(QNO) - Sáng 23.6, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á lần thứ 34 (ASEAN - 34) sẽ chính thức khai mạc tại Thái Lan với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững”.
Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm nay được tổ chức trong nhiệm kỳ luân phiên Chủ tịch ASEAN của Thái Lan. Hội nghị cấp cao ASEAN - 34 tập trung thảo luận phương hướng nhằm thúc đẩy tính bền vững trên cả 3 trụ cột hợp tác của ASEAN: cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa - xã hội, cùng với mở rộng quan hệ với các bên đối tác vì mục tiêu này.
Với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững” bao trùm xuyên suốt các cuộc họp của ASEAN trong năm 2019. ASEAN với trọng tâm tạo ra một khu vực kết nối trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi kỹ thuật số và chuỗi giá trị toàn cầu.
Cạnh đó, chủ đề cũng nhằm củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực vì tương lai bền vững, lấy con người làm trung tâm, số hóa tăng trưởng toàn diện, xanh, an ninh con người và kết nối liên tục 625 triệu dân của khu vực, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, đặc biệt là với việc “không để ai bị bỏ lại phía sau và hướng tới tương lai” là một trong những chương trình nghị sự chính.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, Hội nghị cấp cao ASEAN - 34 cũng tập trung với việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, củng cố đoàn kết ASEAN, an ninh mạng, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, ôn nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa và rác thải điện tử, buôn bán người và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Theo các nhà quan sát, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang chắc chắn thu hút sự chú ý của các thành viên ASEAN.
ASEAN duy trì tăng trưởng và liên kết kinh tế, gia tăng thương mại, đầu tư. Đặc biệt tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, có nhiều kỳ vọng rằng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được chờ đợi từ lâu có thể được ký kết trong năm nay.
Khi đó, RCEP sẽ trở thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm hơn 30% GDP toàn cầu; có dân số lên tới 3,4 tỷ người. RCEP cũng được đánh giá sẽ tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng, mấu chốt giúp ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ đạt mức 5,8% vào năm 2019 và nền kinh tế ASEAN được coi là một điểm sáng nổi bật với tốc độ tăng trưởng ổn định. ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030.
Hội nghị cấp cao ASEAN dự kiến sẽ thông qua 4 tuyên bố chính: Tuyên bố tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về quan hệ đối tác vì sự bền vững, Tuyên bố cấp cao về Năm văn hóa ASEAN 2019, Tuyên bố Bangkok về chống rác thải nhựa trên biển và Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.