(QNO) - Sáng 27.4, thế giới dồn sự chú ý về hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong khi nhiều người trên bán đảo hy vọng về một nền hòa bình cho khu vực.
Cái bắt tay lịch sử giữa nhà hai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP |
“Trang sử mới bắt đầu từ đây… một thời đại hòa bình, đang ở điểm khởi đầu”, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã viết như thế trong sổ khách mới tại Nhà Hòa Bình ngay sau khi ông trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc, kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều năm 1953.
Được xem là ngôi làng gìn giữ hòa bình cho hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, Bàn Môn Điếm (Panmunjom) nằm trong khu phi quân sự DMZ, một trong những khu vực được canh phòng cẩn mật nhất thế giới và là địa điểm ký kết hiệp ước đình chiến năm 1953, giờ đây là nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo của hai miền. Trước đó, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất (năm 2000) và lần thứ hai (2007) đều diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
Trước khi bắt đầu hàng loạt các sự kiện quan trọng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dành cho nhau cái bắt tay lịch sử tại khu phi quân sự liên Triều, rồi nắm tay nhau bước qua đường phân định biên giới hai miền. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói quãng đường ngắn ông bước qua biên giới mất hơn 10 năm mới thực hiện được, nhưng từ bây giờ họ phải gặp nhau thường xuyên hơn. “Chúng ta đừng bao giờ quay trở lại điểm bắt đầu. Hãy tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn - Tôi sẽ làm hết sức mình” - ông Moon Jae-in nói.
Theo kết quả khảo sát của hãng giám sát truyền thông ATAM, hơn 34% khán giả xem truyền hình Hàn Quốc tại thủ đô Seoul theo dõi truyền hình trực tiếp cuộc gặp liên Triều vào sáng 27.4. Nhiều người trong số họ đều nghĩ rằng hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được nhiều kết quả lạc quan cho tiến trình hòa bình trên bán đảo. Baek (25 tuổi), chuẩn bị kết thúc khóa đào tạo quân sự hai năm, cho biết: “Tôi hy vọng các cuộc đàm phán giữa hai miền sẽ chấm dứt những căng thẳng quân sự không cần thiết kéo dài hàng chục năm qua. Tôi vẫn luôn mong đợi về một hiệp ước hòa bình chính thức thay thế cho thỏa thuận đình chiến”.
Người dân tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc theo dõi truyền hình trực tiếp hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào sáng nay 27.4. Ảnh: AP |
Còn Ko Kwan-eum (21 tuổi) nói: “Các cuộc đàm phán có lẽ sẽ không mang lại thống nhất ngay lập tức, nhưng chắc chắn quan hệ giữa hai miền sẽ được cải thiện”. Nhiều người dân Hàn Quốc kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh lần này tạo ra bước ngoặt lớn trong mối quan hệ giữa hai nước, mang đến hòa bình dài lâu trên bán đảo.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này đồng thời mang lại khát khao cháy bỏng cho các cuộc đoàn tụ người thân bên kia biên giới, được cho là cơ hội cuối cùng của những mảnh đời ly tán vì chiến tranh Triều Tiên bởi thời gian với họ gần như sắp hết. Nhiều người qua đời vì tuổi già hoặc nhiều người còn sống cũng đã quá 90 tuổi.
Ông Kwon Moon Kook (87 tuổi) cho hay cuộc chiến tranh bùng nổ đã chia cắt ông khỏi cha mẹ cùng hai người em trai năm ông 19 tuổi. Chưa khi nào ông Kook cầm được nước mắt khi nghĩ về số phận những người thân hiện không rõ tung tích phía Bắc vĩ tuyến 38. Từ năm 2000 đến nay, khoảng 20 chương trình đoàn tụ liên Triều đã được tổ chức nhưng cũng chỉ có khoảng 100 người mỗi bên được tham gia mỗi lần đoàn tụ, chỉ như những hạt cát so với đại dương những người ly tán gia đình vì chiến tranh Triều Tiên. Ông Kwon Moon Kook chưa có cơ hội nào để gặp lại người thân, nhưng những câu chuyện đau lòng như của ông không hề hiếm gặp trên khắp bán đảo Triều Tiên.
KIM OANH