Tiếp chúng tôi tại nhà thờ tộc khang trang, bề thế, ông Võ Văn Hoài - Trưởng tộc Võ Văn phấn khởi khoe, có được nhà thờ tự như thế này, vai trò của Hội nàng dâu tộc này vô cùng quan trọng. Đây là mô hình hay với nhiều hoạt động hiệu quả, cùng giúp nhau phát triển kinh tế và góp phần giữ gìn nền nếp dòng tộc…
Hội đồng gia tộc Võ Văn Bình An chánh (xã Bình An, Thăng Bình) được thành lập vào năm 1998. Khi ấy, nhiều gia đình trong tộc còn khó khăn nên phải bươn chãi. Rồi cuộc sống của một số hộ trong tộc trở nên khấm khá, nhưng chưa có ai tự mình nghĩ đến việc bỏ một số tiền lớn để cất một nhà thờ tự khang trang hay nghĩ đến chuyện cùng nhau chung góp để làm nên. Năm 2011, Hội nàng dâu tộc Võ Văn Bình An chánh chính thức ra đời. Ban đầu thành lập, hội bầu ra ban chấp hành gồm 11 chị được cơ cấu 3 thế hệ. Trong cuộc gặp mặt lần đầu tiên, nhiều nàng dâu nghẹn ngào khi phải sinh hoạt trong điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn. Cùng chung nỗi trăn trở với các chị em nàng dâu, ban chấp hành hội đã đứng ra kêu gọi, vận động chị em nàng dâu phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với tộc họ. Ngay sau đó, lời kêu gọi của hội đã được 100% chị em dâu trong tộc họ hưởng ứng tích cực. Mỗi gia đình trong tộc đóng góp 1,5 - 5 triệu đồng. Chỉ trong vòng 1 tháng, số tiền vận động đã được trên 400 triệu đồng từ các gia đình. Rồi trong năm 2012, nhà thờ tộc Võ Văn Bình An chánh được khánh thành trong sự vui mừng của cả dòng tộc.
Nhà thờ tộc Võ Văn được xây dựng khang trang. Ảnh: G.BIÊN |
Theo chị Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội nàng dâu tộc Võ Văn Bình An chánh, ban đầu vận động xây dựng nhà thờ tộc chỉ thông qua người đàn ông trong gia đình, nhưng rồi cũng chưa đi đến đâu. Đến khi thành lập được Hội nàng dâu, ban chấp hành thường xuyên tổ chức sinh hoạt để chị em nàng dâu gặp gỡ, hiểu biết lẫn nhau, dần dần vai trò, trách nhiệm của Hội nàng dâu được gắn với trách nhiệm trong việc xây dựng tộc họ. “Thực ra khi cầm trên tay 400 triệu đồng, chúng tôi cũng thực sự ngỡ ngàng. Chị em phụ nữ không phải là trụ cột chính trong gia đình, nhưng họ là chùm chìa khóa tài chính trong gia đình. Mọi chi tiêu lớn nhỏ đều do một tay phụ nữ đảm nhận. Do vậy, họ hiểu việc gì cần, việc gì quan trong để chi tiêu cho phù hợp” - chị Hương nói. Nhà thờ tộc Võ Văn được xây dựng đã trở thành nơi sinh hoạt của chị em Hội nàng dâu. Tại mỗi dịp sinh hoạt, ban chấp hành hội đã triển khai nhiều hoạt động sâu rộng tới chị em nàng dâu. Một trong những hoạt động thiết thực của hội là phát động phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng tộc họ văn hóa. Song song với công tác xã hội, Hội nàng dâu tộc Võ Văn cũng chú trọng đến hoạt động của hội. Để đảm bảo cho hoạt động của hội, ban chấp hành đã phát động phong trào xây dựng quỹ hội bằng cách vận động mỗi nàng dâu cho mượn từ 200 nghìn đồng trở lên để làm quỹ giúp chị em vay vốn với lãi suất thấp. Qua 5 năm, quỹ hội tồn hơn 50 triệu đồng. Từ số tiền này, hội ưu tiên cho các nàng dâu khó khăn có nhu cầu vay mượn để phát triển kinh tế. Từ số lãi hằng năm, hội đã tổ chức thăm đau ốm, viếng hương và tổ chức các buổi gặp mặt nàng dâu.
Qua 5 năm hoạt động, đến nay Hội nàng dâu tộc Võ Văn có 195 nàng dâu thuộc 9 chi, 3 phái đang sinh sống tại các địa phương như Bình Trung, Bình Chánh, Bình An, TP.Hội An, TP.Tam Kỳ. Tại các chi, phái, Hội nàng dâu đều bố trí người phụ trách để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mỗi thành viên. Ông Võ Văn Hoài - Trưởng tộc Võ Văn cho biết, từ khi được thành lập cho đến nay, Hội nàng dâu hoạt động rất hiệu quả. Nhiều mô hình hay đã được hội vận dụng, linh hoạt thiết thực vào từng đời sống gia đình trong tộc. Hội nàng dâu cùng với hội đồng gia tộc đã góp phần làm nên văn hóa riêng của tộc Võ Văn…
GIANG BIÊN