(QNO) - Từ ngày 22 đến 26.5, Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2022 (WEF 2022) diễn ra tại thị trấn Davos của Thụy Sĩ nhằm tìm giải pháp cho tăng trưởng nền kinh tế thế giới.
Sau 2 năm hoãn họp trực tiếp do đại dịch Covid-19, hội nghị của WEF quay lại hình thức trực tiếp vào năm 2022, quy tụ khoảng 2.500 nhà lãnh đạo và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm hơn 50 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, hơn 1.250 nhà lãnh đạo từ khu vực tư nhân, gần 100 nhà tiên phong công nghệ và đổi mới toàn cầu...
Chủ đề của hội nghị WEF năm nay là đối phó với các thách thức địa - kinh tế chưa từng có đang tác động tới một thế giới đa cực.
Ông Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch điều hành của WEF cho biết, WEF 2022 là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên để các nhà lãnh đạo toàn cầu lại với nhau trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 và xung đột.
“Xung đột, dịch bệnh và khủng hoảng khí hậu làm trật bánh phục hồi toàn cầu. Những vấn đề đó phải được đối mặt ở Davos. Cạnh đó, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cần được chúng ta quan tâm ngay lập tức” - ông Klaus Schwab nói.
Cuộc gặp của hàng nghìn lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và giới học giả cho thấy sự cần thiết của một nền tảng toàn cầu đáng tin cậy để định hướng hành động nhằm đối đầu với các thách thức toàn cầu.
WEF 2022 tập trung thảo luận các chủ đề chính bao gồm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và khu vực để đảm bảo sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, định hình kỷ nguyên tăng trưởng mới, xây dựng xã hội lành mạnh và bình đẳng, ngăn chặn biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và khai thác sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong 2 năm qua, WEF tăng cường các sáng kiến giải quyết vấn đề từ Covid-19, biến đổi khí hậu đến giáo dục cũng như quản trị công nghệ và năng lượng.
Cụ thể là cuộc cách mạng về kỹ năng lao động - một sáng kiến nhằm cung cấp cho 1 tỷ người được giáo dục, kỹ năng và việc làm tốt hơn vào năm 2030; sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG); sáng kiến 1.000 tỷ cây xanh tái tạo rừng, khôi phục hệ sinh thái.
Ngày 18.4 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ mức 4,1% xuống còn 3,2% do việc giảm triển vọng tăng trưởng của các khu vực châu Âu và Trung Á, bao gồm Nga và Ukraine. WB dự báo kinh tế Việt Nam 2022 tăng trưởng 5,3%.
Nhận lời mời của Chủ tịch điều hành WEF - Klaus Schwab, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự hội nghị WEF 2022. Trong đó, tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận về đề tài “Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu” và phiên thảo luận “Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững”.