Hội LHPN Thăng Bình: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm

GIANG BIÊN 07/11/2018 06:53

Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, đó là cách mà Hội LHPN huyện Thăng Bình thực hiện để hội viên phụ nữ có công ăn việc làm ổn định.

Các lớp học nghề do Hội LHPN huyện Thăng Bình phối hợp tổ chức luôn thu hút đông hội viên phụ nữ tham gia. Ảnh: G.B
Các lớp học nghề do Hội LHPN huyện Thăng Bình phối hợp tổ chức luôn thu hút đông hội viên phụ nữ tham gia. Ảnh: G.B

Chị Trần Thị Đào ở thôn Hiền Lương, xã Bình Giang, thuộc diện hộ cận nghèo, quanh năm tần tảo với nghề trồng trọt và chăn nuôi nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá. Tháng 8.2017, chị  Đào tham gia lớp dạy nghề chế biến sản phẩm từ thịt do Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng phối hợp với Hội LHPN huyện và Hội LHPN xã Bình Giang tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, chị Đào đã được trang bị những kiến thức cơ bản về cách làm chả từ thịt heo, thịt bò. Nhờ đó, chị  cùng với 2 chị em khác trong lớp đầu tư gần 10 triệu đồng để mua máy móc và thành lập tổ  làm  chả tại nhà.  Mỗi ngày, tổ  làm chả của chị cung cấp ra thị trường 15 - 20kg chả thịt, vào các dịp lễ tết, số lượng tăng gấp đôi. Các mối bán hầu hết được đặt trước, thỉnh thoảng dư một ít, các chị đem ra chợ Bà tiêu thụ. Bởi sản phẩm chả của tổ đảm bảo an toàn và có chất lượng thơm ngon. Bình quân  mỗi chị em trong tổ hợp làm chả tại nhà  có thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Đào cho hay, nếu như không tham gia khóa đào tạo nghề có lẽ chị cũng không biết đến nghề làm chả. Theo chị Đào, hiện tổ hợp làm chả tại nhà của chị đã có đề án xin hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình khuyến công của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thăng Bình để đầu tư móc máy, trang thiết bị hiện đại hơn nhằm tăng sản lượng, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Chị Nguyễn Thị Cảnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Giang, cho biết, việc đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ là một hướng đi đúng đắn. Bởi hiện nay, hầu hết phụ nữ trẻ đều đi làm ăn xa, chỉ còn lại những người lớn tuổi. Mà người lớn tuổi thì không thể làm những công việc nặng nhọc, do vậy chỉ có việc đào tạo nghề phù hợp mới thu hút các hội viên tham gia. Trước khi tổ chức các lớp học nghề do Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức, Hội LHPN xã đều thông báo trên đài truyền thanh xã và yêu cầu các chi hội phổ biến cho chị em để ai có nhu cầu thì đăng ký tham gia học nghề. Khi hội viên đăng ký,  Hội LHPN xã khảo sát kỹ từng đối tượng học viên theo học đúng nghề, đúng độ tuổi. Có như vậy, sau học nghề, chị em mới áp dụng vào thực tế, nâng cao thu nhập.

Với phương châm “hội viên phụ nữ cần nghề gì học nghề ấy” và chương trình đào tạo theo phương pháp cầm tay chỉ việc, giúp cho học viên dễ hiểu, dễ nắm bắt kiến thức và vận dụng vào thực tế sau khi được học nghề. Nhờ vậy, số hội viên phụ nữ được học nghề đều phát huy được kiến thức “học đi đôi với hành”, không có trường hợp lãng phí thời gian, kinh phí đào tạo. Ngoài ra, học viên phụ nữ sau khi học nghề quay lại tư vấn, hướng dẫn giúp cho nhiều chị em khác cùng áp dụng nghề theo cách “người biết dạy cho người chưa biết”.

Bà Nguyễn Thị Pho - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho biết, để việc tổ chức dạy nghề hàng năm đạt kết quả, Hội LHPN huyện phối hợp với các cấp hội phụ nữ cơ sở tiến hành điều tra thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu nghề cần học, đối tượng học, thời gian học, đảm bảo đúng nhu cầu thật sự của hội viên phụ nữ. Chính vì vậy, các lớp dạy nghề do hội phối hợp đào tạo luôn thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các ngành liên quan mở được 9 lớp đào tạo nghề với gần 300 hội viên phụ nữ tham gia như lớp chế biến món ăn, chế biến các sản phẩm từ thịt gia súc, lớp chế biến rau hữu cơ, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi và lớp trồng rau an toàn. Sau học nghề, chị em đã biết áp dụng vào thực tiễn và có thu nhập ổn định từ nghề đã học.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội LHPN Thăng Bình: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO