Hội làng, hội xuân bày khắp miền quê Quảng, dù chỉ mang yếu tố tâm linh cho cộng đồng cư dân địa phương cũng đủ để khách tự mình làm những cuộc du xuân…
1. Quảng Nam vẫn còn khá nhiều hội làng mở vào ngày xuân cho người tìm về. Sau hội cầu bông mở mùng 7 tháng giêng tại làng rau Trà Quế (Hội An) luôn ắp đầy người trẩy hội để trải nghiệm đời sống dân dã thông qua các màn tế lễ, nhà nông thi tài và trình diễn ẩm thực làng quê, thì khách có thể tìm đến với lễ rước cộ chợ Được (Thăng Bình), hội Dinh bà Chiêm Sơn (Duy Xuyên) mở vào ngày 11 tháng giêng. Lại có thể cùng đợi giờ vào chùa xin lộc, xin xăm trong ngày Tết Thượng nguyên ở các hội quán chùa chiền trên phố Hội An.
Du xuân làng nghề. |
Lễ hội được chờ đợi nhiều nhất là lễ hội Bà Thu Bồn, mở vào ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch tại làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên). Không gian lễ hội mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian về tục thờ Mẫu của dân Việt, dấu ấn tiếp biến giữa văn hóa tâm linh truyền thống với văn hóa hiện đại của các dân tộc Kinh, Chăm và các dân tộc thiểu số vùng thượng lưu Thu Bồn - Vu Gia. Lễ hội này phô diễn các nghi thức tế lễ mang màu sắc văn hóa hiến tế cổ truyền, làm sống lại các trò chơi dân gian tưởng chừng như đã mất theo thời gian như thi nghé, thả diều, tem trầu, làm bánh quê. Ẩm thực làng quê với nghé nướng, chả cá mòi và tô mỳ Quảng nhưn cá mòi sông cùng men rượu đượm nồng… cũng đủ hấp dẫn khách phương xa.
Uổng thay là lễ hội cầu ngư tại nghĩa địa cá ông lớn nhất miền Trung ở làng đảo Tam Hải (Núi Thành) mở vào khoảng ngày 20 tháng giêng âm lịch hằng năm, giờ đã mất để nhường chỗ cho những dự án du lịch, khiến nhiều người luyến tiếc.
Thi trồng rau và ẩm thực Trà Quế. |
2. Tàn hội Thu Bồn cũng đồng nghĩa với mùa xuân xứ Quảng đã hết. Câu chuyện du xuân hội làng từ nhiều năm nay vẫn thường được cơ quan quản lý du lịch, lữ hành tự cảm rằng nơi hội ấy có trẻ em truyền cho nhau nghe những câu đồng dao, đầy giá trị luân lý, sẽ thấm sâu vào tâm thức mỗi người hoặc những trò chơi dân gian ấy chính là chiếc cầu hòa bình, mở ra sự thông hiểu. Thế nhưng, trừ những lễ hội mở ở “kinh đô du lịch” Hội An luôn ắp đầy khách, thì những hội làng khác dù rất hấp dẫn bởi chất văn hóa dân gian đậm đặc vẫn không được nhiều người biết tới vì ít lời giới thiệu và sự tính toán thiệt hơn của giới lữ hành.
Lễ hội bà Thu Bồn. |
Ở đây cần xác lập một điều: Giới thiệu, chia sẻ và quảng bá về văn hóa địa phương, vùng miền là cơ sở để du lịch tồn tại và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Định vị trong tâm thức của cơ quan quản lý và giới kinh doanh du lịch về du lịch trách nhiệm với cộng đồng và văn hóa kinh doanh chắc phải thêm luận bàn. Bởi họ chính là những người thừa khả năng và kinh nghiệm để đưa ra những ý tưởng, xây dựng những sản phẩm du lịch từ lễ hội, tư vấn, hợp tác giúp cộng đồng cư dân mang khát vọng đưa văn hóa đi xa… Còn nếu cứ vin vào lý do hội làng chỉ mang yếu tố tâm linh cho cộng đồng cư dân địa phương, quá trình tái hiện đời sống xưa chưa chân xác… mà “chối bỏ”, không hề nghĩ đến chuyện đầu tư trước khi hưởng lợi, thì rõ ràng hội xuân sẽ tiếp tục vắng khách.
NAM KHA