Hội nghị đặc biệt của Hội đồng điều hành Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển khu vực châu Á (ReCAAP-ISC) lần thứ 3 vừa được tổ chức tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Hội nghị ReCAAP-ISC lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong bối cảnh tình trạng cướp biển ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng tại khu vực châu Á, đặc biệt ở vùng eo biển Malacca và eo biển Singapore, nơi có một phần ba lượng hàng hóa toàn cầu đi qua. Trong đó, gần như toàn bộ lượng dầu thô được vận chuyển từ Trung Đông tới Đông Á, đều qua khu vực chiến lược này.
Tàu bè qua lại nhộn nhịp tại eo biển Malacca. |
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2013, thế giới đã xảy ra 264 vụ cướp biển, giảm 11% so với năm 2012 và 41% so với năm 2011, số tiền chuộc mà cướp biển đòi được cũng giảm từ 150 triệu USD năm 2011 xuống 60 triệu USD trong năm 2013, nhưng ở khu vực Đông Nam Á, các vụ tấn công của hải tặc lại gia tăng, từ 46 vụ năm 2009 lên 128 vụ năm 2013. Trong năm 2014, một loạt vụ cướp nghiêm trọng như vào ngày 9.10, tàu chở dầu Sunrise-698 chở 18 thuyền viên của Việt Nam vừa rời khỏi cảng Horizon của Singapore để trở về nước đã bị cướp biển tấn công, lấy đi khoảng 1.500 tấn dầu và đánh đập 2 thuyền viên Việt Nam bị thương. Nghiêm trọng hơn, vào ngày 7.12, tàu VP ASPHALT 2 của Việt Nam với 16 thuyền viên, chở 2.300 tấn nhựa đường lỏng hành trình từ Singapore về Việt Nam bị cướp biển tấn công, khi cách Singapore khoảng 60 hải lý, làm một thuyền viên tử vong. Hay vào tháng 5, chiếc tàu chở dầu của Thái Lan MT Orapin, đi từ Singapore đến Indonesia, bị cướp biển tấn công trên đảo Bintan, phía bắc Indonesia và hút 3.400 tấn dầu sang một tàu khác. Ngày 23.4, tại eo biển Malacca (khu vực bờ tây biển Malaysia), tàu chở dầu Nhật Bản đã bị cướp biển có vũ trang tấn công, cướp đi một lượng lớn dầu trên tàu. Ngày 16.7 tàu chở dầu của Malaysia, xuất phát từ Singapore đến Malaysia, cũng bị cướp biển tấn công, cướp đi 2.500 tấn dầu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị ReCAAP-ISC đến từ 20 quốc gia thành viên nhận định, tại khu vực châu Á, mỗi năm có hàng chục nghìn tàu bè lưu thông, nhìn chung vẫn rất an toàn nhưng số vụ tấn công gia tăng trong vùng gây nhiều lo ngại. Vì vậy, chỉ có phối hợp chặt chẽ với nhau, khu vực châu Á mới có thể ngăn chặn được nạn cướp biển và diệt trừ các nhóm hải tặc.
Hội nghị ReCAAP-ISC tập trung thảo luận về các vấn đề then chốt trong cuộc chiến chống cướp biển như nâng cao năng lực của các đầu mối chia sẻ thông tin thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng công nghệ cao trong việc thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin; tăng cường mối quan hệ giữa các trung tâm đầu mối chia sẻ thông tin với cộng đồng hàng hải; hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật nhằm chia sẻ thông tin và phản ứng kịp thời khi có vụ việc xảy ra; vấn đề mở rộng thành viên; và tương lai của ReCAAP-ISC.
QUỐC HƯNG