Hội nghị lần thứ 12 của Tỉnh ủy khóa XXII: Nhận diện những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn

T.C - N.Đ 06/07/2023 18:06

(QNO) - Nhiều vấn đề sát sườn với thực tiễn đời sống người dân được mổ xẻ, thảo luận tại Hội nghị lần thứ 12 của Tỉnh ủy khóa XXII, khai mạc vào sáng nay 6/7.

Nhiều địa phương miền núi luôn thường trực nỗi lo thiếu giáo viên đứng lớp trước thềm năm học mới. Ảnh: P.V
Nhiều địa phương miền núi luôn thường trực nỗi lo thiếu giáo viên đứng lớp trước thềm năm học mới. Ảnh: P.V

Trong khi các đại biểu ở miền núi lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất dạy học còn khó khăn thì ở đồng bằng, nhiều người dân kiến nghị gặp khó trong quá trình làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Chưa cân bằng trong giáo dục

Đề cập thực trạng giáo dục hiện nay, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, ngành giáo dục phát triển đều về cả quy mô lẫn chất lượng. Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục được sắp xếp phù hợp theo Quyết định 2428 của UBND tỉnh ban hành năm 2019.

Năm 2022, điểm thi bình quân THPT của Quảng Nam xếp thứ 37/63 tỉnh, thành của cả nước. Về chất lượng mũi nhọn, nếu xét từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên thì đội tuyển học sinh giỏi Quảng Nam đứng ở top đầu. Mỗi năm, Quảng Nam có hơn 40 giải quốc gia, đặc biệt năm 2023 có 42 giải, có thí sinh chọn vào đội tuyển thi Olympic quốc tế và đạt huy chương vàng.

Ông Đoàn Văn Thông - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn chia sẻ về nỗi lo thiếu giáo viên của miền núi. Ảnh: P.V
Ông Đoàn Văn Thông - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn chia sẻ về nỗi lo thiếu giáo viên của miền núi. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, cái khó của ngành giáo dục là chênh lệch về chất lượng dạy học ở miền núi và đồng bằng. Miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nhiều điểm trường vẫn còn tạm bợ, trong khi Bộ GD-ĐT vừa nâng chuẩn đối với cơ sở giáo dục khiến một số trường có nguy cơ tụt hậu.

“Đội ngũ giáo viên thừa thiếu cục bộ, có nơi hoặc có môn giáo viên thừa, nhưng ở nơi khác, môn khác lại thiếu trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cần có sự quan tâm phù hợp, theo đúng quan điểm ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư phát triển giáo dục đào tạo như trong nghị quyết đề ra” - ông Thái Viết Tường nhấn mạnh.

Ông Đoàn Văn Thông – Bí thư Huyện ủy Phước Sơn nói, năm nào địa phương cũng đối mặt với nỗi lo thiếu giáo viên. “Ở các địa bàn miền núi, việc giữ chân giáo viên rất khó. Bất cập là các địa phương tổ chức thi không đồng loạt, có tình trạng giáo viên thi ở nhiều địa phương, nếu trúng tuyển cùng lúc ở miền núi và đồng bằng thì chọn công tác ở đồng bằng, không nhận nhiệm sở miền núi. Điều này gây bị động cho địa bàn miền núi sau thi tuyển” - ông Thông nói.

Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My nêu ra các khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư theo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ảnh: P.V
Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My nêu ra các khó khăn trong giải quyết đất sản xuất cho người dân miền núi. Ảnh: P.V

Loay hoay làm hồ sơ đất đai

Đại biểu Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin, tình trạng người dân gặp vướng mắc trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) còn phổ biến ở nhiều nơi, xảy ra tình trạng trục lợi trên quyền lợi chính đáng của dân.

Theo ông Phước, người dân khi đi làm sổ đỏ có trường hợp cán bộ, công chức ở cơ sở lẫn văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn không tới nơi tới chốn, dẫn đến hành dân. Phải điều chỉnh để đảm bảo thuận lợi nhất cho quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó có việc cấp sổ đỏ đúng hạn, theo quy định cho người dân. 

“Nhân dân ở một số vùng dự án chưa được bố trí tái định cư, hoặc bố trí tái định cư nhưng vẫn chưa cấp sổ đỏ, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của dân. Đơn thư đất đai gia tăng cho thấy sự giải quyết chưa tốt từ các cấp; do đó Tỉnh ủy cần có những chỉ đạo phù hợp, cấp thiết để chấn chỉnh” – ông Dương Văn Phước nói.

Người dân ở gần dự án Nam Hội An vẫn đang gặp vướng mắc lớn khi làm thủ tục cấp sổ đỏ sau khi tái định cư. Ảnh: P.V
Người dân ở gần dự án Nam Hội An vẫn đang gặp vướng mắc lớn khi làm thủ tục cấp sổ đỏ sau khi tái định cư. Ảnh: P.V

Thống nhất với 5 tồn tại, hạn chế được nhìn nhận tại báo cáo tình hình thực hiện các mặt công tác 6 tháng đầu năm, ông Phan Minh Dũng – Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho rằng, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai (quản lý hiện trạng, xác nhận nguồn gốc đất...), môi trường, tài nguyên khoáng sản... của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều bất cập, chưa được xử lý, khắc phục.

Tình hình an ninh mạng, bảo mật thông tin, tội phạm (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm công nghệ cao...), vi phạm pháp luật (cờ bạc, ma túy, trộm cắp, khai thác khoáng sản trái phép...) còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Rồi vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài liên quan đến đất đai vẫn còn xảy ra. Việc tổ chức thi hành một số bản án hành chính của chính quyền các cấp còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ông Phan Minh Dũng đề xuất Tỉnh ủy cần nghiên cứu có giải pháp chuyên đề để triển khai tháo gỡ 5 hạn chế đã nhìn nhận trong báo cáo.

"Trong thời gian tới, chúng ta đặt vấn đề đối với công tác xây dựng Đảng phải quyết liệt hơn nữa. Trong đó, công tác cán bộ và đánh giá cán bộ, phát triển đảng viên vừa gắn với số lượng nhưng không xem nhẹ chất lượng.

Có thực tế, đơn thư bây giờ quá nhiều, nhưng tiếp nhận thì chuyển vòng quanh, nhiều vấn đề cơ quan chức năng không xử lý nổi. Muốn cho Đảng mạnh, thì Đảng phải phát hiện cho được tiêu cực để “chống”, những đảng viên kém phẩm chất phải được sàng lọc, xử lý…"

(Ông Vũ Văn Thẩm – Bí thư Huyện ủy Phú Ninh)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội nghị lần thứ 12 của Tỉnh ủy khóa XXII: Nhận diện những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO