Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XXII): Quyết định nhiều nội dung quan trọng

N.ĐOAN - T.CÔNG 19/10/2022 07:09

Trên cơ sở thảo luận, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XXII) diễn ra ngày 17/10 đã thống nhất bổ sung nhóm giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở 3 tháng cuối năm 2022; quyết định các nội dung quan trọng mang tầm chiến lược đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XXII) đã thống nhất thông qua các dự thảo chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Ảnh: C.Đ
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XXII) đã thống nhất thông qua các dự thảo chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Ảnh: C.Đ

Đề xuất thêm giải pháp

Hội nghị thảo luận và thống nhất với đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thực hiện các mặt công tác 9 tháng đầu năm 2022. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh mở cửa du lịch quốc tế nên kinh tế - xã hội của tỉnh được phục hồi và có nhiều khởi sắc.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Từ đánh giá về tình hình 9 tháng, theo nhiều ý kiến thảo luận, khối lượng công việc còn lại của 3 tháng cuối năm khá lớn, các cấp ủy, chính quyền cần quyết liệt, bứt phá hơn nữa trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị năm 2022 đề ra.

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, những khó khăn, thách thức chung đối với Quảng Nam thời gian qua cần nghiên cứu, phân tích thêm nguyên nhân, nhóm chỉ tiêu chưa đạt để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Theo ông Mia, áp lực tiến độ giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt đối với các huyện nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn. Với quy trình như hiện tại, chắc chắn không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư. Mà giải ngân không đúng khối lượng thì “chết”.

“Nguyên tắc tài chính ngân sách quy định theo niên độ, nhưng cơ chế phân bổ vốn đầu tư nằm trong gói trung hạn. Do vậy, tỉnh cần có tiếng nói với Trung ương xem xét cơ chế điều hành phù hợp” - Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia đề xuất.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn lưu ý, UBND tỉnh đã có chỉ đạo giải quyết, thứ nhất, tăng nhân lực bằng việc thành lập tổ, rút cán bộ chuyên môn từ các phòng ban về hỗ trợ phòng kinh tế - hạ tầng cấp huyện thẩm định, trình phê duyệt dự án, hoặc có thể thuê tư vấn độc lập thẩm định, giúp phòng kinh tế - hạ tầng trình, rút ngắn thời gian thẩm định lại.

Khi phê duyệt hồ sơ dự án xong, yêu cầu chủ đầu tư giải ngân ít nhất 85% của tổng gói thầu dự án, như vậy mới có thể giải ngân nhanh, sớm. Đối với dự án lớn thì khối lượng đến đâu giải ngân đến đó, không để hoàn tất hồ sơ mới giải ngân.

Liên quan đến công tác khắc phục bão lũ vừa qua, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT nói, ngành giáo dục bị nhiều thiệt hại. Đến nay, có một số trường không đủ cơ sở vật chất để giảng dạy.

Để kịp thời sửa chữa, đưa vào giảng dạy đảm bảo chương trình năm học 2022 - 2023, ông Tường đề xuất trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp ở các tháng cuối năm, UBND tỉnh cần có giải pháp, hay cơ chế linh hoạt nào đó cho ứng vốn trước - không riêng gì khối THPT mà cả địa phương nữa. Chứ chờ làm xong thủ tục trình tự đầu tư thì rất khó.

Thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 cũng đã thảo luận, thống nhất thông qua dự thảo chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) có ý nghĩa định hướng chiến lược cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh thời gian tới.

Đáng chú ý, Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Tỉnh ủy đặt mục tiêu phấn đấu đưa diện tích rừng gỗ lớn chiếm trên 30% diện tích rừng sản xuất (45.000ha) vào năm 2030.

Trong đó, rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC) đạt trên 20% diện tích rừng sản xuất (30.000ha). Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu dự hội nghị.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát lại 3 loại rừng, bởi có một số diện tích rừng chưa được rà soát, nằm ở khu vực rừng đầu nguồn, do nhân dân quản lý, sản xuất. Để có thể hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn, cần tạo nhận thức chung là rừng đầu nguồn, khe sông, suối thì chuyển đổi đưa vào trồng rừng thay thế và có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân.

Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, tỉnh cần tập trung giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất, đất ở cho người dân địa phương, làm nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phát sinh giữa giữ rừng, phát triển rừng bền vững và đảm bảo nguồn sinh kế của người dân. Người dân miền núi thấy được tính hiệu quả thì sẽ tham gia vào chủ trương trồng rừng gỗ lớn.

Giải trình về chỉ tiêu phát triển rừng gỗ lớn đến năm 2030, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, việc trồng rừng gỗ lớn đang gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2019 - 2021 trồng rừng gỗ lớn từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ hỗ trợ, mới đạt 39,62% chỉ tiêu (262/3.815ha).

Đối với trồng rừng gỗ lớn thuộc dự án của huyện và của Trung ương hỗ trợ nguồn vốn, chỉ đạt 1.200/3.843ha (31,21%). Tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 - 2021 chỉ đạt 2.462ha/trên tổng diện tích rừng sản xuất 126.000ha, chỉ đạt 1,67%.

Trong các khó khăn, theo ông Tích, xuất hỗ trợ đầu tư của Trung ương cho trồng rừng gỗ lớn, đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất quá thấp so với nhu cầu vốn trồng 1ha rừng trên thực tế, nên khi hỗ trợ thì người dân không mặn mà, cùng với đó, hồ sơ thủ tục thanh lý rất rườm rà.

Ông Tích nói, có thể cuối năm 2022, Trung ương ban hành chính sách hỗ trợ dự án bảo vệ và phát triển rừng, chính sách trồng rừng gỗ lớn sẽ thông thoáng hơn. HĐND tỉnh cũng mới ban hành nghị quyết về hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, tuy rằng, có một số khó khăn, song hy vọng cải thiện được chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn thời gian tới.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, nhiều ý kiến phân vân cũng đúng khi nhìn vào thực tiễn trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh những năm qua. Chỉ tiêu thực hiện không đạt, nguồn vốn tỉnh bố trí giải ngân không hết vì người dân chưa mặn mà với chủ trương trồng rừng gỗ lớn. Chỉ tiêu đặt ra tại chương trình hành động thực hiện của Tỉnh ủy lần này là cơ sở để toàn tỉnh quyết tâm cùng phấn đấu thực hiện tốt hơn.

Phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu kết luận và bế mạc hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XXII), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến tham gia của đại biểu, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ký ban hành.

Các cấp, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chương trình, kế hoạch được thông qua tại hội nghị Tỉnh ủy lần này.

Định kỳ đánh giá kết quả, sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Cùng với đó, tiến hành rà soát, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các mặt công tác trong 3 tháng còn lại, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra.

Từng đại biểu trên cương vị công tác của mình, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị kịp thời lãnh đạo, tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã được hội nghị thông qua.

Đồng thời, đặt quyết tâm cao nhất trong hành động để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XXII): Quyết định nhiều nội dung quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO