Hội làng mùa xuân

XUÂN HIỀN 05/03/2022 07:50

(VHQN) - Dầu thế nào, mùa xuân vẫn là mùa hội lễ. Mùa của đất trời hòa nhịp cùng cây cỏ tươi non. Mùa lòng người rộng mở đón những khởi đầu. Và giêng hai này, đâu thể thiếu những bước chân dự cuộc hội làng...

Giới trẻ mặc cổ phục dự hội đầu xuân. Ảnh: X.H
Giới trẻ mặc cổ phục dự hội đầu xuân. Ảnh: X.H

Hành trang quê hương

Hội ở Quảng Nam vẫn là hội làng chủ yếu. Cuộc sống càng mau lẹ thì lòng người lại càng muốn “quy cố hương” vào những ngày đất trời “nghinh xuân”.

“Quy cố hương” không hẳn chỉ là những cuộc trở về của thực tại. Đó là những lần thổn thức về ngày cũ, khi bất chợt dòng thời gian ảo chạm một khung hình hội làng, khi trong câu chuyện gia đình đầu năm nhắc lại lễ tục quê mình...

Hội lễ thuần hậu là điều mà bao cuộc điền dã, nghiên cứu của những học giả, những nhà văn hóa đúc kết về cuộc hội mùa xuân của xứ Quảng. Lễ hội là bản sắc của vùng đất. Và hội lễ xứ Quảng thuần hậu bởi căn cốt của con người xứ Quảng.

“Bảo tồn di sản văn hóa nói chung, lễ hội dân gian nói riêng cần đặc biệt dựa trên nguyên tắc tính chủ thể của người dân, hay nói cách khác chính là vai trò của cộng đồng trong việc quyết định, lựa chọn sự tồn tại và phát triển các giá trị bản sắc của họ”. 

(Nguyễn Thị Tô Hoài - Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Nhiều nghiên cứu về văn hóa vùng miền cho rằng, so với các lễ hội truyền thống tại miền Bắc, hội làng ở Quảng Nam vẫn giữ cho riêng mình bản sắc lễ hội của vùng đất. Điều này được lý giải bởi quy mô cũng như ý nghĩa riêng biệt của lễ hội ở xứ Quảng.

Nếu lễ hội ở đất Bắc nặng về tín ngưỡng phồn thực thì lễ hội ở miền Trung nghiêng về thần Mẫu và các tổ nghề, tôn vinh nghề trồng lúa nước và cả sự thờ cúng những vị anh hùng lịch sử.

Nhiều lễ hội dân gian truyền thống của xứ Quảng liên quan đến sông nước cùng với tín ngưỡng thờ Bà. Ở dọc các triền sông này, người dân vẫn luôn tự hào vì hội làng và sự tiếp nối việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu qua nhiều thế hệ của xứ sở mình.

Các nghi thức, nghi lễ rước sắc, rước nước, lễ đại tế và các hoạt động văn hóa mang tính truyền thống của cư dân bản địa đi qua hàng trăm mùa xuân, vẫn vẹn nguyên sự thành tâm của cư dân lưu vực sông Mẹ.

Năm 2020, Lễ hội Bà Thu Bồn và Lễ hội Bà Phường Chào - hai lễ hội dân gian truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này khiến hội lễ được chăm chút hơn, và cũng được nhiều người mơ tưởng hơn về quy mô sau này của cuộc hội.

Hẳn nó sẽ đi xa hơn không gian của làng, của người ở làng, để trở thành “thương hiệu” của vùng văn hóa xứ Quảng. Và nó sẽ theo mỗi người đi khắp nơi, như một hành trang quê xứ khiến họ luôn thôi thúc câu chuyện quê hương.

Chủ thể là cộng đồng dân cư

Quảng Nam xác quyết rằng lễ hội truyền thống phải do cộng đồng dân cư làm chủ thể, chính quyền địa phương và ngành văn hóa chỉ là những thành phần hỗ trợ cho hội lễ trở nên bài bản, quy củ hơn.

Hơn 200 cuộc hội lớn nhỏ, kể cả hội làng truyền thống và lễ hội mới phát triển khởi đi từ chính cộng đồng dân cư bản địa, đủ sức để phô bày những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất.

Hội làng luôn là nơi cuốn hút bước chân người tìm đến mỗi mùa xuân. Ảnh: L.T.K
Hội làng luôn là nơi cuốn hút bước chân người tìm đến mỗi mùa xuân. Ảnh: L.T.K

Những cuộc hội làng ngay từ những tháng giêng hai đã khởi đi, đầu tiên từ các tổ nghề truyền thống ở mỗi làng nghề xứ Quảng, rồi đến những bước chân đi quanh làng rước sắc rước thần như Lệ Bà Thu Bồn hay Rước Cộ Bà Chợ Được, tạt qua vùng biển để coi lễ hội Cầu ngư hay lên đến đầu nguồn sông nước để xem hội Khai truông…

Phần nghi thức lễ, dầu có tinh giản bao nhiêu, vẫn khẳng định rằng hồn cốt của lễ còn như buổi ban đầu. Sự hồn nhiên trong cách diễn trò, sự nâng niu tín ngưỡng của mình, nên những bản sắc văn hóa truyền thống trong lễ hội, luôn là thứ thiêng liêng, bất biến. Tự bản thân người dân giữ gìn từ đời này qua đời khác, mỗi mùa giêng hai lại khơi lên kính cẩn với tổ tiên.

Theo các nhà nghiên cứu, ở mỗi lễ hội, “cộng đồng bản địa là người làm nên giá trị lễ hội và quyết định cách thức bảo vệ di sản của họ”. Lễ hội dân gian Quảng Nam được phân thành nhiều hình thái, tồn tại từ vùng núi đến biển đảo, gắn liền với hoạt động sinh kế và ứng xử văn hóa của mỗi cộng đồng. Lưu giữ lễ hội cũng chính là bảo vệ bản sắc văn hóa trước bao nhiêu dòng chảy, trào lưu. Và cũng là giữ lấy mảnh hồn quê xứ trong tim mỗi người...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội làng mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO