Hội Khuyến học Hiệp Đức: Nhiều cách làm hay

HÀ AN 03/01/2019 06:22

Với số tiền quỹ gửi tiết kiệm ở ngân hàng lãi mỗi năm khoảng 30 triệu đồng, cộng thêm nguồn huy động từ các mạnh thường quân, nhiều học sinh, sinh viên được Hội Khuyến học (HKH) Hiệp Đức tiếp sức để đến trường.

Hội Khuyến học huyện Hiệp Đức tuyên dương khen thưởng học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi năm học 2017 - 2018. Ảnh: HÀ AN
Hội Khuyến học huyện Hiệp Đức tuyên dương khen thưởng học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi năm học 2017 - 2018. Ảnh: HÀ AN

Xã hội hóa

Gần 10 năm nay, HKH Hiệp Đức đã tiếp sức cho rất nhiều học sinh, sinh viên vượt khó, vươn lên. Hiện nay, 12/12 xã của huyện đều có HKH, 26 trường có chi HKH, 28 tộc họ xây dựng nguồn quỹ khuyến học. Ông Phạm Văn Lâm - Chủ tịch HKH huyện Hiệp Đức cho biết: “Công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học của huyện theo phương thức xã hội hóa, các cấp hội từ xã đến huyện đã tập hợp được sự tham gia của đông đảo các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để chung tay, góp sức cùng ngành giáo dục chăm lo có hiệu quả cho sự nghiệp trồng người ở huyện, tạo nguồn lực và sức mạnh về vật chất và tinh thần giúp học sinh nghèo được tiếp sức tới trường. Quỹ khuyến học luôn chú trọng 3 mục tiêu lớn, đó là trao học bổng, hỗ trợ khó khăn, khen thưởng cho học sinh, sinh viên”.

Để có những suất học bổng, món quà ý nghĩa nhằm động viên học sinh, sinh viên nghèo vượt khó vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập, hằng năm, các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang trong huyện huy động mỗi cán bộ ủng hộ một ngày lương. Nhờ vậy, đến nay nguồn quỹ đã đạt trên 1 tỷ đồng. Thầy Nguyễn Gia Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Đức cho biết: “Nguồn quỹ góp phần động viên thầy dạy tốt, trò học tốt. Qua đó, giảm thiểu tỷ lệ học sinh vì hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học, đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp, bởi Hiệp Đức là huyện miền núi, có những xã đặc biệt khó khăn, có nhiều học sinh dân tộc thiểu số”. Năm 2018, HKH huyện tuyên dương, khen thưởng, trao học bổng, hỗ trợ khó khăn cho học sinh và kể cả giáo viên gần 8.000 suất với tổng giá trị là 1,796 tỷ đồng. Ngoài ra HKH huyện còn phối hợp với các hội, đoàn thể tranh thủ các nguồn tài trợ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nhiều suất học bổng, xe đạp, tập sách, quần áo và các nhu yếu phẩm để nâng bước học sinh nghèo đến trường. Điển hình như Hội đồng hương Hiệp Đức ở TP.Tam Kỳ, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng...

Nhiều cách làm hay

Bên cạnh đó, HKH huyện còn tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện tốt hướng dẫn đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên luôn được hội quan tâm, đến nay toàn huyện có 121 chi hội và ban khuyến học; tỷ lệ hội viên chiếm 13% dân số toàn huyện. Đây được xem là một hệ thống “chân rết” bảo đảm sâu sát, phát hiện những điển hình, mô hình hiệu quả cũng như hạn chế của phong trào khuyến học khuyến tài tại địa phương. Với phương châm “chỗ nào có tổ chức đảng, có cộng đồng dân cư là ở đó có tổ chức khuyến học”, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo việc phát triển các HKH. Nhờ vậy, hội thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân đóng góp quỹ khuyến học, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Từ các phong trào quần chúng đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như tổ chức cuộc vận động “3 đủ” (đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo), “Tháng chín khuyến học”, “Tiếng trống học đường”, “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”... đã hỗ trợ cụ thể, thiết thực để ngành giáo dục phát triển, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, khơi dậy ý thức vươn lên cho tuổi trẻ. Nhiều nơi, xây dựng tủ sách với nhiều đầu sách hữu ích tại nhà văn hóa thôn; xây dựng sổ vàng truyền thống để nêu gương những người có thành tích cao trong học tập và có đóng góp vào công tác khuyến học. Nhờ đó, công tác tuyên dương khen thưởng, trao tặng học bổng, hỗ trợ đối với những học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập được kịp thời, đúng đối tượng, góp phần quan trọng vào việc cổ vũ, động viên hàng ngàn học sinh, sinh viên vượt qua những khó khăn để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Từ những phần học bổng động viên các em học tập, nhiều em đã thành danh, và đã trở lại quê hương ủng hộ và giúp đỡ thế hệ đàn em sau này học tập nên người. Điển hình như em Lý Giang Huyên ở Quế Thọ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bởi mẹ em bị mù mắt, bản thân em cũng vậy. Nhờ nguồn quỹ khuyến học, em đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định ở TP. Hồ Chí Minh.

Với những thành tích nổi bật đó, nhiều năm liền, HKH huyện Hiệp Đức được Trung ương HKH Việt Nam tặng Cờ thi đua khối 9 huyện miền núi, Cờ dẫn đầu của UBND tỉnh và nhiều bằng khen và thành tích tiêu biểu khác.

HÀ AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội Khuyến học Hiệp Đức: Nhiều cách làm hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO