Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp toàn cầu năm 2016 là cơ hội gặp gỡ, trao đổi ý kiến và tìm cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp toàn thế giới.
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 22.6 tại Palo Alto, bang California (Mỹ), nơi có thung lũng Silicon dành cho lĩnh vực công nghệ cao nổi tiếng thế giới. Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Summit - GES) do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng từ năm 2010, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các doanh nghiệp trên toàn thế giới. GES năm nay thu hút sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu là các lãnh đạo doanh nghiệp, diễn giả, các nhà đầu tư và đặc biệt là nhà lãnh đạo trẻ của các công ty khởi nghiệp (start-up) đến từ hơn 170 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 8 đại biểu tham dự là các nhà doanh nghiệp trẻ Nguyễn Bá Hội (Fablab Danang, Gogohab), Nguyễn Thị Thùy Trang (Emwear), Bùi Hải An (Silicon Straits), Nguyễn Trung Nguyên (Askdoctors), Phạm Tấn Phúc (Gcall Vietnam Pte Ltd.)…
Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook là một trong những doanh nhân nổi tiếng toàn cầu tại CES 2016. (Ảnh: Forbes) |
Dự kiến vào ngày cuối cùng và chính thức của GES 2016, Tổng thống Barack Obama sẽ tham dự, chủ trì và có bài phát biểu trước các doanh nhân tiêu biểu toàn cầu. Ông Obama cũng chính là người khởi xướng tổ chức Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á vào năm 2013 với mục đích kết nối các thủ lĩnh trẻ đang lên trong độ tuổi 18 - 35 ở 10 nước thành viên của khu vực, nhằm chung tay giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới. |
Một trong những điểm nổi bật của GES 2016 là tiếng nói của các nhà doanh nghiệp trẻ trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và ấn tượng. Trước thềm hội nghị, Petrina Auino-Mwandingi, đồng sáng lập công ty Nature’s Way, trung tâm chuyên kinh doanh về dịch vụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu thiên nhiên tại Namibia phát biểu: “Tôi rất vinh dự được tham gia GES 2016. Đây là cơ hội cho các nhà doanh nghiệp tìm kiếm hợp tác đầu tư. Đặc biệt, tôi sẽ được giới thiệu tiếp cận các trang thiết bị, máy móc hiện đại để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình”. Nữ doanh nghiệp trẻ đến từ Campuchia là Kimsrun Elida (37 tuổi), quản lý công ty Camcona Trading, Campuchia hy vọng sẽ nắm bắt được những ý tưởng đổi mới, kinh nghiệm từ lãnh đạo các công ty khác tại GES 2016 và sẽ tìm thấy đối tác hợp tác tiềm năng. “Doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế quốc gia, tạo công ăn việc làm. Lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân hiện nay tại Campuchia phát triển rất nhanh, nhất là ngành công nghiệp thực phẩm, vật liệu xây dựng. Tôi sẽ chia sẻ nguồn cảm hứng này cho các nhà doanh nghiệp trẻ tại quê hương”.
GES 2016 còn mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới tạo ra những cơ hội mới cho đầu tư, hợp tác, kết nối để góp phần thay đổi thế giới. Trong đó, chương trong nghị sự làm thay đổi xã hội tiếp tục được nhấn mạnh, bắt đầu từ sáng kiến nổi tiếng của nhà kinh tế học người Bangladesh, Mohammed Yunus. Năm 1983, Mohammed Yunus sáng lập Grameen Bank (Ngân hàng nông thôn) với định hướng làm ăn có lãi, không cần thế chấp và khách hàng chủ yếu của Grameen Bank là những phụ nữ nghèo ở vùng nông thôn. Năm 2006, Mohammed Yunus được đồng trao tặng Giải Nobel Hòa bình với chính ngân hàng của ông. Hơn 20 năm kể từ ngày sáng kiến tín dụng vi mô ra đời, Grameen đã có 5,3 triệu khách hàng, tổng số tiền vay là 5,1 tỷ USD giúp hàng triệu người Bangladesh thoát nghèo. Ông thôi việc tại Grameen Bank vào năm 2011 nhưng đến nay, mô hình Grameen Bank được nhiều nước đang phát triển, thậm chí các nước công nghiệp, trong đó có Mỹ áp dụng.
QUỐC HƯNG