LTS: Ngày mai 31.10, Báo Quảng Nam tổ chức hội nghị cộng tác viên (CTV) năm 2015, tri ân những người đã đồng hành với tờ báo trong suốt một năm qua. Đây cũng là dịp để Báo Quảng Nam lắng nghe góp ý của CTV để tiếp tục có những định hướng, giải pháp thật hiệu quả, khả thi về phát triển báo in, báo điện tử trong thời gian đến.
Sát cánh cùng Quảng Nam online
Năm 2015, Báo Quảng Nam đẩy mạnh phát triển báo điện tử song hành báo in. Nhờ đầu tư và ứng dụng dự án xây dựng tòa soạn điện tử, trang tin điện tử của Báo Quảng Nam đã đáp ứng đầy đủ tính năng của một tờ báo điện tử chuyên nghiệp và hiện đại, phù hợp với một kênh truyền thông đa phương tiện trên môi trường mạng. Đến nay, báo Quảng Nam điện tử đã hội tụ đầy đủ các loại hình báo chí gồm: báo nói (audio), báo điện tử, báo hình.
Cùng với các phụ trang Nông thôn mới, Người Quảng xa quê, Đầu tư - Du lịch (tiếng Anh), tháng 11.2014, báo Quảng Nam điện tử đã ra mắt chuyên mục Truyền hình online, góp phần làm đa dạng thêm sản phẩm của báo điện tử nói riêng, Báo Quảng Nam nói chung. Phó Thư ký Tòa soạn phụ trách báo Quảng Nam điện tử Doãn Thành Trí cho biết, mới hình thành trong thời gian ngắn, điều kiện nguồn lực tại chỗ thiếu và yếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, chính lực lượng CTV đã góp một phần đáng kể để chuyên mục Truyền hình online có những bản tin, video clip, phóng sự… nội dung phong phú, khuôn hình đẹp. Để chương trình điểm tin tức - sự kiện phát đều đặn, ổn định vào thứ Bảy hằng tuần, phải kể đến sự cộng tác tích cực, làm việc chủ yếu ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ của CTV Mỹ Linh (Tỉnh đoàn Quảng Nam) và CTV Hồng Anh (Bộ đội Biên phòng tỉnh).
Công việc bếp núc của Tòa soạn Báo Quảng Nam và Công ty In và phát hành sách Quảng Nam được ghi nhận qua phóng sự “Đồng hành với đại hội”. (Ảnh cắt từ clip truyền hình online) |
Nhiều CTV đã đáp ứng tốt yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời, đáng tin cậy cho Tòa soạn trong nhiều sự kiện “nóng” hay thiên tai, mưa bão; nhất là ở các địa bàn xa xôi, cách trở, phóng viên khó có mặt tại hiện trường. CTV Văn Hào là người đầu tiên gửi thông tin về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở đèo Lò Xo và ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở Phước Lộc (Phước Sơn). Hay như trong số 11 phim chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI vừa qua, CTV đã tham gia thực hiện đến 9 sản phẩm và hầu hết đều đạt chất lượng. Nhiều CTV cho biết, đợt làm loạt phim liên quan đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh mới đây là quãng thời gian tương đối áp lực với công việc. Áp lực bởi phải thực hiện nhiều phim trong một thời gian ngắn, phải liên hệ, làm việc với nhiều cơ quan để kịp ghi hình, hoàn tất phim phát dịp đại hội. Nhiều hôm, êkíp làm chương trình truyền hình rời cơ quan lúc nửa đêm. Và phải đợi đến khi kết thúc đại hội, rà soát lại các phim đã phát, mới thật sự thở phào vì đã hoàn thành tốt công việc.
Phó Thư ký Tòa soạn phụ trách báo Quảng Nam điện tử Doãn Thành Trí chia sẻ, trong loạt phim chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, vất vả nhất cũng là ấn tượng nhất phải kể đến phóng sự “Đồng hành cùng đại hội” mà Báo Quảng Nam thực hiện trước thềm khai mạc đại hội. Phóng sự này được bộ phận truyền hình phối hợp với CTV thực hiện trong thời gian kỷ lục: chưa đầy 2 ngày, từ khi lên ý tưởng - lên kịch bản thô, quay và dựng. Phóng sự kể về công việc bếp núc của Tòa soạn Báo Quảng Nam, cả báo in và báo điện tử, từ việc điều hành, biên tập, tổ chức số báo đặc biệt chào mừng đại hội cho đến tuần báo đặc biệt phục vụ đại hội. Có thể nói, đây là thời điểm cực kỳ căng thẳng, mọi thành viên của Ban Thư ký kể cả CTV đều tập trung cao độ, không kể giờ giấc... Phóng sự được bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao, được Ban biên tập khen thưởng.
Đối với phụ trang Đầu tư - Du lịch tiếng Anh, ngoài CTV lâu năm Nguyễn Kim Bảo, gần đây còn có sự cộng tác nhiệt tình của thạc sĩ Quỳnh Thư (giáo viên ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Dục (Phú Ninh), Hương Giang (Núi Thành). Thời gian đầu, yêu cầu về cách trình bày, chọn lọc thông tin để dịch, rồi dùng từ sao cho ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và hấp dẫn người đọc… là những khó khăn đối với một số biên dịch viên. Một khó khăn nữa là sự đa dạng tin bài, có những lĩnh vực chuyên môn hóa cao, đòi hỏi các thuật ngữ chuyên ngành mà không phải biên dịch viên nào cũng quen. Tuy nhiên, với sự yêu mến phụ trang Đầu tư - Du lịch tiếng Anh, cùng với trách nhiệm, các CTV luôn chuyển bài dịch đến tòa soạn trong thời gian nhanh nhất có thể với chất lượng đáp ứng yêu cầu.
CHÂU NỮ
Người một nhà
Độc giả hẳn đã quen thuộc với nhiều cây bút gắn bó lâu năm cùng báo Quảng Nam như Phạm Thông, Nguyễn Đông Nhật, Trương Điện Thắng, Trần Tấn Vịnh, Quốc Hải, Đỗ Huấn, Lê Trung Việt… Là cây bút thường xuyên cộng tác với Báo Quảng Nam, nhà báo Trương Điện Thắng chia sẻ, Quảng Nam là mảnh đất giàu truyền thống, màu mỡ về văn hóa nên lôi cuốn, quy tụ nhiều cây bút chuyên nghiệp, uy tín cũng như các nhà văn hóa viết bài cộng tác với báo chí. Và, nhiều tác giả tên tuổi ngoài tỉnh đã chọn Báo Quảng Nam để gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình, trong đó có không ít những người đang sống và làm việc tại TP.Đà Nẵng. Cũng vì lẽ đó, CTV Trương Điện Thắng mong muốn, Văn phòng Đại diện Báo Quảng Nam tại Đà Nẵng cố gắng trở thành nơi giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, bài vở của CTV Báo Quảng Nam ở Đà Nẵng như Hồ Duy Lệ, Lê Thí, Trương Điện Thắng, Nguyễn Nhã Tiên… Cùng suy nghĩ, nhà nghiên cứu - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tấn Vịnh tâm sự, Báo Quảng Nam luôn là nơi để anh gửi gắm những tác phẩm tâm đắc của mình. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, tác phẩm của CTV Tấn Vịnh chủ yếu viết về di sản văn hóa, văn học miền núi và anh chọn Báo Quảng Nam để chia sẻ với bạn đọc ở Quảng Nam những thông tin, kiến thức về văn hóa xứ Quảng. Mới đây, khi điệu lý Cơ Tu ở Quảng Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, CTV Tấn Vịnh có ngay bài giới thiệu đến bạn đọc báo Quảng Nam về di sản này.
Cộng tác viên Xuân Khánh tác nghiệp tại miền núi. |
Báo Quảng Nam hiện có gần 500 CTV, trong đó có hơn 100 CTV thường xuyên. Từ đầu năm đến ngày 15.10.2015, Báo Quảng Nam đăng hơn 1.760 bài, hơn 1.580 tin, 13 phóng sự ảnh của CTV. Hơn 170 lượt CTV bản tin tiếng Anh và hơn 270 lượt CTV tham gia thực hiện video clip. Con số tương ứng của phóng viên là: hơn 2.480 bài, hơn 3.560 tin, 88 phóng sự ảnh, 344 lượt tham gia bản tin tiếng Anh, 248 lượt tham gia video clip. |
CTV Đỗ Huấn (Hội An) chia sẻ, chưa kể các biên tập viên tòa soạn luôn trao đổi, xử lý, góp ý tin, bài khiến CTV luôn cảm kích, thì sự thân tình, chu đáo của nhân viên hành chính đã là động lực để anh cũng như nhiều cây bút khác cộng tác với báo. “Mỗi lần tham dự hội nghị CTV Báo Quảng Nam, tôi có cảm giác như trở về ngôi nhà thân thương của mình” - CTV Đỗ Huấn nói.
PHAN LÊ
Gắn bó và sẻ chia
Nhân dịp Hội nghị cộng tác viên 2015, Báo Quảng Nam giới thiệu một số góp ý của cộng tác viên (CTV) tiêu biểu và mong muốn nhận thêm nhiều ý kiến xây dựng tại hội nghị.
CTV PHẠM THÔNG:
“Mạnh dạn phản ánh góc khuất của chiến tranh”
Tôi chỉ xin đề cập mảng hồ sơ - tư liệu, sở trường của tôi. Theo dõi nhiều tờ báo Trung ương và địa phương trên cả nước, tôi thấy hầu như không tờ báo nào có chuyên mục “Hồ sơ - Tư liệu” độc đáo và có ý nghĩa như báo Quảng Nam. Dù tên gọi có vẻ khô khan nhưng bài viết trong chuyên mục lại mềm mại, dễ đi vào lòng người, do được thể hiện bằng nhiều loại, nhất là thể loại văn học. Đề tài truyền thống, vì thế trở nên hấp dẫn độc giả. Một điểm hấp dẫn nữa, chuyên mục “Hồ sơ - tư liệu” của báo Quảng Nam không chỉ nêu nhưng sự kiện, nhân vật nổi tiếng như chiến thắng Cấm Dơi, anh hùng Đỗ Thế Chấp…, mà còn ca ngợi những tấm gương hy sinh lặng lẽ âm thầm của cán bộ, chiến sĩ, du kích cơ sở, của những con người bình thường trong cuộc chiến ở các vùng miền một cách khá toàn diện: chiến khu, nội thành, miền biển, vùng núi… Và, quan trọng nhất là Báo Quảng Nam đã mạnh dạn phản ánh những góc cạnh, những vấn đề hóc búa, góc khuất của chiến tranh chứ không phải chỉ ca ngợi truyền thống một chiều, chung chung.
CTV NGUYỄN NHÃ TIÊN:
“Đột phá, khai mở là tiếng nói lương tâm của người làm văn hóa”
Tôi cộng tác với Báo Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và Báo Quảng Nam bây giờ đã hơn hai chục năm và cũng chỉ viết loanh quanh mảng văn hóa, văn nghệ trên số Cuối tuần. Tôi nghĩ, chúng ta có một may mắn là được sinh ra trên mảnh đất màu mỡ truyền thống văn hóa, lịch sử. Tôi nghĩ Báo Quảng Nam bấy lâu nay đã chứng tỏ sức vóc của mình khi khai quật tầng vỉa đó. Đương nhiên đấy là con đường thăm thẳm, còn phải miệt mài nhiều hơn nữa. Đây không phải là nói theo kiểu “mẹ hát con vỗ tay” mà xin nêu cụ thể từng nhân vật và sự kiện. Tôi ví dụ thế này: Mấy ai biết được nếu tờ báo Quảng Nam không đưa tin sự kiện văn hóa độc đáo nhất thời bấy giờ, đấy là lịch sử mái tóc ngắn trên đầu mỗi chúng ta. Có người lầm tưởng nó ra đời ở Sài Gòn hay Hà Nội nghìn năm văn vật. Thực tế nó xảy ra tại xứ Quảng này, cụ thể là tại làng Gia Cốc, huyện Đại Lộc vào đầu thế kỷ XX. Và người khởi xướng là cụ Phan Châu Trinh cùng các thanh niên trí thức bấy giờ như: Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Mai Dị... Phong trào này ngày hôm sau được thanh niên Hội An hưởng ứng, và sau đó là cả nước. Có thể kể nhiều hơn nữa những cái báo Quảng Nam đã vượt quá khuôn khổ một tờ báo địa phương trong khả năng cho phép. Và ai bảo như thế này không phải là một sự kiện đột phá của Báo Quảng Nam: Báo Đảng của một địa phương dám tổ chức cuộc thi truyện ngắn trên báo mình. Bạn hãy thử nhìn hơn 60 tỉnh, thành có ai dám như thế, dù họ có thể giàu có hơn. Thế nên đột phá, khai mở cũng là tiếng nói lương tâm của người làm văn hóa.
CTV HỒ TRỊNH QUỲNH THƯ:
“Cần bố trí tin, bài trên báo điện tử đúng chuyên mục”
Thú thật, trước đây tôi ít xem báo, thường chỉ xem các tạp chí chuyên ngành. Từ khi làm CTV trang tiếng Anh của Báo Quảng Nam, tôi truy cập báo Quảng Nam điện tử thường xuyên hơn. Một mặt, để xem tin tức, mặt khác đọc lại các tin mình thực hiện. Đó là cách vừa giúp tôi giải trí, vừa cập nhật thông tin và vừa trau dồi thêm tay nghề. Gần đây, tôi nhận thấy phụ trang Đầu tư - Du lịch cập nhật tin, bài thường xuyên hơn và mang tính thời sự hơn. Bên cạnh đó, còn có riêng chuyên mục tranh ảnh và video clip giới thiệu về phong cảnh, văn hóa và con người đất Quảng, làm phong phú thêm cho chuyên trang tiếng Anh, thu hút bạn đọc ghé thăm. Tuy nhiên, phần lớn tin bài đều cập nhật trên mục tin tức chung (news) mà chưa được cập nhật đúng chuyên mục. Theo tôi, khi bố trí tin, bài đúng chuyên mục, sẽ dễ dàng hơn cho bạn đọc. Ngoài ra, trên báo Quảng Nam điện tử đã có chương trình truyền hình Quảng Nam online rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều xem. Nếu trang tiếng Anh cũng có thể thực hiện được như vậy thì còn gì bằng!
CTV LÊ NĂNG ĐÔNG:
“Hãy nhanh hơn nữa”
Là độc giả, cộng tác viên của Báo Quảng Nam trong suốt thời gian qua, tôi thấy tờ báo đã không ngừng nâng cao chất lượng và hình thức. Cá nhân tôi thấy, báo Quảng Nam là tờ báo có uy tín ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Và tôi rất ấn tượng với những bài viết về lĩnh vực văn hóa, về đề tài chiến tranh cách mạng hay đất và người xứ Quảng. Theo tôi, trong thời gian đến, ngoài tờ báo in, báo Quảng Nam online cần cập nhật thông tin một cách nhanh nhất. Khi đi công tác xa, hay vì lý do nào đó, tôi không có báo in trên tay, nên thường truy cập báo mạng, nhưng thông tin cập nhật chậm. Hay khi tôi đọc các tờ báo mạng khác thấy có những thông tin liên quan đến Quảng Nam. Để xác minh tính chính xác, cụ thể, tôi thử vào website báo Quảng Nam nhưng chưa thấy đưa tin.
Tôi cũng mạnh dạn đề xuất với báo điều này: Những bài viết, bài nghiên cứu về văn hóa, về đề tài chiến tranh cách mạng, đất và người xứ Quảng chúng ta nên phối hợp với Sở VH-TT&DL, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, biên tập, xuất bản thành sách, qua đó góp phần hệ thống, giúp cho việc nghiên cứu, học tập và phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa của mảnh đất xứ Quảng.
LÊ CHÂU (ghi)
Níu giữ tình quê
Đối với các cộng tác viên (CTV) là người Quảng xa quê, việc cộng tác với Báo Quảng Nam chính là một cách níu giữ cái tình với quê nhà. Và tờ báo Quảng Nam cũng là nhịp cầu kết nối những tấm lòng của người xa xứ với quê hương, để họ cảm thấy quê nhà luôn ở rất gần…
Nhà thơ Tường Linh, hiện sống ở TP.Hồ Chí Minh, năm nay 85 tuổi, có thể được gọi là CTV “cây đa, cây đề” nhưng rất thân thiết, gần gũi với Báo Quảng Nam. Trước đây, ông cộng tác với báo Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), sau khi tái lập tỉnh, ông dành hầu hết sáng tác của mình cho Báo Quảng Nam. Ông có rất nhiều bài viết, thơ, tạp bút, truyện ngắn… đăng trên báo Quảng Nam trong gần 20 năm qua. Quê nhà Quảng Nam luôn hiển hiện, khi trầm sâu, khi nhẹ nhàng, lúc bảng lảng trong từng tác phẩm của ông, một người con đã mấy chục năm sống xa quê. Như “Quán đầu ngựa” - tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Quảng Nam năm 2014 - 2015 của ông, dù không đề cập bất cứ địa danh nào, nhưng qua nội dung truyện, qua cách đặt tên nhân vật, độc giả dễ nhận ra rằng, ông viết về ngôi làng thuần nông ven sông Thu Bồn của mình. Chia sẻ với Báo Quảng Nam, ông tâm tình: “Chỉ vì yêu quê hương, yêu con người, yêu cảnh vật, yêu kỷ niệm… ở quê nhà nên tôi gửi vào tác phẩm của mình và chọn tờ báo Quảng Nam để giãi bày nỗi nhớ quê, nhớ từng con người, nhớ đến từng nụ cười, tiếng khóc… của người thân”. Khi theo dõi thông tin, được biết Quảng Nam khánh thành cây cầu mới, thế là ông sáng tác ngay truyện ngắn “Ông già lái đò và cây cầu mới” (truyện đăng trên báo Quảng Nam số đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh mới đây - NV). Vì tuổi cao, mắt kém, ông không thể đọc báo điện tử, chỉ đọc được báo giấy nên trân quý từng tờ báo biếu và vẫn lưu giữ cẩn thận gần 20 năm qua.
Những CTV xa quê dường như đều có chung nỗi niềm như nhà thơ Tường Linh. CTV Võ Thị Thanh Bình (bút danh Bình Chi, quê Đại Lộc, Quảng Nam, công tác tại Gia Lai) tâm sự: “Xa quê, nên hầu như ngày nào tôi cũng truy cập báo Quảng Nam điện tử ít nhất một lần để đọc, nắm bắt thông tin ở quê nhà. Nhờ vậy, nên dù ở xa, nhưng tôi vẫn thấy khoảng cách giữa tôi và Quảng Nam vẫn rất gần. Khi biết báo Quảng Nam có phụ trang “Người Quảng xa quê”, đã tôi viết bài cộng tác. Bài viết của tôi chủ yếu là hoài niệm về những ký ức khi sống ở quê. Cảm ơn Báo Quảng Nam đã giúp kết nối tấm lòng của những người con xa quê với quê hương, để họ thấy rằng, quê nhà luôn gần gũi, dù ở cách xa bao nhiêu đi nữa...”.
BẢO LÂM
Chỉ cần có tấm lòng
Chỉ cần có tấm lòng, chúng ta có thể giúp được một gia đình, một cá nhân thay đổi cuộc đời của họ.
Năm 2013, khi Báo Tuổi Trẻ phát động chương trình học bổng “Bạn tôi - người vượt khó”, tôi giới thiệu tới chương trình 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi và cả hai đều nhận được học bổng. Suất học bổng tuy không quá lớn về mặt tài chính nhưng đủ để các em nhận thức được cuộc sống này luôn có những tấm lòng san sẻ yêu thương, để thấy cuộc đời đáng yêu, đáng sống, để thấy mọi cố gắng đều được đền đáp, cũng như thấy rõ hơn trách nhiệm bản thân với cuộc sống, cộng đồng.
Tác giả trao quà của bạn đọc Báo Quảng Nam hỗ trợ anh Lê Văn Hùng. |
Gần đây nhất, thông qua sự đóng góp của bạn đọc Báo Quảng Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng và sự góp sức của các mạnh thường quân, tôi đã đại diện trao hỗ trợ con bò trị giá 15 triệu đồng cho gia đình anh Lê Văn Hùng, thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, Nông Sơn (nhân vật của tôi trong bài viết “Ước mong của đôi vợ chồng trẻ”, Báo Quảng Nam đăng ngày 24.7.2015). Tôi rất hạnh phúc và tự xem đó như là một khoản “nhuận bút” lớn nhất mà tôi nhận được từ trước đến nay trong “sự nghiệp” gần 10 năm tham gia làm cộng tác viên các cơ quan báo chí. Tính ra, riêng qua kênh báo chí, tôi đã viết bài kêu gọi được gần 150 triệu đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn, ít thì vài triệu, nhiều nhất là 25 triệu đồng.
Nhờ có báo chí mà tôi giúp được không ít hoàn cảnh, số phận không may trong xã hội vơi đi phần nào gian khó. Những em học sinh tôi giới thiệu nhận học bổng cũng cảm thấy được an ủi và có niềm tin hơn trong cuộc sống; những hộ gia đình có thêm phương tiện sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình sau khi nhận được tiền từ sự hỗ trợ của độc giả thông qua cơ quan báo chí đã sử dụng đồng tiền hiệu quả.
Có thể nói, báo chí là kênh làm rất tốt các hoạt động an sinh xã hội. Hiện nay, rất nhiều bạn đã chọn cách thông qua báo chí, cũng như thông qua facebook để kêu gọi các mạnh thường quân cứu giúp các mảnh đời bất hạnh. Và thực tế, rất nhiều trường hợp đã nhanh chóng nhận được sự đồng cảm. Ở Quảng Nam, các bạn đoàn viên thanh niên đang vận động nhau viết bài cho chuyên mục Nhịp cầu nhân ái hay Địa chỉ từ thiện trên báo Quảng Nam, báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Tuổi Trẻ với mong muốn cộng đồng xã hội quan tâm, chia sẻ, để cuộc sống ngày thêm ấm áp tình người.
LÊ THIÊN NGÂN