(QNO) - Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở huyện miền núi Tây Giang đã có nhiều cách làm hay, thiết thực giúp hội viên xây dựng “gia đình bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ” góp phần giảm thiểu và tiến tới nói không với bạo lực gia đình.
Theo thống kê, hơn 10 năm qua trên địa bàn huyện Tây Giang xảy ra hơn 250 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực tinh thần gần 220 vụ, bạo lực thân thể 26 vụ, kinh tế 13 vụ.
Để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, Hội LHPN huyện Tây Giang chỉ đạo các cấp hội phối hợp với chính quyền xã, thôn đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình đến từng thôn, hộ gia đình bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình ở huyện biên giới Tây Giang đã giảm từ hơn 250 vụ (năm 2008) xuống còn 9 vụ (năm 2020)... Nhiều người chồng đã hiểu vai trò người vợ trong gia đình và trách nhiệm người chồng như thế nào đối với gia đình.
Anh Tơ Ngôn Nhép (thôn Achoong, xã Ch’Ơm) thổ lộ: “Ngày xưa, cưới vợ về có tình trạng ép vợ làm việc, say rượu là to tiếng với vợ con. Nhưng ngày nay khác rồi, được cán bộ tuyên truyền, vợ chồng phải bình đẳng, cùng nhau làm việc, xây dựng gia đình. Dù khó khăn, buồn bực cũng không được đánh đập vợ, phải đỡ đần nhau. Hai vợ chồng phải cùng xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con cái học hành cho tốt, nên người”.
Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp Hội Phụ nữ huyện Tây Giang đã thành lập các tổ hòa giải. Tổ có nhiệm vụ đến từng thôn, hộ có nguy cơ bạo lực gia đình kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm chị em, có biện pháp can thiệp, hòa giải kịp thời.
Như chị Bling Thị Hiếu ở thôn Ahu, xã A Tiêng là một ví dụ. Chồng chị trước đây suốt ngày bia rượu, mỗi khi say xỉn lại đánh đập, ngược đãi vợ con. Sau khi biết chuyện, tổ hòa giải của xã thường xuyên đến nhà tuyên truyền, hòa giải 2 vợ chồng. Mưa dầm thấm lâu, khuyên mãi rồi chồng chị Hiếu cũng hiểu được hành vi sai trái của mình và dần bỏ bạo lực với vợ con. Thời gian gần đây, vợ chồng chị Hiếu hòa thuận, không còn lời qua tiếng lại, chăm lo gia đình, phát triển kinh tế. “Trước đây, vợ chồng tôi cãi nhau như cơm bữa. Tôi bị hành hạ tinh thần. Nhưng giờ, chuyện đó đã là quá khứ rồi. Chồng tôi đã biết lo làm ăn, dù vất vả ổng cũng chăm lo cho gia đình” - Chị Bling Thị Hiếu chia sẻ.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, thời gian qua Tây Giang thành lập 4 mô hình về phòng chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ VH-TT&DL; 4 câu lạc bộ hộ gia đình phát triển bền vững; 10 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 10 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 10 số đường dây nóng.
Bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang cho biết, hằng năm, hội tổ chức các đoàn tăng cường về thôn, xã giám sát về phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển hệ thống hòa giải viên, địa chỉ tin cậy ở cơ sở. Tùy theo thực tế của từng địa phương mà Hội LHPN huyện có những kế hoạch, mô hình tuyên truyền khác nhau, đem “cái tình, cái lý” hóa giải những mâu thuẫn, xung đột, giảm thiểu bạo lực, hướng đến nói “không” với bạo lực gia đình.
“Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có vụ bạo lực gia đình nào nổi cộm. Các tổ, hội hoạt động rất hiệu quả, có vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình đều kịp thời báo với cấp trên để giải quyết dứt điểm. Hàng năm, Hội LHPN phối hợp với Tư pháp, Tòa án, Công an… để tuyên truyền luật, đặc biệt là luật liên quan đến bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, luật hôn nhân và gia đình…” - bà Nem nói.