Hội khuyến học Quảng Nam tại Huế

TRẦN ĐÌNH HẰNG 30/05/2021 07:35

Câu ca “Học trò xứ Quảng ra thi” nói rõ sự hội tụ của miền đất học Kinh sư Huế với khát vọng, tài năng học hành nổi bật của các địa phương. Trong đó xứ Quảng Nam rất đỗi tự hào có những khuôn mặt, sự kiện tiêu biểu như Ngũ phụng tề phi và hoạt động của Hội khuyến học Quảng Nam tại Huế...

Trụ sở Hội Quảng tri tại Huế.
Trụ sở Hội Quảng tri tại Huế.

Từ nhu cầu thực tiễn xã hội bức thiết, những người con xứ Quảng từ nhiều giai tầng xã hội trên đất Kinh kỳ đã lập nên Hội Khuyến học để kịp thời tương trợ cho chuyện học hành của con em xứ Quảng ở Huế. Ngày 25.9.1938, Chánh Hội trưởng Quảng Nam khuyến học hội (Association Quangnamnaise d’Assistance Scolaire) có văn bản đề nghị, bản Điều lệ do quan Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil ký duyệt theo Nghị định 5006 ngày 22.12.1938.

Điều lệ (Chánh Hội trưởng Nguyễn Bá Trác ký ngày 20.4.1939) nhấn mạnh tình cảnh học sinh xứ Quảng ở Huế gặp nhiều khó khăn nên những người tâm huyết đã lập nên hội khuyến học. Mục đích tiên quyết là xây dựng nên một ký túc xá để có chỗ ăn ở, có người trông nom, kêu gọi những “thân thương hào hộ” trong ngoài tỉnh Quảng Nam nặng lòng với quê hương ủng hộ để hội hoạt động.

Hội có hội quán tại Huế, tập hợp học sinh xứ Quảng tại Huế, có cha mẹ ký thác cho hội; chọn người đại diện cho học sinh không có cha mẹ ở Huế, tin báo cho họ biết hạnh kiểm của học sinh; trợ cấp những học sinh nghèo và đặt phần thưởng khuyến học. Hội lập nên ký túc xá để học sinh lưu trú ít tốn kém, tiện lợi. Trong sinh hoạt, hội viên và cả trong ký túc xá, không ai được nói - làm liên quan đến chính trị và tôn giáo.

Hội viên bao gồm hội viên danh dự (các bậc quyền quý, có công giúp hội thành lập, giúp hội phát triển), ân nghĩa (giúp cho hội từ 50đ trở lên), tán trợ (quyên từ 30đ trở lên), vĩnh viễn (hội viên người Quảng Nam góp cho hội một lần 20đ), thiệt thành (hội viên người Quảng Nam góp nguyệt liễm 0,5đ hay đồng niên 5đ, trả một lần).

Tài sản của hội gồm có tiền đóng góp từ hội viên, các ân nghĩa và tán trợ hội viên, tiền quyên, tiền thu còn lại trong các trò vui hay lễ cuộc do hội tổ chức, tiền hoa lợi về đất đai nhà cửa, tiền nhà nước trợ cấp.

Trong quản trị hội, hội có Ban Trị sự với 1 chánh hội trưởng, 2 phó hội trưởng, 1 chánh 1 phó thư ký, 1 chánh 1 phó thủ quỹ, 4 ông cố vấn. Ban Trị sự do Đại hội đồng cử ra trong hạn một năm. Chánh Hội trưởng bàn bạc, thống nhất với Ban trị sự sắp đặt công việc của hội, mọi lúc, mọi trường hợp đều có thể thay mặt hội. Khi Hội trưởng vắng mặt, Phó Hội trưởng lớn tuổi hơn được thay mặt. Hội trưởng phải chịu riêng trách nhiệm về những việc mình tự làm và liên đới trách nhiệm về những công việc đã bàn cùng Ban trị sự.

Ông Chánh thư ký phải thảo biên bản các kỳ họp, xem việc thư tín và giữ gìn sổ sách, giấy má của hội, Giúp việc cho ông có Phó thư ký. Chánh phó thủ quỹ của hội phải giữ tiền bạc, coi sổ sách, thu tiền góp của hội viên, nhận tiền bạc hoặc đồ đạc tặng biếu, chi tiêu theo kế hoạch được duyệt.

Cuối năm, Chánh thủ quỹ phải kê rõ chi thu trình đại hội đồng. Thủ quỹ không được giữ số tiền quá 100đ, số tiền dư phải gửi ngân hàng do ban trị sự định. Khi rút phải có giấy do Hội trưởng và Thủ quỹ ký. Khi nhận được tiền trợ cấp, Thủ quỹ phải xuất biên lai, có chữ ký Hội trưởng. Những khoản chi dưới 20đ, thư ký được phép làm giấy đưa Hội trưởng duyệt, trên 20đ thì do Ban trị sự quyết. Khi nhận tiền nguyệt liễm của hội viên, Thủ quỹ phải xuất biên lai và ghi vào sổ lưu chiểu.

Ban trị sự họp 3 tháng một lần, hoặc khi Hội trưởng thấy cần thiết. Cuộc họp hợp lệ khi có đủ quá nửa hội viên tham dự. Trong Ban trị sự, ai vắng mặt ba kỳ họp không có giấy báo thì coi như từ chức, hội bầu người khác thay thế. Ban trị sự có thể đặt vài đại biểu ở các tỉnh để thu tiền góp của hội viên rồi gửi về thủ quỹ ở Huế.

Mỗi năm đến cuối khóa, Đại hội đồng thường niên họp và cử hai viên kiểm soát để xét lại giấy mực, sổ sách tài chánh, họ phải ký vào tờ trình của các vị thủ quỹ. Đại hội đồng mỗi năm nhóm họp một lần trước lúc nghỉ hè để xét tờ trình của Ban trị sự mãn khóa, bầu Ban trị sự mới và dự trù ngân sách năm sau.

Ngoài Đại hội đồng thường niên, khi cần, Hội trưởng cũng có thể triệu tập Đại hội đồng bất thường, với yêu cầu phải quá bán hội viên. Đại hội đồng do Hội trưởng làm chủ tịch, có thư ký giúp việc. Bầu cử Ban trị sự theo nguyên tắc thông thường, lần đầu lấy đa số tuyệt đối, lần 2 lấy đa số tương đối, các hội viên đều được quyền đầu phiếu. Hội viên không nộp tiền nguyệt liễm 4 tháng liên tiếp thì coi như từ chức, nếu làm điều gì vi phạm tới danh dự của hội thì trục xuất ngay.

Ký túc xá do Chánh - Phó quản đốc (bầu từ hội viên ở Huế, cũng có thể trong Ban trị sự) và 4 ông giám thị cai quản. Quản đốc phải coi sóc về trật tự và kỷ luật nhà học xá, trình Ban trị sự biết những phương pháp hữu hiệu cần thi hành. Khi Quản đốc vắng mặt, Phó Quản đốc được điều hành thay thế.

Ban trị sự có quyền bãi chức Chánh - Phó quản đốc, các giám thị và định đoạt những khoản cho học sinh vào hay đuổi khỏi học xá. Kỷ luật ở học xá sẽ do Ban trị sự thảo định rồi niêm yết công khai để học sinh biết mà thực hiện. Hội khuyến học còn đặt học bổng cấp cho học sinh nghèo hiếu học, đối với học sinh ban cao đẳng tiểu học và trung học. Mỗi năm Ban trị sự định cách thức để cấp học bổng và số tiền mỗi phần. Học bổng sẽ phân phát trong khi nhóm hội.

Đây là nơi tụ hội nhiều nhân tài xứ Quảng để đầu tư cho việc học của con em mình. Tâm huyết của những bậc trí thức xứ Quảng từ đầu thế kỷ 20 như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Liệu, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi... đã cộng hưởng, phát huy rõ nét truyền thống hiếu học của người xứ Quảng, đóng góp cho quê hương đất nước. Vì vậy, Hội Quảng tri, trụ sở Báo và Nhà in Tiếng Dân, Nhà học xá Quảng Nam (đường Huỳnh Thúc Kháng, Huế) là những di sản nổi bật gắn liền với những nhân vật lịch sử nổi tiếng cần được đặc biệt coi trọng trong chiến lược bảo tồn di sản văn hóa liên địa phương xứ Huế - xứ Quảng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội khuyến học Quảng Nam tại Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO