Như một quãng trầm của bản nhạc xưa, Không gian Hội ngộ Cotic (ở số 60 Nguyễn Thái Học, TP.Hội An) đủ làm vừa lòng những người khó tính nhất - về một chốn dừng chân tĩnh lặng, nhưng thú vị. Bởi ở đó, những thứ tưởng đã yên sâu trong ký ức mỗi người lại thức dậy, đầy sống động. Nhưng không kém phần sâu lắng, bắt đầu ngay khi bước qua ngạch cửa gỗ…
Đầu tiên, bạn sẽ bắt gặp gian tuồng đồ, được coi như một tiểu “bảo tàng” của bộ môn nghệ thuật tuồng cổ. Tranh vẽ với sắc tuồng chủ đạo được bài trí như một căn phòng triển lãm. Và mặt nạ tuồng được xếp đặt khéo léo, lồng vào giữa hai tấm nhựa mỏng treo dọc lối vào gian tiếp theo. Những sắc màu - ngay ở cái nhìn đầu tiên, đã níu chân người. Giới hội họa gọi đây là những thể nghiệm đầy cá tính. Tất nhiên, sự liều lĩnh thăng hoa bởi tình yêu của những con người trót mê văn hóa truyền thống Việt Nam. Năm 2013, gian phòng đầu tiên của không gian này dành cho một “ông tây” lỡ mê mặt tuồng - Jean Luc Mello. Jean in những khuôn hình mặt nạ trên giấy dó, giấy tuyến chỉ, rồi áp chúng vào những mặt kính. Trong cái bó chật của không gian triển lãm, Jean cùng những cộng sự đã nghĩ cách treo những khuôn mặt tuồng ngang tầm với khuôn mặt người. Khắc họa tuồng theo cách riêng của mình, dựa trên những chất liệu truyền thống của Việt Nam, lại gặp những người trẻ cùng một lối tư duy về cách thức phát triển nghệ thuật cổ truyền, sau khi Jean dời đi, ý tưởng này lại được tiếp tục bởi một họa sĩ Việt Nam. Giữa mùa hè năm này, tôi trở lại Cotic, sau ngày Jean rời Cotic, và mỉm cười hạnh phúc vì “gian phòng của tuồng đồ” vẫn vẹn nguyên như những ngày mới bắt đầu cùng những nhiệt thành.
Hút sâu Không gian Hội ngộ Cotic. Ảnh: L.Q |
Ở gian giữa, một quán cà phê Tây với nhạc không lời, thức uống là Capucchino, là một ly cà phê rang xay nguyên chất, ghế bàn là những sofa đậm màu, không dưng bạn sẽ bật cười. Bởi lẽ, sự kết hợp giữa tây ta, rất ta như nghệ thuật tuồng và một quầy bar hay xuất hiện trong những bộ phim lãng mạn Âu Mỹ, lại không hề lố bịch khi cùng chung trong một căn nhà cổ Việt. Chắc bởi khi đã đi đến tận cùng mọi giá trị văn hóa, dù Tây phương hay Đông phương, đều sẽ gặp nhau ở sự sâu lắng, ở cái rung cảm không hề phân biệt giống nòi. Và khi tôi ngồi phía này, nhìn không chớp mắt những sản phẩm lưu niệm thủ công, đa số là áo quần được may từ lụa Việt, kiểu dáng tối giản, màu sắc nâu trầm - nằm ở workshop phía gian cuối của căn nhà, thì một đôi bạn trẻ Tây, lại mê mẩn với từng màu sắc trong những bức tranh vẽ trên giấy dó, về muôn sắc điệu của nghệ thuật biểu diễn tuồng.
Và bây giờ, nếu bạn thư thả ngồi ở Cotic - mà mọi người hay đoán định rằng nó là biến thể của từ “cổ tích”, từ những người sáng lập không gian này, biết đâu vô tình bạn sẽ nghe ra những hương vị tinh dầu từ các loại rau ở Trà Quế, do một cô gái trẻ tinh chế. Đôi khi, nếu may mắn, bạn sẽ có cơ hội để thưởng ngoạn những buổi biểu diễn đặc biệt, từ các nhóm yêu nghệ thuật truyền thống trên khắp thế giới, tại đây. Tò mò hơn, bạn bước trên những bậc cầu thang gỗ dẫn lên gác hai, sẽ thấy phố xá dẫu đông đúc dưới nắng hè oi ả, nơi bạn đứng đó - nhiều người vẫn ngồi bất định trong dáng thiền. Chắc rằng họ đang hạnh phúc trong thế giới tĩnh lặng và yên ả này.
Trên hành trình không ngơi nghỉ của vòng tròn cuộc đời, từng ấy thứ hội ngộ trong một không gian, liệu đã đủ để bạn dừng chân tĩnh tại - dù chỉ một nhịp?
LÊ QUÂN