(QNO) - Sáng nay 28.3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) năm 2014; triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì điểm cầu Quảng Nam.
Các đại biểu ở điểm cầu Quảng Nam tham tham dự hội nghị trực tuyến. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương (gọi tắt là Ban chỉ đạo), tính đến hết tháng 12.2014, cả nước đã xảy ra 4.154 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố; có khoảng 170 trận lốc sét, mưa đá; 30 trận lũ quét, sạt lở đất, làm 133 người chết và mất tích; 145 người bị thương; gần 2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, trôi; hơn 42 nghìn nhà bị ngập, hư hại, tố mái, cùng hơn 230 nghìn hecta diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại...
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đã phối hợp với Ban chỉ đạo triển khai chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ công tác TKCN; Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ nhiều địa phương bị ảnh hưởng do tiên tai với tổng kinh phí gần 1.540 tỷ đồng, cùng 2 nghìn tấn gạo, 1.400 tấn lúa, 267 tấn ngô giống và gần 18 tấn hạt giống rau các loại. Ngoài ra, đã điều động hơn 153 nghìn lượt người, hơn 5 nghìn lượt phương tiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và TKCN; cứu gần 3.900 người, 248 phương tiện và đảm bảo công tác thông báo kêu gọi, hướng dẫn hơn 350 nghìn phương tiện với hơn 1,4 triệu ngư dân đang hoạt động trên biên về nơi trú bão an toàn…
Tại Quảng Nam, theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, năm 2014 ngoại trừ các đợt gió lốc, dông sét trên địa bàn tỉnh làm 2 người bị thương và nhiều nhà cửa, cơ quan trường học bị tốc mái xảy ra tại các huyện Bắc Trà My và Đại Lộc vào tháng 5.2014 với ước tính thiệt hại khoảng 1,25 tỷ đồng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng mưa lũ lớn, do đó thiệt hại do thiên tai là không đáng kể.
Mặc dù vậy, trong năm qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh và liên tục xảy ra tình trạng rung chấn động đất tại khu vực lòng hồ dự án thủy điện Sông Tranh (huyện Bắc Trà My). Trong đó, đợt rung chấn mạnh nhất xuất hiện vào khoảng lúc 6 giờ ngày 8.7.2014 với cường độ 3,6 độ richte, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn về người và của, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCLB và TKCN 2013, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ 2014. Công tác dự trữ lương thực, thực phẩm được chú trọng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư, chủ đập thủy lợi, thủy điện xây dựng phương án PCLB đảm bảo an toàn công trình; duy trì thường xuyên lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố...
Tình trạng động đất xuất hiện nhiều hơn ở huyện Bắc Trà My. TRONG ẢNH: Nhiều tường nhà người dân khu vực hồ thủy điện Sông Tranh bị nứt do động đất. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong công tác PCLB và TKCN, cũng như việc chủ động đối phó với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng lưu ý, năm 2014 mặc dù các đợt bão xảy ra thấp hơn mọi năm nhưng tình hình khí hậu, thời tiết bất thường luôn ở mức cao. Do vậy, các bộ, ngành và các địa phương phải thường xuyên chủ động, tập trung vào công tác tuyên truyền nhận thức cho toàn xã hội để ứng phó tốt nhất.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương toàn thể các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đã làm tốt công tác chủ động PCLB và TKCN, hạn chế rủi ro thiệt hại về người và tài sản nhân dân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2015, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, ngày càng cực đoan và khó dự báo, do vậy các cơ quan chức năng, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai. Các địa phương sớm hoàn thành phương án ứng phó bước đầu với bão mạnh, siêu mạnh; kiểm tra, rà soát và kịp thời tu sửa hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai như: đê, điều, hồ đập; đẩy mạnh công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn… nhằm chủ động ứng phó và hạn chế thiên tai ở mức thấp nhất.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã thông qua quyết định thành lập và ra mắt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Theo đó, Ban Chỉ đạo có 32 thành viên, do Bộ trưởng Cao Đức Phát làm Trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và TKCN trên toàn quốc.
ALĂNG NGƯỚC