Hội ngộ...những đường tơ

Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC 10/06/2017 07:26

Sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm từ nhiều nơi sẽ cùng nhau hội ngộ tại Hội An vào tháng 6 này. Không chỉ là cơ hội của các làng nghề truyền thống Quảng Nam, Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - châu Á năm 2017 còn được coi như không gian của sự sáng tạo từ các nhà thiết kế trẻ. Ở góc độ chủ nhà, sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm xứ Quảng sẽ bày biện như thế nào?

LỤA VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI

Câu chuyện “phục hưng” sản phẩm tơ tằm truyền thống đã mở ra nhiều chiều kích mới trong hành trình tìm lại vị trí của lụa Việt. Quảng Nam không là ngoại lệ.

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
nhiều người hào hứng khi được tham gia vào các công đoạn trình diễn dệt lụa Mã Châu tại Làng Lụa Hội An.
nhiều người hào hứng khi được tham gia vào các công đoạn trình diễn dệt lụa Mã Châu tại Làng Lụa Hội An.

Cuộc hồi sinh…

Một gian hàng trưng bày tơ lụa Mã Châu ngay con đường đông du khách ở đô thị cổ Hội An. Hay một ngày hội áo dài với chất liệu cũng từ lụa Mã Châu. Lùi sâu hơn 10 năm trước, hàng loạt quan chức cấp cao các nước tham dự APEC với trang phục áo dài từ “lụa Lý” – một người con xứ lụa Quảng Nam đã thành danh với sản phẩm truyền thống này tại TP.Hồ Chí Minh. Rồi ngay lúc này, một không gian Làng Lụa đang rộn rã với sự gom về những dáng lụa khắp nơi. Mỗi ngày, từng chút một, lụa Việt, hay đúng hơn, tinh túy từ hành trình của cha ông, đang đi những bước để tìm lại vị trí của mình…

Giám đốc công ty dệt may Toàn Thịnh, ông Hồ Viết Lý, người gắn với thương hiệu “Lụa Lý” được giới kinh doanh may mặc biết tiếng, nói rằng, lụa tơ tằm Việt Nam xứng đáng để lựa chọn cho dòng sản phẩm thời trang cao cấp. Trong khi đó nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh, người có công đầu trong việc đưa thời trang Việt vươn ra thế giới, lại quả quyết: “Chúng tôi không có con đường nào khác ngoài sử dụng chính lụa Việt, thiết kế và sản xuất Việt để đi ra thế giới. Nó có tiếng nói sáng tạo độc đáo khó cạnh tranh. Vấn đề là sự kết hợp tốt giữa nhà sản xuất và thiết kế đưa ra dòng sản phẩm phù hợp thị hiếu và khả năng tiêu dùng. Tôi tin sẽ đến ngày đó. Lụa Việt Nam hôm nay tuyệt đẹp, rất gợi cảm hứng sáng tạo và đáng để mặc vì nó đem lại vẻ sang trọng cho người mặc”…  

Mỗi kỳ Festival văn hóa tơ lụa ở Quảng Nam, ông Hồ Viết Lý trở về quê nhà và mang theo hàng ngàn xấp lụa cao cấp nhất – như thêm một cách khẳng định rằng vùng đất này sẽ là nơi trung tâm cũng những sản phẩm lụa tơ tằm. “Lụa Lý” nổi bật với quy trình nhuộm tự nhiên, màu sắc và chất liệu phong phú, sử dụng để may hàng thời trang cao cấp. Ông Lý từng nói, tâm nguyện của ông muốn góp phần phát triển thương hiệu lụa Việt ngay tại nơi gần 400 năm trước đã nổi lên như một thương cảng quan trọng của “Con đường tơ lụa trên biển”, để xây dựng một trung tâm thương mại về tơ lụa Việt tại Làng lụa Hội An. Và càng đến những kỳ hội ngộ của các làng nghề khắp nơi, càng nhận ra rằng, lụa tơ tằm truyền thống Việt Nam dẫu đứng trước rất nhiều thử thách, vẫn còn đó những cơ hội. Cho dù, nhiều nghệ nhân, hay thậm chí doanh nghiệp, vẫn lắc đầu vì nỗi “lụa 100% từ tơ tằm chưa tìm thấy thị trường nội địa do giá quá cao so với thu nhập của người dân. Ngay người Việt cũng chưa hiểu hết vẻ đẹp và giá trị của lụa tơ tằm, một thời chạy theo các loại lụa pha hóa chất giá rẻ nhập từ Trung Quốc”.

Xứ tơ tằm như Quảng Nam, một làng lụa Mã Châu 400 năm tự thân nó đã thành di sản. Sự hồi sinh của di sản ấy là một không gian Làng Lụa tụ hội những “tầng nấc”, từ một vườn dâu, nong tằm đến khung cửi. Mở ra thêm những công xưởng, để giảm tải sức người. Nó được định danh trở thành trung tâm, hay bảo tàng của lụa Việt - ở xứ Quảng, với sự gọi về của nhiều cô gái xứ tằm tang Duy Xuyên, những nghệ nhân dệt thổ cẩm tài hoa từ nhiều tỉnh thành.

Chờ gì ở hội lụa này?

Cuộc hồi sinh của lụa đã bắt đầu mở ra nhiều con đường. Và một đường đi mới của lụa tơ tằm dựa trên phát triển du lịch đã kích hoạt từ mấy năm nay. Cuộc hội ngộ của các hiệp hội tơ lụa trên thế giới cũng như 28 làng nghề trên cả nước sẽ tiếp tục nhận diện về hướng đi này, tại Festival văn hóa tơ lụa sẽ tổ chức vào 12.6 tới đây. Ông Lê Thái Vũ – người đã can đảm quay về làm lụa, cũng là người làm nên những cuộc hội này, nói rằng, các làng nghề đã có một con đường phát triển dựa vào du lịch, cũng như dựa vào những doanh nhân trẻ khai phá thị trường, và sự sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ đang say mê lụa Việt. “Ở festival lần này, chúng tôi muốn các làng lụa trong Nam ngoài Bắc khẳng định sự phát triển mới. Rất nhiều hoạt động ngõ hầu thức dậy vị trí của tơ lụa trong đời sống đương đại. Từ việc gặp mặt các đối tác sản xuất, nghệ nhân làng nghề đến việc ra mắt các gian hàng trưng bày lụa và trao đổi kinh nghiệm với thế giới; trình diễn quy trình ươm tơ dệt lụa truyền thống của các làng nghề đến các cuộc hội thảo về Con đường tơ lụa Việt Nam, Lụa trong đời sống đương đại... Sứ mệnh của chúng tôi là muốn mang cái tên Mã Châu, Vạn Phúc, Hà Đông… đến gần hơn với bạn bè thế giới” - ông Vũ nói.

Du khách nước ngoài tham quan kỹ thuật dệt lụa Mã Châu tại Làng Lụa Hội An.
Du khách nước ngoài tham quan kỹ thuật dệt lụa Mã Châu tại Làng Lụa Hội An.

Những làng nghề truyền thống về dệt lụa và thổ cẩm sẽ phô bày các bí quyết tạo màu sắc đẹp, chất lượng cao mà các nghệ nhân làng nghề thường dùng. Những Làng lụa sẽ trình diễn kỹ thuật bí truyền nhuộm lụa từ thảo mộc thiên nhiên đến với người thưởng lãm. Riêng Quảng Nam, theo ông Vũ, đoàn nghệ nhân Cơ Tu (12 người) sẽ giới thiệu văn hóa Cơ Tu thông qua nghệ thuật thổ cẩm và những khung dệt cổ truyền được gìn giữ, đưa từ Tây Giang đến Hội An. Và lụa Mã Châu sẽ được dành một phần quan trọng tại festival với màn trình diễn áo dài của Hội quán các bà mẹ TP.Hồ Chí Minh, nhằm đưa lụa Mã Châu trở lại thị trường. Cùng với đó, những sắc diện tuyệt đẹp của thổ cẩm sơn cước sẽ về Làng lụa Hội An để trình diễn và làm ngẩn ngơ du khách. Những cảm xúc đến từ màu sắc, đôi tay và tinh thần của các nghệ nhân nước Việt. Diện mạo của lụa Hà Đông, Vạn Phúc, đũi Thái Bình hay vùng nguyên liệu tơ tằm Bảo Lộc, tơ lụa Mã Châu và thổ cẩm Cơ Tu… đủ kết thành bức tranh văn hóa của lụa Việt. Và dĩ nhiên, tơ lụa Việt Nam đủ chiều sâu, tinh tế và mẫu mã đẹp để sánh cùng tơ lụa các quốc gia khác.

Cùng với cuộc hội ngộ của làng nghề lụa truyền thống trên cả nước sẽ có những gian hàng triển lãm tơ lụa của các quốc gia tham dự. Mỗi đất nước với những bản sắc văn hóa đã tạo nên sản phẩm tơ lụa với nhiều dáng vẻ khác nhau. Nếu Ấn Độ với lụa vùng Mumbai cùng dòng lụa nức tiếng thế giới Cashmere (xuất phát từ biên giới Ấn Độ - Pakistan) lần đầu tiên đến Việt Nam, cùng những sản phẩm truyền thống khiến người xem thích thú; thì hoa văn đặc biệt và luôn dành riêng cho cô dâu trong ngày cưới của lụa Myanmar lại khiến người xem ngạc nhiên. Trong khi đó, từ thủ phủ lụa Hàng Châu và Tứ Xuyên (Trung Quốc), những sản phẩm mang tính ứng dụng vào đời sống từ thiết kế mẫu đến khả năng giặt và dễ sử dụng, cùng với giá thành giảm lại thu hút số đông người dừng chân ở những gian hàng này. Cũng như vậy, với tơ lụa từ các tập đoàn sản xuất nổi tiếng của Thái Lan, khách tham gia dễ dàng tham dự các trải nghiệm văn hóa lụa Thái cùng các nhãn hàng với công nghệ sản xuất sạch…

Một điểm nhấn trong ngày hội này, là “Đêm lụa Phương Đông” của 16 NTK trẻ khoảng 30 tuổi đồng loạt quay về sáng tạo trên lụa Việt, với các bộ sưu tập trong đêm fashion show của NTK Minh Hạnh. Ban tổ chức Festival văn hóa tơ lụa thổ cẩm tiết lộ, NTK Des Khang làm hai bộ sưu tập mới với lụa nhuộm từ thiên nhiên của làng Nhữ Xá. Các NTK: hoa hậu Ngọc Hân, Hảo Nguyễn, Xuân Hảo, Duy Nguyễn, Đỗ Trịnh Hoài Nam ra mắt các bộ sưu tập của họ với chất liệu đũi làng Nam Cao (Thái Bình). NTK Khánh Syana làm bộ sưu tập từ lụa Hà Đông. Hà Bảo và Nhật Minh sử dụng lụa tơ tằm Bảo Lộc cho bộ sưu tập áo dài Việt…

Và như một ý niệm được ngầm hiểu rằng, mọi hoạt động, đều để cho thấy lụa Việt đã hồi sinh ngoạn mục ở thì hiện tại…

THỔ CẨM TRỞ MÌNH…

Xác lập định danh thương hiệu, đổi mới tư duy sáng tạo và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm nghề dệt truyền thống… được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới giúp  thổ cẩm Cơ Tu phát huy giá trị, tạo nên cơ hội phát triển theo xu thế hội nhập.

Dệt truyền thống của người Cơ tu.
Dệt truyền thống của người Cơ tu.

Di sản của đồng bào

Năm 2015, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Đây được xem là ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào, tạo cơ hội để nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu thêm phát triển lớn mạnh. Theo ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, thổ cẩm có vai trò rất đặc biệt trong đời sống cộng đồng của đồng bào Cơ Tu, mang tính định danh về trang phục truyền thống, cũng như trở thành tặng phẩm quý giá dành riêng cho cô dâu khi về nhà chồng. Vì thế, thổ cẩm càng đẹp về màu sắc, độc đáo về hoa văn, chất liệu càng có giá trị. “Người Cơ Tu rất coi trọng thổ cẩm truyền thống, xem đó như tài sản quý trong nhà, nhất là đối với gia đình có con gái. Bởi giá trị thực của thổ cẩm rất cao, có khi một chiếc xà lùng đổi lấy cả một con trâu 9 gang tay, trị giá khoảng vài chục triệu đồng” - ông Bưng cho biết.

Như món quà đã được mặc định từ trước, cùng với các loại tặng phẩm khác, “hành trang” về nhà chồng của cô dâu thường không thể thiếu thổ cẩm truyền thống. Do vậy, ngay từ rất nhỏ các cô gái Cơ Tu đều được truyền dạy về cách thêu thùa, dệt thổ cẩm để tự sắm cho mình những trang phục ưng ý, cũng như chuẩn bị sẵn “của hồi môn”. Vượt qua giới hạn trong sinh hoạt đời thường, với người Cơ Tu, thổ cẩm còn là món hàng trao đổi, bán mua giữa các vùng, hình thành nên những cuộc giao thương sau này. Cũng theo ông Bưng, do quá trình dệt cho ra sản phẩm thổ cẩm khá phức tạp, đòi hỏi công sức và tay nghề cao của người thợ nên giá trị mỗi sản phẩm bán ra thị trường cũng rất cao. Đây cũng là một trong các lý do thổ cẩm Cơ Tu chưa thể mở rộng thị trường, mặc dù sản phẩm được đánh giá rất độc đáo, mang giá trị văn hóa đặc thù của cộng đồng miền núi.

Cần hướng đi phù hợp

Gần đây, thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu đã được đưa vào thị trường khai thác, phục vụ nhu cầu của du khách theo các tour du lịch cộng đồng, tuy nhiên vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tương xứng với giá trị vốn có. Như làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang), mặc dù được biết đến là một trong số hiếm hoi làng nghề dệt Cơ Tu có sản phẩm được xuất ngoại, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức… chưa đáng kể. Xuất ngoại, đó là khi dự án hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR) được triển khai tại Za Ra, với hơn 50 sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu tại địa phương được nghiên cứu, đưa vào thị trường khai thác. Lúc đầu, sản phẩm thổ cẩm của làng Za Ra chỉ để phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm quà lưu niệm. Dần dà, nhiều nhà đầu tư đã thích thú và đặt hàng đưa thổ cẩm Za Ra vươn ra một số thị trường như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Cần Thơ, thậm chí xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - cho rằng, để  thổ cẩm Cơ Tu có cơ hội được mở rộng thị trường, ngoài yếu tố quảng bá và giới thiệu sản phẩm, cần biết cách tạo sức cạnh tranh, cũng như tập trung đầu tư cho ra đời các sản phẩm mới lạ về mẫu mã, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Một yếu tố khác cũng không kém quan trọng, chính là tìm cách hạ giá thành sản phẩm để thu hút người mua. Bà Tươi đưa ra dẫn chứng cụ thể rằng, trước đây nhiều người Cơ Tu, nhất là giới trẻ rất “kén chọn” với các mặt hàng thổ cẩm truyền thống. Là bởi, giá thành thổ cẩm khá cao, trong khi mẫu mã không mới. Nhưng vài năm trở lại đây, khi nhiều mặt hàng thổ cẩm được cách điệu, đã thu hút một lượng khách hàng rất lớn từ chính đồng bào vùng cao. Thay vì chỉ dệt váy truyền thống như trước đây, bây giờ nhiều nghệ nhân đã biết cách làm mới sản phẩm thông qua các mẫu mã độc đáo, như may kết hợp áo dài, túi xách, khăn choàng, cà vạt…, vừa đẹp mắt lại được nhiều người ưa chuộng. “Bên cạnh đó, cũng cần có những định hướng phù hợp trong việc phục hồi và tạo ra các sản phẩm của làng nghề dệt truyền thống. Trong đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, khai thác thị trường và liên kết mở rộng đào tạo nghề cho đồng bào miền núi… cũng cần được nghiên cứu, chú trọng nhằm đảm bảo vừa có cơ hội tạo ra các sản phẩm đa dạng từ các thiết bị máy móc hiện đại, vừa giúp mở rộng thị trường cạnh tranh, tạo động lực để đồng bào Cơ Tu sống được với nghề dệt truyền thống, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của mình” - bà Tươi nói.

BIẾN TẤU CÙNG SẢN PHẨM TRUYỀN THỐNG

Các sản phẩm lụa tơ tằm, đũi hay thổ cẩm len lỏi vào cuộc sống theo những cách riêng, từ những con người yêu các sản phẩm văn hóa truyền thống này.

Quảng bá với thế giới về tơ lụa Việt là mong muốn của mỗi kỳ lễ hội.
Quảng bá với thế giới về tơ lụa Việt là mong muốn của mỗi kỳ lễ hội.

Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hanhsilk (làng đũi Nam Cao, Thái Bình): Trung thực - tận tâm - sáng tạo - chân thành

Làm sao có thể khôi phục được làng nghề, khi ngay cả dân làng bản địa còn không làm được. Tôi đã gặp hoài nghi này từ nhiều người, nhưng tôi vẫn quyết tâm. Đầu tiên tôi mua lại rất nhiều khung cửi mà bà con gần như bỏ đi. Tôi bắt đầu hợp tác cùng bà con tổ chức sản xuất, bước đầu có sự phối hợp giữa dệt cổ truyền và sáng tạo để phù hợp với thị trường. Phương châm của tôi khi đến với lụa là trung thực - tận tâm - sáng tạo - chân thành. Trung thực với khách hàng về sản phẩm, tận tâm với công việc cũng như bà con, sáng tạo để đổi mới sản phẩm nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn, và để khách hàng nhớ mình hơn thì chất lượng phải tốt. Tôi đầu tư cho thương hiệu Hanhsilk. Làm sao để sản phẩm truyền thống nhưng phá cách, tạo nên những sản phẩm sử dụng trong thực tế hằng ngày. Và chúng tôi đã làm được khi mời họa sĩ vẽ trên nền đũi, vẩy mực lên đũi. Chúng tôi nhận được sự thích thú và hưng phấn từ người châu Âu khi họ chạm tay vào đũi. Tôi dùng vải đũi may áo, làm khăn và sắp tới sẽ làm rèm đũi để xuất khẩu đi các nước. Đũi Nam Cao - Thái Bình đã cùng tôi đi nhiều nước trên thế giới và đều được đón nhận.

Alăng Thị Pari ( xã A Tiêng, Tây Giang): Người trẻ bắt đầu “mê” thổ cẩm truyền thống

Nhận thấy giá trị từ các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, nên nhiều bạn trẻ đồng bào Cơ Tu tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang nay bắt đầu “bén duyên” khởi nghiệp với các mặt hàng thổ cẩm, phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Tôi đam mê thổ cẩm Cơ Tu nên suốt gần một năm nay đã quyết định bỏ vốn thu mua các sản phẩm từ người dân địa phương, rồi đem bán cho du khách. Tuy nhiên, do giá trị sản phẩm thổ cẩm khá cao, nên lượng khách đặt mua chưa nhiều, trong khi nguồn vốn đầu tư của gia đình để mở rộng thị trường kinh doanh còn hạn chế. Dù vậy, tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho công việc này trong tương lai, cũng như lựa chọn mẫu mã sản phẩm phù hợp và chất lượng, đáp ứng với nhu cầu của khách hàng. Từ chất liệu thổ cẩm, tôi đã đặt hàng các nghệ nhân Cơ Tu tại địa phương dệt theo nhiều loại váy dài, áo khoác và cả khăn choàng cổ, được cách điệu về mẫu mã, rất được nhiều người ưa chuộng, nhất là các bạn trẻ Cơ Tu. Thông qua việc kinh doanh thổ cẩm truyền thống, ngoài kiếm thêm thu nhập, tôi còn muốn tạo cơ hội quảng bá và kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng này, giúp đồng bào thấy được giá trị từ nghề dệt, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.

Chị Nguyễn Thanh Thúy - Hội quán các bà mẹ TP.Hồ Chí Minh: Giữ lụa là giữ hồn quê

Với phương châm “Giữ lụa là giữ hồn quê”, mỗi tấm lụa quý của làng lụa Mã Châu làm nên những chiếc áo dài trong dự án của hội quán, chính là sự góp sức để giữ làng nghề truyền thống và trang phục áo dài Việt. Tôi tin dòng chảy truyền thống của những làng nghề vẫn còn mãi, trong mạch ngầm của làng xã và những điều thân thương gần gũi. Tôi tin trái tim và tâm hồn người Việt mãi được neo lại trong một làn hương bưởi, hương cau, hương bồ kết thoảng qua và tà áo dài thấp thoáng. Tà áo dài màu tím nhạt dịu dàng như tro của hoa hồng được nhuộm bằng những quả cau thật già, thật cay, mang đến vẻ đẹp thật thuần khiết Việt Nam, như một nụ cười sau hàm răng đen nhánh ăn trầu… Tôi về thăm làng lụa Mã Châu, tôi biết nhiều thợ dệt rất buồn, đời sống vất vả bởi sản phẩm không có đầu ra, khả năng mai một của làng nghề rất cao. Thúc đẩy thị phần áo dài lụa, chẳng những góp phần đảm bảo cuộc sống của biết bao người thợ luôn mong mỏi giữ nghề, giữ làng ấy, mà còn bảo tồn nét đẹp văn hóa lâu đời của các làng nghề truyền thống nói chung.

Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội ngộ...những đường tơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO