Hội nghị trực tuyến KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

BÍCH LIÊN 04/01/2017 14:44

(QNO) - Sáng nay 4.1, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành KH&CN năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì. 

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, năm 2016, ngành KH&CN đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Công tác xây dựng cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN được chú trọng. Ngành KH&CN từng bước trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung...

Điểm cầu Quảng Nam tham gia hội nghị trực tuyến. Ảnh: BÍCH LIÊN
Điểm cầu Quảng Nam tham gia hội nghị trực tuyến. Ảnh: BÍCH LIÊN

Trong năm, lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tiếp tục đạt những thành quả đáng chú ý, bên cạnh lĩnh vực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. KH&CN trở thành động lực giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với giá trị đóng góp vào sự tăng trưởng của nông nghiệp 30-40%. Trong sản phẩm chăn nuôi, ước tính khoảng 29-35% giá trị gia tăng sản lượng thịt, trứng gia cầm do kết quả nghiên cứu KH&CN và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. 

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng, KH&CN đã khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng. Đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh. Việc đổi mới công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, đã được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới; chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được cải thiện theo hướng hiện đại, tiện ích, giảm thủ tục, chi phí giao dịch, có sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tự động 24/24 giờ. KH&CN tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông bền vững, cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân; triển khai phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, cung cấp dịch vụ viễn thông 4G, thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, hoàn thành triển khai giai đoạn 1 việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. KH&CN cũng đã có những đóng góp thiết thực trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai.

Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, nền KH&CN tại các vùng, miền bước đầu có sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, vùng miền núi phía Bắc tập trung nghiên cứu, phát triển các cây con giống mới, khai thác, phát triển các nguồn gen đặc sản của địa phương. Vùng đồng bằng sông Hồng, bên cạnh xây dựng thành công mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản, các tỉnh/thành phố trong vùng còn chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống gắn liền giới thiệu quảng bá du lịch, cảnh quan môi trường. Ở vùng Bắc Trung Bộ, các hoạt động nghiên cứu triển khai tập trung vào các đối tượng cây công nghiệp quy mô khá lớn như: mía, đậu, chè, cao su, cây có múi, rau an toàn, cây dược liệu. Vùng Nam Trung Bộ tập trung vào nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông dân nông thôn; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiến tiến, các kỹ thuật tiến bộ trong phát triển nghề nuôi hải sản, hướng vào phát triển các sản phẩm có thế mạnh của vùng. Vùng Tây Nguyên tập trung vào ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao, để phát triển các cây trồng chủ lực của vùng là: cà phê, hồ tiêu, cao su và chè. Vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế động lực phía Nam với nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu, tập trung vào phát triển công nghệ cao như: chíp điện tử, vật liệu nano, robot, công nghệ tạo mẫu nhanh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y - dược, xử lý môi trường. Vùng Tây Nam Bộ, tập trung vào ứng dụng KH&CN cho trồng lúa, cây ăn trái và nuôi thủy sản.

Hội nghị đã ghi nhận những nỗ lực vượt bậc cũng như kinh nghiệm thực tế của các địa phương: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Ninh... trong ứng dụng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tạo bước chuyển tích cực cho bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước nói chung. Hội nghị cũng nhận được nhiều đề xuất, kiến nghị của đại diện các bộ, ngành, địa phương về cơ chế hỗ trợ tài chính để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; triển khai có hiệu quả đề án đổi mới sáng tạo quốc gia; tăng cường ngân sách chi cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chính sách hỗ trợ, khuyến khích dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như các văn bản luật về KH&CN...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Có thể nói, năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp, các tổ chức, các địa phương ở nước ta là rất lớn. Năm 2016, chúng ta xuất khẩu 5 mặt hàng nông lâm sản với giá trị lớn ra thị trường thế giới, đó là có sự đóng góp rất lớn của KH&CN. Kinh tế Việt Nam xếp hạng thứ 120 trên thế giới nhưng chỉ số đổi mới công nghệ xếp thứ 59, đó là minh chứng cụ thể cho sự nỗ lực. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như sự quan tâm đến lĩnh vực KH&CN gần đây tốt hơn, có sự nhịp nhàng hơn. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu sẽ ngày càng cao nếu không bắt kịp với sự chuyển động của các cuộc cách mạng trên thế giới. Việt Nam cần chú trọng đến khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật liên quan tới kinh tế - quốc phòng, song vẫn không xem nhẹ lĩnh vực khoa hoc xã hội và nhân văn.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh: "Thời gian tới, đầu tư cho KH&CN cần phải bám sát hơn nhu cầu thực tiễn, phải ưu tiên cho các đề án, đề tài phục vụ nhu cầu thiết yếu của đất nước. Đồng ý là trong nghiên cứu KH&CN vẫn có tính mạo hiểm, song phải làm sao để phát huy tính hiệu quả từ nghiên cứu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cần phải nâng cao năng lực thẩm định, phê duyệt của hội đồng xét duyệt, nghiệm thu của các địa phương. Các lĩnh vực công nghệ cao, sở hữu trí tuệ triển khai vẫn còn chậm, việc liên kết giữa các trường và viện nghiên cứu còn hạn chế...".

Về định hướng phát triển, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các yếu tố: thể chế, nguồn lực, con người, cơ sở hạ tầng, năng lực hội nhập, yếu tố năng lực kiến tạo quản lý của nhà nước về KH&CN... chính là những nhân tố thúc đẩy hoặc cản trở, kìm hãm cho sự phát triển. Vì vậy, phải tạo thể chế thông thoáng cho các đối tượng nhà khoa học, trí thức, kiều bào, kể cả những người ở ngoài Đảng... cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Thể chế nào kìm hãm sự phát triển của ngành KH&CN, các bộ ngành cần phải cùng nhau đề xuất hướng tháo gỡ. Cần xem trọng vấn đề bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phải nâng thang bậc của sở hữu trí tuệ của chúng ta lên. Về yếu tố con người, cần rà soát, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, ưu tiên cho lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng. Phải tạo ra đội ngũ nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ. Chất lượng của sản phẩm công nghệ phải do thị trường quyết định. Ở cuộc cách mạng lần thứ 4 này, cần đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh... du lịch, công nghệ thông tin, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Phải tách hoạt động hành chính ra khỏi hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, tránh tình trạng "hành chính hóa" hoạt động nghiên cứu, ứng dụng... "Lâu nay, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thuộc lĩnh vực nhà nước chiếm 70%, còn 30% ở khu vực ngoài nhà nước. Vấn đề này cần đổi lại, lĩnh vực nhà nước là 30% và ngoài nhà nước là 70%. Đầu tư cho KH&CN của cả nước chỉ 0,5% GDP, trong khi các quốc gia khác đầu tư đến 4-5% GDP, thời gian tới cần đẩy mạnh nguồn lực ngân sách cho KH&CN, tạo động lực cho sự phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội nghị trực tuyến KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO