Với sự tích cực của thành viên Ban liên lạc truyền thống, sự ủng hộ kinh phí của các nhà tài trợ, 70 cựu nữ quân nhân Đại đội 3, Tiểu đoàn Vận tải 19, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đã có cuộc hội ngộ nhiều cảm xúc tại Đà Nẵng sau hơn 50 năm thành lập đơn vị.
Các cựu nữ quân nhân Đại đội 3 chụp hình lưu niệm trong ngày gặp mặt.Ảnh: H.V |
Từ nhiều tháng qua, các thủ lĩnh của Đại đội 3 năm xưa như chị Tuyết, chị Lan tất bật ngược xuôi tìm mọi cách liên lạc với đồng đội và mời bằng được họ về dự ngày gặp mặt; đối với trường hợp khó khăn, các chị kêu gọi kinh phí để đài thọ tiền tàu xe. Đêm trước, nhà khách Cục Hậu cần Quân khu 5 sôi động hẳn lên khi đón các cựu nữ quân nhân da mồi, tóc bạc. Đông nhất là các chị quê Quảng Nam rồi đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Có người theo chồng ra tận Hải Dương, hôm nay cũng có mặt. Dấu ấn thời gian hằn sâu trên gương mặt mỗi người, nhưng tiếng cười nói vẫn rất trẻ trung như ngày nào.
Một thời ký ức hào hùng bỗng ùa về qua những cái ôm thật chặt, mừng mừng, tủi tủi trong hạnh phúc dâng trào.
Hội ngộ ký ức
Năm 1966, giữa giai đoạn chiến tranh ác liệt, tại Quảng Nam, Tiểu đoàn Vận tải 19 được bổ sung một đại đội nữ với quân số gần 100 người, được gọi tắt là C3. Các cô gái tuổi 15 - 18 trong sáng, hồn nhiên vừa mới vào chiến trường đã nếm ngay gian khổ, ác liệt. Mặt trận rèn luyện các cô trở thành những kiện tướng “chân đồng vai sắt” chuyển đạn, tải thương, phục vụ chiến đấu.
Mọi người bồi hồi nhắc đến liệt sĩ Huỳnh Thị Bốn. Ngày ấy, có lần chị được phân công cùng tổ công tác vào một bản đồng bào mua gạo, heo cho hậu cứ. Mưa to suối sâu, lũ cuồn cuộn, người ở nhà cứ thắc thỏm lo cho sự an toàn của đoàn công tác. Vậy mà nhờ nắm chắc địa hình, giỏi bơi lội, chị Bốn đã đưa hàng về đầy đủ, an toàn. Một lần ở Quảng Nam, chị xung phong đi trinh sát đưa đơn vị hành quân vượt tuyến. Khi phát hiện địch, chị dũng cảm nổ súng, chấp nhận hy sinh để báo động cho người đi sau.
Hay như kỷ niệm trong trận đánh ở chân núi Liệt Kiểm, Hiệp Đức (Quảng Nam) vào tháng 8.1967, đồng chí Mai Tiến Mỹ (sau này là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2) bị thương nặng, vừa lúc đó 4 cô gái của Đại đội 3 đã có mặt kịp thời, khiêng về đội phẫu. Mưa phùn, mảnh đạn găm trong người nhức buốt, máu tràn phổi, vẫy tay ra hiệu cho các cô dừng lại, anh thương binh thều thào: “Tôi lạnh lắm, chắc chết mất!”. Nghe vậy, các cô chạy vào nhà dân, một lúc sau mang về một nắm tranh săng, loại lá bà con ở đây dùng để lợp nhà và khẩn trương vừa đi theo đồng đội vừa đốt tranh hơ qua hơ lại dưới võng. Nhờ vậy họ đã sưởi ấm và cứu được thương binh. Sau khi bình phục, Sư đoàn trưởng Mai Tiến Mỹ luôn tìm hỏi thăm thông tin về ân nhân, những mãi đến năm 2012, sau 45 năm ông mới gặp được hai nữ quân nhân đã cứu mình. Tại cuộc hội ngộ ở Đà Nẵng lần này, câu chuyện xúc động đã lan truyền cả đại đội, mọi người vây quanh hai nhân vật chính thông minh, nhanh trí ấy là chị Nguyễn Thị Vân và Nguyễn Thị Roa...
Chân đồng vai sắt
Chị Lê Thị Thu, nữ chính trị viên đầu tiên của đại đội, sau về công tác ở Điện Bàn, không kìm được nước mắt khi gặp lại những đứa em một thuở. Chị Thu trầm ngâm nhắc nhớ: “Ngày ấy, ai cũng trẻ lắm vậy mà can trường không thua kém nam nhi. Có người như cô Hương ốm nhom, khiêng thương binh nặng quá, hai chân đi cứ run run. Để khỏi ngã, cô bấm ngón chân thật chặt xuống đất, về đến nơi, ngón chân tóe máu đến là tội. Ăn uống kham khổ, nhiều cô sốt rét xanh da, vậy mà bảo ở nhà, không ai chịu”. Người được chị em suy tôn “khỏe như đàn ông” thời đó là nữ quân nhân Huỳnh Thị Diện. Vẫn dáng người cao to, chị Diện cười rộn rã: “Ngày đó sung lắm, làm được gì là làm, đâu tiếc sức. Thương binh chỉ cần chậm trễ một chút là cơ hội sống không còn, nên yếu thì hai cô một đầu, khỏe như mình thì nhận một đầu khiêng chạy. Về hưu rồi, mình vẫn hăng hái chuyện địa phương. Bởi cứ nghĩ đến ngày xưa thì so với vất vả bây giờ không nhằm nhò gì”.
Tháng 7.1970, Đại đội 3 nữ cùng tiểu đoàn được lệnh hành quân ra đường 9 Nam Lào. Gần một tháng rưỡi băng rừng, vượt dốc đá, đi không ngưng nghỉ, đoàn đã kịp thời có mặt phục vụ chiến đấu cho cả sư đoàn. Từ cao nguyên Bô-lô-ven trên đất bạn, quay trở lại Kon Tum đánh Đăk Tô - Tân Cảnh, những đôi chân vạn dặm cùng sư đoàn làm nên chiến công lừng lẫy. Với những thành tích của mình, năm 1974, Đại đội 3 nữ vận tải đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 cũng là chiến sĩ Sư đoàn 2 những ngày chiến tranh. Ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm của đơn vị dành cho đứa em út - Đại đội 3. Khi thì nắm cơm vắt quý báu hay nắm rau rừng, nắm ốc bắt ở bờ suối. Nhiều nơi đi qua, chứng kiến cảnh địch rải chất độc hóa học trắng xóa một vùng mà thương các chị đang ở đâu đó dưới cánh rừng trụi lá. Nắm tay cựu nữ quân nhân Nguyễn Thị Phi, Bùi Thị Nhung ở xã Bình Định (Thăng Bình, Quảng Nam) gầy gò, còi cọc vì bệnh tật triền miên, Trung tướng nhắc nhở Ban liên lạc Đại đội phải nắm hết những trường hợp bị chất độc da cam để báo với cơ quan chức năng làm các chế độ đãi ngộ xứng đáng, thêm vào mức hưởng bệnh binh ít ỏi hiện nay, góp phần cải thiện cuộc sống của các chị.
Chạnh lòng khi nghe các cô chia sẻ lần này có thể là buổi gặp riêng cuối cùng của C3 khi đồng đội hầu hết tuổi đã hơn 70 và kinh phí tổ chức hội ngộ rất khó khăn, đồng chí Trưởng ban Phụ nữ Quân khu 5 hứa với các cô rằng Ban phụ nữ sẽ tham mưu cho Quân khu có nhiều cuộc gặp với các nữ quân nhân trong kháng chiến. Đây sẽ là hoạt động giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa cho lực lượng vũ trang hiểu hơn về các thế hệ đi trước.
Chia tay trong lưu luyến, những cô gái chân đồng vai sắt năm xưa lại tin tưởng có ngày gặp lại. Một thời trận mạc luôn sống động trong trái tim họ hôm nay và mãi mãi.
HỒNG VÂN