Tôi 9 tuổi, em trai tôi 6 tuổi vào năm 1960 - năm mà Ngô Đình Diệm lần đầu bị đảo chánh. Cả làng Thanh Quýt (nay thuộc xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) tối nào cũng tập trung quanh cái radio hiệu Philip ở nhà người bác họ để nghe tin tức từ Sài Gòn… Nhưng đó là chuyện của người lớn. Bọn trẻ con trong xóm chúng tôi gần tết năm ấy có một thế giới riêng của những đứa con nhà nghèo…
Theo bà đi chợ tết. |
Chúng tôi háo hức, chen nhau đến mấy nhà giàu trong làng coi đốt pháo tất niên. Giành nhau những trái pháo Điện Quang lép, không kịp nổ rồi mang ra đường đốt lại. Cuối năm ấy, có một nhà thờ tộc trong xóm làm lễ lạc thành, cũng đốt pháo. Bọn chúng tôi đứng quanh, bịt tai khi pháo nổ. Tiếng pháo chưa dứt, đã xô đẩy nhau nhào vô giành giật, vui đáo để. Có đứa bị pháo nổ trên tay, bị thương máu chảy, vẫn không biết sợ. Con chó nhà ngoại tôi nghe tiếng pháo nổ bỏ chạy khỏi nhà đến mấy ngày mới về. Vừa về lại nghe pháo tết, lại bỏ chạy… báo hại cậu tôi không ăn tết, đi tìm.
Nhưng chuyện ấy không quan trọng bằng những chuyện sau đây về những cái tết mà tôi không bao giờ quên được trong những ngày nghèo khó của tuổi thơ…
Bộ đồ tết đầu đời
Số là nhà tôi quá nghèo, lại đông con. Sau đình chiến, cha tôi ở tù ra, tuy bệnh tật nhưng vẫn phải kiếm ăn bằng cái quán hớt tóc trong xóm và mỗi năm trồng thêm vài ngàn cây thuốc lá. Làng tôi người đông đất ít. Đất lại xấu nên muốn trồng thuốc lá phải đến tận những làng xa có đất cát bồi để thuê. Sáng chưa tỏ đất đã ra khỏi nhà, tối mịt mới quay về vì phải đi bộ. Tết đến cũng là đang giữa mùa thuốc lá, nên có khi tối 30 mọi người mới về đến nhà để lo cúng giao thừa. Ở nhà, vài ngày, mẹ tôi lại đưa cho mấy đồng để tôi đi chợ. Đi chợ xong lại về đi học. Trưa nấu nướng cho các em ăn. Chiều học bài hoặc rủ bạn bè chạy nhảy. Đó là “thời khóa biểu” mỗi ngày… Tôi xách cái rổ xuống hàng trầu cau của cô tôi ở chợ Vải đưa cho cô cùng mấy đồng bạc. Cô mua cho tôi mấy xu bánh đúc ngồi ăn và trông hàng để bà đi mua thay. Vì cô buôn bán ở chợ, quen biết nên mua rẻ, lại thêm cây hành, trái ớt làm gia vị…
Nấu bánh tét. |
Gần tết năm ấy, sau khi đi mua các thứ, cô dắt tôi vào một hàng may đầu chợ, đứng ngay ngắn cho bác thợ đo từ đầu đến chân. Cô nói may cho tôi bộ đồ mặc tết. Trời ạ, đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến mấy từ “may đồ tết”! Bởi từ lúc có trí nhớ đến giờ, năm nào mẹ tôi cũng ra Đà Nẵng, xin đồ cũ của mấy người bà con về cho anh em tôi mặc. Đồ xin nên có cái chật, cái rộng. Mùng 1 Tết ra đường thấy nhiều đứa mặc đồ mới, tôi và thằng em kế thường tủi thân bỏ chạy về nhà nằm khóc. Cô tôi làm dâu làng bên có lẽ thấy cảnh đó nên năm ấy đã quyết định “may cho thằng lớn” trước…
Sáng 29 Tết năm ấy, tôi lại đi chợ. Và đây: Cô dắt tôi đến tiệm may, bắt tôi cởi hết áo quần ra. Trời thì lạnh như cắt da nhưng “cuỗng trời” giữa chỗ đông người thì còn đau khổ hơn nhiều. Nhưng cái hăm hở của bộ đồ tết đầu đời khiến tôi bặm môi chịu trận. Một bộ đồ vải màu xanh nước biển may theo biểu bà ba, phía trên túi, trên ve cổ áo và ở chỗ các cổ tay, ống chân có “chít” thêm một đường vải màu trắng. Vải mới, hồ còn cứng, tôi có cảm giác như tê dại toàn thân và rưng rưng nhìn cô tôi thầm cám ơn bà…
Tết năm ấy, tôi diện bộ đồ mới vào chuẩn bị qua nhà ngoại xông đất. Chưa kịp đi, thì nghe tiếng chú em khóc ré trong nhà với mẹ tôi. Giọng nó rõ to: “Thà mặc đồ rách chớ không mặc đồ xin!”. Thì ra mẹ tôi vẫn ra Đà Nẵng xin cho nó một bộ như mọi năm đã xin cho cả chúng tôi. Thằng em nhất quyết không mặc bộ đồ ấy và cả cái tết không chịu ra khỏi nhà!
Vậy là tôi cũng chẳng biết vui chơi với ai, dù đã có một bộ đồ tết.
Những đồng tiền lẻ của cha tôi
Như đã kể, ngày ở tù cha tôi đã học được nghề hớt tóc. Ông che mấy tấm tranh trước ngõ nhà giữa xóm, đóng cái ghế gỗ và mở quán hớt tóc. Trước đó, lúc còn khỏe ông đã bỏ bộ đồ nghề vào cái thùng gỗ đi hớt dạo. Sáng 30 Tết, ông giao việc đi làm thuốc lá cho mẹ rồi mang bộ đồ nghề, chiếc ghế ra treo trên bụi tre đầu xóm, bên cạnh con đường xuống chợ để kiếm thêm khách cũng như thêm tiền lo tết. Cha tôi, tuy què chân nhưng được tiếng hớt tóc rất đẹp, nói chuyện hay và hớt rất nhanh nên được nhiều người yêu mến. Ông kê một chân trên ghế, một chân đứng từ sáng đến chiều chỉ trong ngày 30 thôi, cũng kiếm được đủ tiền cho mẹ tôi buổi chiều tối 30 “đi chợ nhà nghèo”!
Độ hơn 3 giờ chiều, mẹ tôi từ ruộng thuốc lá ở làng bên về tới “tiệm” của cha. Tôi còn nhớ, ông xổ cái túi vải mắc trên bụi tre xuống, đổ ra chiếc nón là toàn những tiền xu, tiền giấy lẻ cho mẹ. Ông giữ lại mấy đồng để “mai oánh mấy ván át-tê thử thời vận năm mới, rồi hối mẹ đi chợ. Mẹ chưa quay đi hẳn, ông đã gọi lại và nói nhỏ mấy câu mà tôi không nghe được…
Phiên chợ tết ngày xưa. |
Tối đó khi giúp cha dọn dẹp tiệm hớt tóc quay về nhà thì đã thấy mẹ tôi đội trên đầu một mủng đầy… đồ tết và xách thêm trên tay một gói giấy bằng vỏ bao xi măng. Nào là mấy cái bánh tét, bánh tổ, kẹo mứt, chai rượu trắng và các thứ đồ cúng. Cha tôi kéo tôi và thằng em trai ra tắm rửa dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu hỏa treo bên ảng nước, trước khi chuẩn bị hoa quả cúng rước ông bà và đón giao thừa…
Bọn nhỏ chúng tôi ngủ từ lúc nào, không hay tiếng pháo ở các nhà giàu có vẫn đì đoành đón chào năm mới và tiếng chó sủa vang vọng đâu đó trong xóm. Ngoài đường vẫn tối mịt. Cái thứ bóng tối và âm thanh của đêm 30 ở làng quê năm nào vẫn vậy. Chúng tôi chỉ háo hức một sáng đầu năm với hy vọng được những đồng tiền mừng tuổi của những người bà con ở phố về, háo hức những lát bánh tét thơm dẻo, những lát thịt heo mà ngày thường rất thiếu vắng, rồi xênh xang kéo nhau ra ngã ba đầu làng coi người lớn đánh bầu cua, hô bài chòi. Chỉ có vậy mà sao năm nào cũng cứ háo hức ngày tết!
Nhưng không chỉ có vậy.Tết năm ấy, mẹ tôi soạn bộ đồ cô tôi may cho năm ngoái vẫn còn mới và vừa vặn (vì thường may rộng hơn để mặc nhiều năm) cho tôi mặc. Bà lại mở cái túi giấy xi măng, lấy ra một bộ đồ khác cho thằng em tôi. Cũng một màu vải xanh dương. Cũng những đường viền bằng vải trắng trên ve áo, trên túi và trên ống tay…
Thằng em tôi lần đầu tiên cũng có bộ đồ mới đón xuân. Nhưng mặt nó lại nở ra một nụ cười méo xệch, đầy hàm ý! Chắc chú nó đang nhớ lại cái tết năm ngoái nằm vùi trong ngôi nhà tranh nghèo…
*
* *
Chú em kế của tôi qua đời vào năm 45 tuổi, lúc mới đầu tháng Chạp, khi sự nghiệp tưởng như đầy hứa hẹn, cách đây mười mấy năm. Ước mong cuối cùng của chú hồi đó là muốn sống thêm được cho qua một cái tết nữa.
Chỉ có điều chưa ai nói với chú: Bộ quần áo tết mà mẹ tôi gói trong cái túi giấy bằng vỏ bao xi-măng năm ấy, trừ tiền vải mua từ mớ tiền lẻ hớt tóc của cha tôi dưới bụi tre làng, còn lại phải nợ tiền công may đến năm sau mới trả được! Cha tôi đã kể chi tiết này trong một ngày tết về sau…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG