Hội LHPN huyện Phú Ninh: Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động

VINH ANH 05/04/2018 13:52

Nhờ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong công tác hội nên những năm gần đây Hội LHPN huyện Phú Ninh đã trở thành một trong những đơn vị mạnh về phong trào thi đua.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan trao cờ đơn vị dẫn đầu cụm phong trào thi đua năm 2017 cho Hội LHPN huyện Phú Ninh. Ảnh: V.ANH
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan trao cờ đơn vị dẫn đầu cụm phong trào thi đua năm 2017 cho Hội LHPN huyện Phú Ninh. Ảnh: V.ANH

Tiếp sức phụ nữ nghèo

Cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị Diện, một hộ nghèo ở thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc được Hội LHPN xã trao tặng máy xay bột theo chương trình “Trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo”. Chị Diệp một thân một mình nuôi 2 con nhỏ, dù rất cố gắng trong lao động nhưng cuộc sống 3 mẹ con mãi chật vật, sống trong căn nhà tạm bợ. Từ khi được Hội LHPN xã Tam Lộc hỗ trợ máy xay bột, hàng ngày chị Diệp dậy sớm xay bột tráng bánh tráng cung cấp cho các chợ, các quán ăn lân cận. Đồng thời chị mạnh dạn mượn thêm tiền từ nguồn vốn xoay vòng của hội để mua heo, bò, gà về nuôi. Khi có sinh kế trong tay, cộng với bản tính cần cù, chịu khó, chỉ hơn một năm sau, gia đình chị Diệp đã có của ăn của để, không còn nằm trong diện nghèo của địa phương. Thoát được cái nghèo, chị Diệp mạnh dạn vay mượn thêm tiền để xây dựng căn nhà mới kiên cố, đàng hoàng hơn. “Trước đây tôi không có phương tiện mưu sinh, suốt ngày bám vào 3 sào ruộng làm quần quật  mà không khá nổi. Từ ngày có cái máy xay bột, rồi nuôi thêm được con heo, con gà nên nguồn thu gia đình tôi cũng khá hơn. Nhờ vậy, cuộc sống của 3 mẹ con tôi cũng đỡ vất vả hơn trước” - chị Diệp tâm sự.

Có rất nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Phú Ninh đã được “tiếp sức” như vậy từ khi Hội LHPN huyện phát động chương trình “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo”. Các hoạt động tiếp sức được các cấp hội phụ nữ hưởng ứng với nhiều cách làm sáng tạo. Bà Vũ Thị Thanh Loan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Ninh cho biết, trong những năm qua, chương trình “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo” đã được các cấp hội triển khai với nhiều mô hình hiệu quả như mô hình “Heo đất tiết kiệm, thóc tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”, “Túi rác tiết kiệm”, “Bát cháo tình thương”… đã giúp cho hơn 200 lượt phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (8.3) hàng năm, Hội LHPN huyện đã tổ chức trao kinh phí cho các cấp hội cơ sở, đơn vị (thông qua việc vận động thực hành tiết kiệm trong hội viên phụ nữ toàn huyện) nhằm ủng hộ trao phương tiện sinh kế, xây dựng mái ấm tình thương, các hoạt động an sinh xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo. Kết quả, năm 2016, hội viên trong huyện đã đóng góp được 200 triệu đồng, năm 2017 được 264 triệu đồng để giúp đỡ, tiếp sức cho phụ nữ nghèo.

Sáng tạo trong hoạt động

Không phải bỗng dưng mà Hội LHPN huyện Phú Ninh xếp vị trí thứ 6 (năm 2016) lại vượt lên dẫn đầu cụm thi đua các huyện đồng bằng năm 2017. Đó là sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết cùng phấn đấu của tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ trên toàn huyện. Những hoạt động nổi bật mà Hội LHPN huyện triển khai trong 2 năm gần đây cho thấy sự mạnh dạn, sáng tạo của Hội LHPN huyện trong việc tổ chức ngày hội của phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ hàng năm. Hai năm liên tiếp (năm 2017 và 2018), Hội LHPN huyện đã tổ chức ngày hội với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, hội viên trong toàn huyện. Đặc biệt, năm 2017 tổ chức một hội trại dành riêng cho chị em phụ nữ cùng gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt. Các hoạt động ý nghĩa như giới thiệu, trưng bày sản phẩm nông nghiệp; tiếp sức phụ nữ nghèo; các hội thi văn nghệ, trò chơi dân gian… đã thu hút, kết nối và gắn kết phụ nữ trong huyện. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện tổ chức các hoạt động giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực địa phương đã để lại ấn tượng mạnh với mọi người. Qua hoạt động này, cho thấy vai trò, sự chung tay của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng xã, thị trấn.

Ngoài ra, với sự mạnh dạn, táo bạo trong hoạt động, Hội LHPN huyện Phú Ninh đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Sen và giao việc quản lý cho Hội LHPN xã Tam An. Lần đầu tiên trong tỉnh có một HTX do phụ nữ thành lập và quản lý từ khi ra đời đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2019. Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, sự ra đời của HTX Nông nghiệp Phú Sen cho thấy sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của Hội LHPN huyện Phú Ninh và Hội LHPN xã Tam An. Việc quản lý, vận hành một HTX là việc không hề dễ dàng, đặc biệt đó là HTX nông nghiệp chuyên sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng thành lập, đến nay HTX Nông nghiệp phú Sen đã trồng hơn 10ha rau các loại với 15 thành viên nữ tham gia. Sản phẩm rau của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và chính thức cung cấp rau an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Phú Ninh và các địa phương lân cận.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội LHPN huyện Phú Ninh: Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO