Hôm qua 1/10, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 17 (khóa XXII) đánh giá tình hình thực hiện các mặt công tác 9 tháng; bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024 và cho ý kiến thông qua các nội dung theo thẩm quyền.
Theo chương trình hội nghị, vào buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện các mặt công tác 9 tháng qua; đề xuất, góp ý bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024.
Hội nghị đánh giá, trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề, thách thức, điểm nghẽn phải tập trung quyết liệt hơn trong thời gian đến để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Tập trung kiện toàn đội ngũ
Trong công tác xây dựng Đảng, theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết các chủ trương lớn trong công tác xây dựng Đảng trước khi bước vào năm cuối đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 khá đầy đủ, đồng bộ, kịp thời.
Tổ chức tốt các hội nghị quán triệt, triển khai kịp thời những nghị quyết, quy định, chỉ thị của Trung ương; công tác chính trị tư tưởng, thông tin chuyên đề, sinh hoạt chính trị được tổ chức thường xuyên. Qua đó, khơi dậy động lực, khí thế, truyền cảm hứng, lan tỏa năng lực tích cực, góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Quảng Nam đã tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo thời gian. Công tác chuẩn bị, bầu cử kiện toàn nhân sự với quy trình khá chặt chẽ, đồng thuận rất cao. Công tác quy hoạch gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp cũng đã có sự chủ động, kịp thời.
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đảng viên theo Thông báo Kết luận số 581, ngày 30/11/2023 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, rà soát tổng thể việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được thực hiện chặt chẽ…
Thảo luận tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thông tin thêm về những kết quả nổi bật trong 9 tháng qua và đồng tình với các hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội như báo cáo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Để tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt, khắc phục các hạn chế đã nêu ra, đồng chí Lê Văn Dũng nêu 7 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian đến.
Trong đó, đề nghị các cấp, ngành phải làm thật tốt việc tạo lập môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thật sự, với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề lớn đang đặt ra.
Cùng với đó, quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc để tháo gỡ khó khăn; xem xét trách nhiệm, đưa vào phân loại đánh giá cuối năm. Các sở ngành và địa phương phối hợp một cách chặt chẽ; hồ sơ cấp huyện gửi lên, sở ngành nào giải quyết hơn 7 ngày thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh…
Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung trách nhiệm cho công tác phòng chống bão lũ; bổ sung, điều chỉnh phương án phòng chống thiên tai khẩn cấp; linh hoạt bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh nhiệm vụ sắp xếp dân cư ở miền núi, nhất là ưu tiên ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao.
UBND các cấp và sở ngành sớm triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh vừa ban hành với tinh thần quyết liệt, nhanh nhẹn hơn; chuẩn bị thật tốt kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm để phục vụ cho văn kiện đại hội đảng bộ các cấp sắp đến…
Điều chỉnh tỷ lệ che phủ rừng
Vào buổi chiều, Tỉnh ủy tập trung đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, gồm: Nghị quyết số 15, ngày 14/10/2021 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 16, ngày 14/10/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính và Kết luận số 91, ngày 14/10/2021 về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15, theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ tiêu nâng độ che phủ rừng đạt 61% vào năm 2025, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quản trị rừng quốc tế (FSC) dự kiến không đạt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Năm 2023, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 58,88%; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC ước tính đạt 21.577,55 ha (đạt 71,93%). Theo đó, kiến nghị Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu thực hiện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Nghị quyết số 15 để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đến năm 2025: “Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 61% điều chỉnh thành đạt 59,49%; trong đó, độ che phủ rừng tự nhiên đạt 43,72%.
Đến năm 2030: “Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 62% điều chỉnh thành đạt 61%”; trong đó, độ che phủ rừng tự nhiên đạt 43,83%. “Diện tích rừng trồng FSC đạt 45.000 ha” điều chỉnh thành “diện tích rừng trồng đạt 30.000 ha”.
Trên cơ sở thảo luận, hội nghị thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu về độ che phủ rừng và diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC để phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tình hình thực tiễn.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành quyết nghị thông qua các nội dung báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024; các báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện các Nghị quyết số 15, 16 và Kết luận số 91 của Tỉnh ủy (khóa XXII). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và triển khai nghiêm túc, đồng bộ các quy định, kết luận, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới ban hành; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Tỉnh ủy đề ra.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, khối lượng công việc còn lại của năm 2024 rất nhiều, yêu cầu cao, toàn tỉnh phải hết sức nỗ lực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để thực hiện hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024; tạo đà, khí thế phấn khởi bước vào năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhấn mạnh 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết lưu ý, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung triển khai công việc liên quan chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp ngay từ bây giờ, với tinh thần chủ động, không trông chờ, nhất là việc rà soát, thẩm định xây dựng phương án nhân sự; chuẩn bị tốt văn kiện, công tác phục vụ…
Tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng viên mới; tập trung đánh giá chất lượng cuối năm; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền từ nay đến đại hội đảng các cấp theo hướng dẫn của Trung ương…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành tập trung cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, đẩy nhanh sắp xếp dân cư, tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ chủ trương này.
Tập trung chỉ đạo hoàn thiện kế hoạch thực hiện quy hoạch và các nội dung quy hoạch; chỉ đạo làm việc với bộ ngành Trung ương theo nội dung Thông báo Kết luận số 135 ngày 6/5/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Toàn tỉnh tiếp tục ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, với cơ chế, cách làm phù hợp, hiệu quả, không quá giữ an toàn về phía mình. Tập trung cho nhiệm vụ thu ngân sách, nhất là khai thác nguồn thu từ đất, tháo gỡ khó khăn về giá đất, sớm hình thành giá đất.
Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trước hết tháo gỡ khó khăn về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; giải quyết câu chuyện con người của các tổ chức, cơ quan làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; vướng mắc vật liệu xây dựng.
Các ngành, địa phương rà soát, chỉ đạo cụ thể, sát việc hơn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là vai trò của các cấp ủy. Tổ chức triển khai chặt chẽ, đảm bảo các chính sách xã hội và an sinh xã hội…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kết luận, thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Về thực hiện Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; kịp thời phát hiện, thay thế hoặc xử lý nghiêm trường hợp có dư luận không tốt về hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hiệu quả cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh.