Ngày 12.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển cây dược liệu. Dự tại điểm cầu Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được hơn 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu như quế, hồi, hòe, nghệ, atiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả… Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân gấp 3 - 5 lần so với các loại cây trồng nông nghiệp khác như lúa, ngô, sắn… Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 226 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất thuốc mỗi năm lên tới 14.000 - 15.000 tấn dược liệu; chưa kể lượng dược liệu sử dụng sản xuất thực phẩm chức năng cũng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 20.000 tấn/năm.
Báo cáo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam là địa phương có đa dạng chủng loại cây dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”, có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc. Trong đó, có nhiều loài quý như sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam… Đến nay, tỉnh đã quy hoạch vùng rừng đặc dụng để trồng và bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2016 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với diện tích 15.000ha. Các loài cây dược liệu còn lại tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển giai đoạn 2016 - 2020 (trước hết là 3 loại ba kích tím, đảng sâm và sa nhân), tiến hành khảo sát, lập quy hoạch với diện tích gần 1.000ha. Nguồn còn lại chủ yếu người dân trồng và thu hái tự phát trong rừng…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù thời gian qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển dược liệu nuôi trồng trong nước, nhưng đến nay, việc nuôi trồng chưa có quy hoạch và định hướng phát triển của từng địa phương. Cây dược liệu vẫn chưa trở thành sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, khó khăn trong quá trình hội nhập. Việc phát triển cây dược liệu còn nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ và chữa bệnh trong y học cổ truyền. Hội nghị lần này là dịp để các bộ ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học kiến nghị, chia sẻ, trao đổi tìm ra những khó khăn, vướng mắc và giúp Nhà nước có hướng tháo gỡ, có cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển cây dược liệu thiết thực. “Cần xem cây dược liệu là sản phẩm quốc gia, cần đầu tư mạnh nghiên cứu, giám sát chất lượng, bảo vệ bí mật về nguồn gen quốc gia. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cây dược liệu, một loại hình nông nghiệp công nghệ cao, có cơ chế hỗ trợ, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo việc sản xuất nguyên liệu đi liền với công nghiệp chế biến gắn với thị trường” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
HOÀNG LIÊN