một shop vải. Họ buộc phải dịch chuyển địa điểm vì phố cổ cấm xe cộ lưu thông, sẽ không ai cõng người bệnh vào phố để chữa trị.
Chúng tôi cũng được ông Nguyễn Chí Trung cho phép xem những bức thư trao đổi giữa ông với Jean Cousso, để biết thêm rằng tâm huyết “phục dựng” bảo tàng thuốc đông dược truyền thống ở trung tâm phố cổ Hội An đã có sự cộng hưởng từ nhiều phía. Jean Cousso chuyển cho ông Trung 2 đĩa CD chứa 5.000 bức ảnh được chụp trong giai đoạn 1884-1954… Một phác thảo đầy lãng mạn với các phòng bắt mạch kê đơn để các thầy thuốc nổi tiếng khắp nơi về trổ tài, mở cơ hội cho các làng quê xung quanh trồng cây thuốc để cung cấp cho quầy thuốc, trong khi gian trước chếch về phía đông (tại nhà cổ 46 Nguyễn Thái Học) dành làm nơi trưng bày hiện vật, tư liệu mà Jean Cousso đang sở hữu. “Năm 2016 này sẽ triển khai. Mặt bằng có rồi, nằm đối diện với Bảo tàng văn hóa dân gian” - một cán bộ nhiều năm theo đuổi dự án quả quyết.
HỨA XUYÊN HUỲNH